Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và ở nước ta, việc bảo vệ sức khỏe bằng cách tăng cường hệ miễn dịch là một giải pháp quan trọng để phòng nhiễm bệnh.
Từ thống kê về những trường hợp nhiễm COVID-19 có thể thấy rõ tỷ lệ người cao tuổi, người có sức đề kháng yếu hay hệ miễn dịch bị suy giảm sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh và tử vong cao hơn những người có sức đề kháng tốt. Ngược lại, những người có hệ miễn dịch tốt sẽ giảm thiểu khả năng nhiễm bệnh, hoặc người đã nhiễm bệnh sẽ có thời gian hồi phục nhanh hơn.
Những nguyên nhân làm suy giảm miễn dịch
Căng thẳng, ăn uống kém, thiếu ngủ liên tục; Làm việc hoặc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong một thời gian dài; Sống trong môi trường ô nhiễm nặng nề; Hoạt động thể chất quá nhiều hoặc lối sống lười vận động; Hút thuốc lá, uống rượu và sử dụng ma túy... là những nguyên nhân làm suy giảm miễn dịch.
Để giữ cơ thể khỏe mạnh giữa môi trường đầy nguy cơ, hệ miễn dịch phải làm việc tích cực và hiệu quả. Hệ miễn dịch giống như một hệ thống phòng vệ bao gồm nhiều tầng lớp tham gia bảo vệ cơ thể. Chúng luôn hoạt động nhịp nhàng, ăn ý để có thể phát hiện, tiêu diệt tác nhân xâm nhập, giữ cơ thể luôn an toàn.
Hệ miễn dịch rải khắp cơ thể, từ các tế bào lympho ở màng phế nang, niêm mạc ruột... đến các đại thực bào nằm ở cơ quan trung ương (gan, não...) hay các loại bạch cầu trong mạch máu... Vũ khí của hệ miễn dịch cũng rất đa dạng như kháng thể, hóa chất trung gian... Nhờ có hệ miễn dịch mà đại đa số thời gian sống của chúng ta là thời gian cơ thể khỏe mạnh bình thường, có thể làm việc, học hành, vui chơi, thư giãn.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển hệ miễn dịch, bao gồm di truyền, tình trạng dinh dưỡng, những lần mắc bệnh lúc nhỏ, chủng ngừa, sự tiếp xúc với các nguyên nhân gây bệnh, môi trường sinh sống... Trong số những yếu tố này, việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết là việc khả thi nhất.
Đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch là cách tốt nhất để phòng bệnh. Ảnh: TM
Giải pháp dinh dưỡng tăng cường miễn dịch
Mỗi người có thể tự cải thiện sức đề kháng bằng nhiều cách, thông qua nghỉ ngơi, luyện tập và bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Trong đó, chế độ dinh dưỡng cân bằng, đảm bảo không bị thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu chính là chìa khóa.
Trong thành phần bữa ăn hằng ngày cần có chất bột đường để cung cấp năng lượng; chất đạm, chất béo để xây dựng nên các thành phần của hệ miễn dịch.
Mỗi loại thực phẩm có một số chất dinh dưỡng đặc hiệu. Chúng ta nên ăn đa dạng, cân bằng tất cả các loại thực phẩm. Khi cơ thể có đầy đủ chất dinh dưỡng đồng nghĩa với chúng ta có một hệ miễn dịch khỏe mạnh và tăng sức đề kháng để chống lại virus. Theo đó, các nhóm thực phẩm cần đảm bảo đầy đủ, cân bằng trong bữa ăn, bao gồm: nhóm thực phẩm giàu chất bột đường từ cơm, bún, phở, bánh mì; nhóm thực phẩm giàu chất đạm từ thịt, cá, trứng, sữa; một ít chất béo từ dầu hoặc các loại hạt; đặc biệt là tăng cường gấp đôi rau xanh, trái cây trong khẩu phần để có thể cung cấp cho cơ thể đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Theo các chuyên gia y tế, thực phẩm có nhiều vitamin C, A, B, kẽm, polyphenol là những chất chống ôxy hóa, có vai trò kháng khuẩn và hỗ trợ hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh. Bổ sung nấm trong bữa ăn để tăng cường tế bào T, loại tế bào miễn dịch tự nhiên được mệnh danh là “sát thủ” đối với vi khuẩn.
Các loại rau, trái có rất nhiều vitamin C, E sẽ tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể là: sơ ri, cam, bưởi, các loại ớt chuông, ổi, các loại rau có màu xanh đậm.
Bên cạnh đó, các loại thực phẩm khác như: sữa tách béo, trứng, hải sản có nhiều vitamin D sẽ giúp phòng ngừa và hạn chế nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Các loại hạt như hạt điều, hạt bí, hạt hướng dương, hạt óc chó... có nhiều kẽm, polyphenol. Đây là những thành phần có những chất chống ôxy hóa. Đồng thời, hỗ trợ, cải thiện đường tiêu hóa tốt hơn.
Một số thực phẩm đặc biệt khác như: trà, tỏi, hành, gừng... trong thành phần có những chất chống viêm và làm tăng hoạt động của tế bào miễn dịch.
Sữa chua sẽ cung cấp một nguồn probiotic. Đây là những lợi khuẩn đường ruột, giúp chống lại những tác nhân gây bệnh. Đồng thời, các chất xơ tan từ gạo ít xay xát, lúa mạch, cam, chuối, khoai lang sẽ cung cấp nguồn bổ dưỡng cho lợi khuẩn đường ruột này...
Các biện pháp khác
Tiêm chủng: Tiêm chủng là biện pháp tăng cường hệ miễn dịch rất phổ biến và hiệu quả, nhất là đối với trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi. Tiêm chủng giúp trẻ chống lại một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: sởi, ho gà, bại liệt, uốn ván, lao, viêm gan B... Nhiều thập kỷ qua, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã giúp đẩy lùi được các căn bệnh của thế kỷ trước như: sởi, ho gà, bại liệt... và cứu sống được rất nhiều trẻ nhỏ. Vì vậy, đưa trẻ đi tiêm chủng vẫn là việc làm cần thiết cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
Không lạm dụng kháng sinh: Sử dụng kháng sinh không đúng cách, lạm dụng kháng sinh sẽ làm giảm đáng kể các vi khuẩn có lợi trong đường ruột và một số bộ phận khác đồng thời làm vô hiệu hóa hệ miễn dịch.
Uống nước và ngủ đủ giấc: Đừng quên uống đủ nước và ngủ đủ giấc để tránh suy giảm hệ miễn dịch.
Tăng cường tập luyện: Mỗi người nên dành thời gian để tập thể dục 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần để tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch. Việc tập luyện đều đặn giúp giảm một nửa nguy cơ bị cảm lạnh, nhiễm virus và mắc các bệnh truyền nhiễm...