Nguyên nhân gây bệnh sởi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ…nếu không có miễn dịch phòng bệnh có thể sẽ gây thành dịch. Đối tượng dễ mắc bệnh sởi thường là trẻ nhỏ và người có miễn dịch kém. Bệnh sởi dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… và có thể gây tử vong.
Bệnh sởi do virus gây ra. Đây là một loại virus ARN thuộc chi Morbilivirus nằm trong họ Paramyxoviridae, virus hình cầu, đường kính 120 – 250 nm, sức chịu đựng yếu, dễ bị tiêu diệt với các thuốc khử trùng thông thường, ánh sáng mặt trời và sức nóng…
Khi virus vào trong cơ thể bệnh nhân sẽ kích thích sinh kháng thể. Kháng thể xuất hiện từ ngày thứ 2 – 3 sau khi mọc ban và tồn tại lâu dài. Miễn dịch trong sởi là miễn dịch bền vững.
Đường lây truyền của bệnh sởi
Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn ra không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện… hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của người bệnh.
Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư… chính vì vậy bệnh dễ gây thành dịch. Giai đoạn người bệnh có khả năng lây bệnh cho người khác là từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau giai đoạn phát ban của người bệnh.
Những người có nguy cơ mắc bệnh sởi
Bất kể ai từ người lớn đến trẻ nhỏ chưa từng tiêm phòng sởi hoặc chưa bị sởi, có tiếp xúc với người bị sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Trong đó trẻ dưới 5 tuổi là nhóm có nguy cơ mắc sởi cao nhất.
Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh quản, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, bùng phát lao tiềm ẩn, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.
Cách phòng tránh bệnh sởi
Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó để chủ động phòng bệnh, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Thực hiện đúng khuyến cáo của ngành y tế
Đưa trẻ đi tiêm phòng bệnh sởi ngay từ khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại sởi mũi 2 + rubella khi trẻ đủ 18 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia tại các trạm y tế.
Thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng chung như: Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhất là khi chăm sóc trẻ; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, vệ sinh cá nhân; đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.
- Không tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban... thì cần đến ngay các cơ sở y tế để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.
- Kiểm soát nhiễm trùng
Trong môi trường bệnh nhân nội trú, các biện pháp phòng ngừa lây truyền qua đường không khí được chỉ định trong bốn ngày sau khi bắt đầu phát ban ở những bệnh nhân khỏe mạnh khác và trong suốt thời gian bị bệnh ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
Đối với bệnh nhân ngoại trú, bệnh nhân sốt phát ban nên được đưa đến khu vực chờ riêng hoặc đặt ngay trong phòng riêng. Cả bệnh nhân và nhân viên phải đeo khẩu trang, mặt nạ phòng độc thích hợp (mặt nạ cho bệnh nhân để ngăn tạo ra các giọt nhỏ, và mặt nạ cho nhân viên để lọc các hạt trong không khí, bất kể tình trạng miễn dịch).
Nếu không được nhập viện, bệnh nhân nên được yêu cầu cách ly ở nhà trong bốn ngày sau khi phát ban. Virus sởi có thể lơ lửng trong không khí đến hai giờ; do đó không nên sử dụng phòng có người nghi ngờ trong vòng hai giờ sau khi bệnh nhân rời đi.
- Tăng cường miễn dịch
Thiếu dinh dưỡng và miễn dịch kém là yếu tố nguy cơ bị dịch bệnh tấn công. Chính vì vậy, chế độ ăn khoa học, cân bằng là rất quan trọng để tăng cường hệ miễn dịch, giúp phòng ngừa bệnh truyền nhiễm trong đó có sởi.
Đối với trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ: Cần tiếp tục cho con bú, cho bú nhiều lần hơn kết hợp với ăn bổ sung hợp lý. Thực hiện cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là biện pháp tốt nhất giúp trẻ tăng trưởng, phát triển tối ưu và góp phần phòng bệnh tốt nhất.
Cho trẻ ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm, trong đó phải bảo đảm đủ 4 nhóm thực phẩm là nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm chất bột đường, nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng.
Cần cho trẻ ăn đủ các thức ăn giàu đạm. Đặc biệt các thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao như thịt, cá (cá chép, cá quả, cá ba sa, cá bông lau, cá hồi, cá trích…), trứng, sữa, hải sản - đây cũng là nguồn cung cấp kẽm và sắt giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho trẻ. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi thì cần bổ sung kẽm theo hướng dẫn của y tế bằng đường uống cho trẻ.
Cần cho trẻ ăn tăng rau, quả có màu vàng, đỏ như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu… và các loại rau có lá xanh sẫm như rau muống, rau ngót, rau dền đỏ, cải bó xôi, xúp lơ xanh… vì có nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C… giúp tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng và làm nhanh lành các tổn thương, đặc biệt tổn thương ở mắt, chống mù lòa. Các loại quả khác giàu vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng và cung cấp nước cho trẻ như bưởi, táo, lê… cũng rất tốt.
Các loại vitamin A, C, E, D đã được chứng minh là giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Những thực phẩm chứa nhiều vitamin A gồm cà rốt, cải xoăn, súp lơ xanh, bí, quả mơ, cá và khoai lang.
Vitamin C tìm thấy trong dâu tây, cam, chanh, bưởi… giúp tăng cường sản sinh tế bào bạch cầu và kháng thể gồm interferon kháng thể. Vitamin E có nhiều trong các loại hạt, dầu thực vật và ngũ cốc.