Theo các chuyên gia, tăng đường huyết là tình trạng phổ biến được tìm thấy ở bệnh nhân tiểu đường và kéo theo đó là tình trạng đề kháng insulin. Các triệu chứng khi lượng đường trong máu tăng cao bao gồm: đi tiểu thường xuyên, buồn nôn, buồn ngủ, mờ mắt, khát nước, đói lả.
Những người bị tiểu đường đang dùng thuốc hoặc các biện pháp để kiểm soát lượng đường trong máu có thể có các triệu chứng hạ đường huyết như: run, tim đập nhanh, ra mồ hôi, lo âu, vô cùng đói, suy nhược và mệt mỏi.
Theo Myhealthtips, một số biện pháp sau có thể giúp ổn định lượng đường trong máu.
Tiêu thụ sữa. Kết hợp các sản phẩm sữa trong chế độ ăn uống là điều vô cùng cần thiết đối với những người bị tiểu đường. Một số người không dung nạp lactose và sữa là liệu pháp thay thế hoàn hảo. Hơn nữa, các protein và chất béo hiện diện trong các sản phẩm sữa giúp cải thiện lượng đường trong máu.
Cân nhắc khi ăn bánh mì. Bệnh nhân tiểu đường cần tránh tiêu thụ các sản phẩm chứa nhiều tinh bột, đặc biệt là bánh mì, vì đây nguồn phong phú đường dễ làm tăng mức độ đường trong máu. Ngũ cốc nguyên hạt là lựa chọn rất tốt cho người bị tiểu đường vì đây là nhóm thực phẩm chứa đủ lượng chất xơ, protein cùng với carbohydrate phức tạp giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Bổ sung magiê. Magiê là khoáng chất được biết đến với tác dụng giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh tiểu đường tuýp 2. Nguồn cung cấp magiê gồm rau bina, cá, các loại hạt, bơ và các loại rau xanh khác. Nhiều nghiên cứu phát hiện phụ nữ thừa cân có thể giảm nguy cơ bệnh tiểu đường bằng cách thực hiện chế độ ăn uống với các loại thực phẩm dồi dào khoáng chất này.
Tiêu thụ kiều mạch. Kiều mạch được biết đến là nguồn tuyệt vời của chất xơ có công dụng giúp cải thiện lượng đường trong máu.
Hạn chế rượu. Nếu muốn kiểm soát lượng đường trong máu, cần cắt giảm lượng rượu tiêu thụ. Một ly rượu vang vào bữa ăn tối tốt cho sức khỏe bởi rượu vang được chứng minh giúp giảm nguy cơ bệnh tiểu đường, nhưng uống quá nhiều sẽ gây tác dụng ngược lại.
Cắt giảm chất béo trans. Để kiểm soát mức độ đường trong máu, cần hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa. Chất béo có hại này có mặt trong khoai tây chiên và đồ ăn vặt.
Tăng cường tập luyện. Việc kết hợp các bài tập thể chất trong ngày với chế độ ăn uống lành mạnh là bước đi đơn giản nhằm giúp lượng đường trong máu ở mức ổn định. Một nghiên cứu cho thấy đi bộ khoảng 2 km/ngày có thể làm giảm nguy cơ tử vong vì bệnh tiểu đường cũng như các rủi ro liên quan đến sức khỏe tim mạch.
Cười nhiều. Những người vui tính và hay cười được tìm thấy có nồng độ đường trong máu thấp hơn nhiều so với những người sống trầm lặng.
Ăn bưởi. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy bưởi đặc biệt có hiệu quả đối với bệnh nhân tiểu đường. Ăn bưởi không chỉ giúp kiểm soát lượng đường trong máu mà còn có tác dụng giảm cân do các dưỡng chất trong bưởi có ảnh hưởng nhất định đến sự chuyển hóa glucose. Mức độ insulin cũng như glucose được tìm thấy thấp hơn khi ăn bưởi.
Ăn các bữa nhỏ. Theo các chuyên gia, những bệnh nhân tiểu đường cần tránh ăn những bữa ăn lớn mà nên chia nhỏ ra. Tốt nhất là chia bữa ăn lớn ra thành 2, 3 bữa ăn nhỏ và cách khoảng 2 giờ ăn 1 lần.
Không bỏ bữa. Một trong những cách giúp kiểm soát lượng đường trong máu là cần ăn đúng bữa, đúng cữ. Nếu bỏ bữa, lượng đường trong máu sẽ giảm xuống gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Ăn đúng bữa giúp giữ cho mức độ insulin luôn ổn định.
Ngủ đủ. Khi cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, lượng đường trong máu cũng được ổn định. Nhiều bằng chứng khoa học đã chỉ ra mất ngủ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu cũng như mức độ insulin
Chữa chứng ngáy ngủ. Những người bị chứng ngáy ngủ có nhiều khả năng phát triển bệnh tiểu đường. Vì thế, cần đi khám bác sĩ để giải quyết vấn đề tế nhị này.
Thư giãn. Nghe nhạc, đi bộ, thiền, yoga… được xem là những liệu pháp hữu ích đối với bệnh nhân tiểu đường. Khi thư giãn, cơ thể cảm thấy sảng khoái, từ đó giúp ổn định lượng đường trong máu.
Tăng cường bổ sung các loại đậu và hạt. Chế độ ăn uống phong phú các loại thực phẩm như đậu và hạt được chứng minh có tác dụng giúp kiểm soát lượng đường trong máu.