Những cách chữa bệnh khó tin từ thời đồ đá

01-09-2018 07:58 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tổ tiên chúng ta không có nhiều cơ hội để tự giới thiệu về mình. Hầu như tất cả những gì chúng ta biết về họ là qua những thứ còn sót lại trong những nấm mộ.

Mặc dù không ghi chép lại bất cứ điều gì, cơ thể của họ cho chúng ta biết những gì mà các thầy thuốc thời ấy có thể làm - và một số trong đó là vô cùng đáng kinh ngạc.

Cắt cụt với thuốc gây mê

Trong một cánh đồng cách Thủ đô Paris hoa lệ ngày nay 70km về phía Nam Paris, có một người đàn ông đã bị gãy tay. Bác sĩ đã cho ông dùng thuốc gây mê, phẫu thuật cắt bỏ cẳng tay của ông ta và điều trị vết thương bằng thuốc sát trùng. Và việc đó xảy ra từ 7.000 năm trước.

Quy trình này có phần hơi thô bạo hơn so với ngày nay. Tuy nhiên, dựa trên một bộ xương thời kỳ đồ đá được tìm thấy ở Pháp, các nhà khảo cổ tin rằng một thầy thuốc của năm 5.000 trước Công nguyên đã có thể thực hiện mọi giai đoạn của ca phẫu thuật đó.

Các dấu hiệu trên bộ xương cho thấy cẳng tay đã được cắt với độ chính xác của một bác sĩ phẫu thuật, mặc dù chỉ với dụng cụ làm bằng đá lửa. Những thứ mà các thi thể khác mang theo cho thấy rằng người đàn ông này có lẽ đã được dùng một loại thuốc gây ảo giác, có khả năng là Datura, để giúp cho ca phẫu thuật không quá đau đớn.

Việc không có dấu hiệu nhiễm khuẩn cho thấy vết thương đã được điều trị bằng thuốc sát trùng như cây xô thơm sau khi phẫu thuật cắt cụt hoàn thành. Và hiện tượng liền xương chỉ ra rằng bệnh nhân đã sống khỏe mạnh trong nhiều năm sau đó.

Cắt cụt chi với thuốc gây mê.

Cắt cụt chi với thuốc gây mê.

Dùng kiến để khâu vết thương

Ở Ai Cập, vào thời kỳ đồ đá người ta sử dụng chỉ lanh để khâu vết thương. Ở châu Âu, họ sử dụng chỉ catgut. Nhưng thú vị nhất trong tất cả là kỹ thuật được thực hiện với kiến.

Ở Ấn Độ và một số vùng châu Phi, các bộ lạc thời tiền sử sẽ khâu vết thương bằng cách để kiến bò lên cơ thể người bệnh và cắn vết thương. Ngay sau khi con vật bám vào hai bên mép da bị rách, thầy thuốc sẽ bóp lấy đầu nó. Con kiến sẽ chết với hai cái càng tạo thành một cái kẹp siết chặt hai mép vết thương lại với nhau.

Người ta tin rằng kỹ thuật này đã có từ thời đại đồ đá mới. Thật khó để nói chính xác họ đã sử dụng nó như thế nào, nhưng vào thời điểm chữ viết xuất hiện ở Ấn Độ, người ta đã sử dụng kiến để khâu ruột bị thủng.

Mũi khoan răng cổ xưa nhất.

Mũi khoan răng cổ xưa nhất.

Khoan răng

Mũi khoan răng cổ xưa nhất từng được tìm thấy đã ra đời sớm hơn nhiều so với tưởng tượng của bạn. Nó đã được làm bằng đá lửa ở nơi mà ngày nay là Pakistan và một nha sĩ chuyên nghiệp đã sử dụng nó một cách khó tin từ 9.000 năm trước.

Cả một bộ tộc đã được phát hiện với những dấu hiệu rõ ràng của việc làm răng. Một nha sĩ thời tiền sử đã sử dụng một mũi khoan đá lửa để khoan vào răng của các thành viên trong bộ tộc của mình mỗi khi họ phàn nàn là bị đau răng. Trong trường hợp cụ thể, thậm chí ông còn tiến hành nạo men răng phức tạp và phục hồi thành ổ răng.

Vùng đất này có rất nhiều thợ thủ công làm chuỗi hạt, và người ta tin rằng chuyên môn của họ trong nghệ thuật làm chuỗi hạt là chìa khóa cho những tiến bộ kì diệu trong nha khoa.

Châm cứu

Dựa trên các dấu vết trên xác ướp 5.300 tuổi được tìm thấy ở vùng núi giữa Ý và Áo, những người châu Âu thời kỳ đồ đá đã bắt đầu sử dụng châm cứu từ rất rất lâu về trước. Trong thực tế, họ đã sử dụng nó từ 2.000 năm trước người Trung Quốc.

Xác ướp, được biết đến với cái tên người băng Otzi, được cho là đã bị các vấn đề về bàng quang và đau bụng khi còn sống.

Ai đó trong bộ lạc của Otzi đã điều trị cho anh ta bằng châm cứu. Lưng của Người băng có đầy những vết châm từ những chiếc kim nhỏ xíu có thể được làm bằng đá hoặc xương. Người thầy thuốc thời tiền sử này sau đó đã rắc lên vết thương tro của thảo dược bị đốt cháy, có lẽ là để giữ sạch chúng.

Châm cứu sẽ không khắc phục được vấn đề cơ bản, nhưng nó sẽ giúp bệnh nhân bớt đau đớn. Hơn hết, nó cho thấy sự hiểu biết đáng kinh ngạc của kỹ thuật y học.

Khâu vết tương bằng... kiến.

Khâu vết tương bằng... kiến.

Hướng dẫn sản khoa

Một số bộ tộc đã có ý tưởng sơ khai về cách chăm sóc phụ nữ sinh con. Một số nhà khảo cổ tin rằng một số bộ lạc thời kỳ đồ đá đã có những chiến lược, quy trình và hướng dẫn để giúp người phụ nữ mẹ tròn con vuông. Và, trên hết, họ thậm chí còn vẽ hướng dẫn sinh nở lên các bức tường hang động.

Theo một số nhà khảo cổ, nhiều bức vẽ hang động được tìm thấy là phiên bản Thời kỳ đồ đá của cuốn cẩm nang “Điều gì diễn ra khi chuyển dạ”. Chúng dường như mô tả cho thấy một người phụ nữ sinh con ở tư thế đứng thẳng với hai tay chống vào hông - một tư thế tốt nhất để sinh con dễ dàng và không đau đơn nhất có thể với các nguồn lực sẵn có thời bấy giờ. Sau đó, các bản vẽ dường như hướng dẫn người phụ nữ cúi người về phía trước cho giai đoạn sổ bánh rau.

Những hang động này không phải là nhà của họ. Đó có thể là những nhà hộ sinh nguyên thủy. Theo giả thuyết, người mẹ sắp sinh sẽ được đưa vào hang  để có thể được bảo vệ dễ dàng trong khi sinh. Trong hang động đó, người mẹ sẽ được cách ly với thời tiết bên ngoài và mùi sẽ không thu hút thú hoang.


BS. Cẩm Tú
Ý kiến của bạn