Hà Nội

Những ca tử vong vì sốt xuất huyết gần đây do nguyên nhân nào?

29-04-2022 21:05 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Số ca nhiễm sốt xuất huyết gần đây đang không ngừng tăng lên, cùng với đó là sự gia tăng số ca bệnh nặng và tử vong. Điều đáng chú ý là hầu hết các bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết đều có chung các nguyên nhân giống nhau.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế, tính từ đầu năm 2022 tới nay cả nước ghi nhận 14.704 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, riêng TP.HCM có 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue. Theo dự đoán, con số này sẽ tăng lên nhanh chóng khi mùa mưa tới, chính thức bước vào mùa dịch.

Rất nhiều chuyên gia đã dự đoán rằng, dịch sốt xuất huyết năm nay sẽ diễn biến hết sức phức tạp do mùa mưa tới sớm. Cùng với đó là số ca mắc không ngừng tăng lên, số ca nặng cũng tăng cao kỷ lục. Tại thời điểm hiện tại, ngay cả khi chưa vào mùa dịch số ca mắc sốt xuất huyết đã cán mốc 14.704 ca, trong đó có 109 ca nặng cùng 6 ca tử vong.

Các bác sĩ đã nhận định, nếu như sốt xuất huyết được phát hiện sớm thì rất dễ điều trị. Tuy nhiên nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể khiến cho bệnh nhân gặp phải những biến chứng nguy hiểm như tổn thương đa cơ quan, gan, thận...Theo thống kê, trẻ từ khoảng 8-13 tuổi là nhóm trẻ dễ mắc sốt xuất huyết nặng nhất.

Nguyên nhân chính khiến bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong

Hơn 2 năm qua do dịch COVID-19 khiến mọi người quên rằng có rất nhiều bệnh lý khác có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Cũng chính vì quá quan tâm tới dịch COVID-19 mà các triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài của sốt xuất huyết thường bị hiểu nhầm là COVID-19.

Nguyên nhân chung gây tử vong ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết gần đây - Ảnh 1.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm phổ biến và có các triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác

Bên cạnh đó việc tới các Trung tâm Y tế, bệnh viện thăm khám tại thời điểm này cũng khiến cho nhiều người cảm thấy lo ngại và chọn cách bỏ qua. Một yếu tố khác cũng không thể bỏ qua đó chính là người nhà và bệnh nhân chẩn đoán sai bệnh, có phác đồ điều trị sai cách và tình trạng bệnh ngày càng nặng.

PGS.TS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM chia sẻ: "theo các phân tích, nguyên nhân chính khiến bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong tại khu vực phía nam đó chính là sốc, sốc nặng và sốc kéo dài. Nguyên nhân thứ 2 là xuất huyết, thứ 3 là suy hô hấp, thứ 4 là suy các cơ quan.

Tại sao xảy ra hiện tượng này? 

Thứ nhất là do phát hiện trễ (người nhà phát hiện trễ, bệnh nhân đến viện trễ hoặc đơn vị y tế không đến kịp). 

Thứ hai  là điều trị chưa đúng phác đồ. 

Thứ ba đó chính là chuyển viện không an toàn 

Cuối cùng là nhiễm trùng bệnh viện."

Dấu hiệu chẩn đoán sốt xuất huyết sớm nhất

Theo TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM chia sẻ, "triệu chứng của sốt xuất huyết rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Khi trẻ bị sốt xuất huyết sẽ gặp phải những triệu chứng như: sốt cùng với nôn ói, đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ hoặc khớp, tay chân lạnh, mạch nhanh, chán ăn, da xung huyết, phát ban. 

Trẻ cũng có thể gặp các triệu chứng cảnh báo tình trạng sốt xuất huyết nặng như vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng nhiều và liên tục, đau vùng gan, tiểu ít, xuất huyết (xuất huyết chân răng, mũi, nôn ra máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu ra máu), phân đen, biểu hiện suy hô hấp..."

Hiện nay, có rất nhiều bệnh lý có các biểu hiện khá tương đồng với sốt xuất huyết như nhiễm siêu vi, tay chân miệng, sốc nhiễm trùng, và cũng có thể là hội chứng MIS-C hậu COVID-19. Vậy nên các phụ huynh cần đặc biệt cẩn thận, theo dõi kỹ tình trạng của trẻ. Ngay khi trẻ gặp các biểu hiện sau cần đưa trẻ tới bệnh viện, cơ sở y tế sớm nhất để được giúp đỡ.

  • Sốt kéo dài trên 3 ngày
  • Người bệnh cảm thấy khó chịu hơn dù đã giảm sốt hoặc hết sốt
  • Nôn ói
  • Đau bụng
  • Tay chân lạnh, ẩm
  • Mệt mỏi, bứt rứt
  • Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo
  • Không đi tiểu trên 6 giờ
  • Li bì, vật vã
  • Có trường hợp khó ăn, uống...

Cách bảo vệ bảo thân và gia đình trước sốt xuất huyết

"Để phòng bệnh sốt xuất huyết, chúng ta nên tạo cho mình có thói quen ngay khi thấy trẻ sốt từ 3 ngày trở lên là phải nhớ tới sốt xuất huyết đầu tiên trước khi nghĩ tới những bệnh khác." PGS.TS Phạm Văn Quang đưa ra lời khuyên.

Để phòng tránh sốt xuất huyết, biện pháp hiệu quả nhất đó chính là diệt muỗi. Cùng với đó là yếu tố tiền sử dịch tễ xung quanh bệnh nhân. Nếu như người thân xung quanh hoặc hàng xóm mới bị sốt xuất huyết thì cần phải thật cẩn thận, tiến hành vệ sinh nhà cửa, diệt muỗi, lăng quăng...

Sốt xuất huyết là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh lý truyền nhiễm ở Việt Nam. Vậy nên chúng ta phải luôn luôn trong trạng thái đề phòng đặc biệt là khi mùa mưa, mùa sốt xuất huyết đang đến gần.

"Rơi đúng" chu kỳ sốt xuất huyết, phân biệt với sốt do COVID ở trẻ thế nào?'Rơi đúng' chu kỳ sốt xuất huyết, phân biệt với sốt do COVID ở trẻ thế nào?

SKĐS - ThS.BS Nguyễn Hữu Hiếu - Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai cho biết, bệnh sốt xuất huyết và COVID-19 khi khởi phát thường có những biểu hiện tương đối giống nhau và dễ gây nhầm lẫn, do đó phụ huynh cần hết sức lưu ý theo dõi sát sao, tránh để trẻ rơi vào tình huống nguy kịch.











Phạm Thương
Ý kiến của bạn