Ghi nhận đầu tiên khi chúng tôi tới các tỉnh trên dải đất miền Trung đó là mưa rất to, gió liên tục rít lên từng hồi, cây cối, bảng quảng cáo, tôn lợp rơi gãy khắp nơi, nhiều ngôi nhà chìm trong biển nước. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến thời điểm 18h ngày 29/9 đã có hàng chục người chết và mất tích.
Bão "oanh tạc" miền Trung, nhiều cơ sở y tế bị ngập lụt
Tại Quảng Trị, do thời tiết mưa lớn đã xảy ra từ 2 ngày trước nên khi chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 9, trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn trên diện rộng. Tính tới ngày 29/9 đã có 14 người bị thương, tại huyện Hải Lăng đã có 12 trạm y tế bị ngập lụt.
Tại TP. Huế, mưa rất to đã khiến mực nước sông Hương dâng cao khiến nhiều tuyến đường trong thành phố bị ngập tới hơn 1 mét, TP. Huế đã có 14 ca cấp cứu, chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Hiện tại, đã có 27 trạm y tế của 5 huyện đang bị ngập lụt. Trao đổi với chúng tôi ông Lê Viết Bắc - Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Huế đã báo cáo tình hình thiệt hại và đề xuất Cục Y tế dự phòng và môi trường cấp bổ xung thêm cloramin B để chuẩn bị kịp thời cho công tác xử lí môi trường sau khi cơn bão đi qua. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã yêu cầu tất cả mọi sản phụ sắp sinh phải được đưa tới bệnh viện hoặc gần cơ sở y tế để đề phòng tình huống bất trắc xảy ra.
Tại TP. Đà Nẵng, theo ông, Nguyễn Út-Phó Giám đốc Sở Y tế, bão số 9 bắt đầu ảnh hưởng tới TP Đà Nẵng vào tối ngày 28/9, đến 2h đêm ngày 29/9 bão đã ảnh hưởng trực tiếp và gây mưa lớn trên địa bàn và kéo dài tới trưa cùng ngày. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Sở Y tế Đà Nẵng và các ban ngành liên quan trong Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão đã ít nhiều hạn chế được thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 9. Đến nay, TP Đà Nẵng đã có 2 người chết (1 do diện giật, 1 do mất tích), hàng chục người bị thương. Thiệt hại về các cơ sở y tế, TP Đà Nẵng đã có 19 trạm y tế tại 2 quận là Liên Chiểu và Hòa Vang.
Bão số 9 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung ngày 29/9. |
Chuyện buồn, vui trong khi trực bão
Có mặt tại Bệnh viện C Đà Nẵng khi cơn bão vừa "oanh tạc", theo quan sát của chúng tôi, các bác sĩ tại đây đang túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng đối phó với các tình huống xảy ra. Tính đến 21h ngày 29/9 BV đã cấp cứu cho 70 ca trong đó có khoảng hơn 20 trường hợp bị các chấn thương như gãy tay, chân, chấn thương sọ não... Chia sẻ với chúng tôi, ThS. Nguyễn Trọng Thiện - Phó Giám đốc BV C Đà Nẵng tâm sự, "trực chiến" chỉ trong một ngày có biết bao nhiêu điều để nói, buồn có, vui có. 7h sáng ngày 28/9, đang ở nhà để lo chằng, buộc chuẩn bị đối phó với bão thì có điện thoại yêu cầu vào BV gấp. Theo lời kể của ThS. Thiện, một bệnh nhân nam (31 tuổi) bị thương rất nặng cần mổ cấp cứu ngay. Lúc vào tới bệnh viện cũng là lúc bệnh nhân được đưa lên bàn mổ, tuy nhiên do chấn thương quá nặng (dập nát gan, thận phải, mất máu quá nhiều) nên đã không thể cứu được tính mạng. Tìm hiểu từ người thân, được biết nạn nhân làm nghề đãi vàng ở Nam Giang (Quảng Nam) do nước xiết đã làm con tời văng mạnh đập vào bụng khiến bệnh nhân bị chấn thương nặng. Anh buồn bã: "Giá như người nhà đưa xuống Tam Kỳ (Quảng Nam), hoặc cơ sở y tế gần hơn thì khả năng cứu sống sẽ cao hơn. Sáng ngày 29/9, bệnh nhân đã được người nhà đưa về quê tận Nam Định. Khổ, đang mưa bão thế này, anh em bệnh viện thương lắm!". Cũng theo ThS. Thiện, phần lớn những trường hợp cấp cứu tại BV đều là những người lớn tuổi, sức khỏe yếu. Khi được đưa vào BV đã ở trong tình trạng khó thở, nhồi máu cơ tim, tai biến... Dù trong điều kiện khó khăn, các y, bác sĩ luôn nhắc nhở nhau nỗ lực hết mình cấp cứu kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Nhiều thầy thuốc đã phải gác việc nhà để cấp cứu cho bệnh nhân. (Ảnh chụp tại BV C Đà Nẵng) |
Trực ở bệnh viện 24/24 giờ, ThS. Thiện phải liên tiếp xử lí những ca cấp cứu, cũng vì thế, câu chuyện của chúng tôi thường bị gián đoạn. Tiếp chuyện tôi sau đó, anh đã kể cho tôi nghe một ca mổ đặc biệt, đó là ca mổ cho đồng chí Phó Ban tổ chức thành ủy TP. Đà Nẵng, kéo dài từ 21h đến 1h sáng. Ca mổ đã rất thành công và hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đang tiến triển tốt. Ngay sau khi thực hiện ca mổ thành công, ThS. Thiện đã vượt hơn 14 km trong mưa bão trở về cùng gia đình lo chống bão, 7h sáng hôm sau, anh lại có mặt tại bệnh viện tiếp tục làm nhiệm vụ trực cấp cứu các nạn nhân trong cơn bão số 9.
Bão số 9 đã đi qua, nhưng thiệt hại về người và vật chất để lại cho các địa phương là rất lớn. Đặc biệt, trong thời điểm các dịch bệnh liên tiếp bùng phát trong thời gian qua, các cơ sở y tế cần hết sức thận trọng, nỗ lực vào cuộc để thực hiện thật tốt công tác khắc phục thiệt hại do thiên tai và không để các dịch bệnh phát sinh trong thời gian tới.
Ghi nhanh của Anh Tuấn