Mỗi năm có hàng ngàn sinh mạng được cứu sống bởi các ca phẫu thuật. Trong số này có rất nhiều ca phẫu thuật kỳ lạ và khó tin.
Phẫu thuật chỉnh hình đầu gối
Rotationplasty là một thủ thuật phẫu thuật tái tạo cho phép mắt cá chân có thể sử dụng như một khớp gối, bao gồm các thủ tục liên quan đến việc phẫu thuật cắt bỏ vùng dưới của xương đùi, đầu gối và xương chày trên. Phần dưới chân sau đó vẫn xoay 180 độ và gắn vào đùi. Nói một cách đơn giản, bàn chân được gắn vào đầu gối ngược. Rotationplasty thường được thực hiện ở những bệnh nhân có khối u xương ác tính hoặc Ewing sarcoma gần đầu gối không đáp ứng với các dạng điều trị khác. Mục đích chính của Rotationplasty là loại bỏ hoàn toàn các khối u. Trường hợp điển hình nhất của Rotatuonplasty được biết đến là cô bé Babi Shull, 14 tuổi, đến từ Missouri, Mỹ. Tháng 3/2011, khi chỉ mới 9 tuổi, Gabi được chẩn đoán bị u xương ác tính ở đầu gối, Gabi và cha mẹ cô bé quyết định sử dụng phương pháp rotationplasty. Sau đó Gabi bắt đầu quá trình hóa trị dài 12 tuần nhằm thu nhỏ khối u để có cắt bỏ phần đầu gối có khối u, xoay ngược bàn chân 180 độ rồi ghép vào đùi. Mắt cá chân sẽ được dùng với chức năng như đầu gối. Hơn 1 năm sau ca phẫu thuật, cô bé đã tập được những bước đi đầu tiên và sau 2 năm, Gabi có thể quay trở lại với môn nghệ thuật múa ballet mà cô bé đam mê từ năm 6 tuổi.
Ghép 2 quả tim trong một cơ thể
Theo tờ Daily Mail, bệnh nhân có tên Tyson Smith, 36 tuổi được điều trị tại Bệnh viện San Diego’s Thorton thuộc Trường đại học California, Mỹ đã được phẫu thuật cấy ghép thêm 1 quả tim mới vào ngực phải. Tức là cùng lúc trong cơ thể anh Tyson tồn tại song song hai quả tim. Kỹ thuật cấy ghép tim có tên Heterotopic bao gồm việc cấy một trái tim hiến tặng khỏe mạnh ở phía bên phải của trái tim bị hư hỏng của người bệnh. Thủ thuật phẫu thuật cho phép máu từ trái tim bị tổn thương chảy sang trái tim mới và trái tim mới thực hiện chức năng bơm máu đi khắp cơ thể.
Phục hồi thị giác bằng răng
Hay còn được gọi là phẫu thuật “răng trong mắt” (Osteo - Odonto - Keratoprosth esis - OOKP) bằng cách sử dụng răng để phục hồi thị lực của bệnh nhân. Được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1960 bởi giáo sư Benedetto Strampelli, tại Bệnh viện San Camillo, Ý. OOKP được sử dụng cho những bệnh nhân bị mù không thể phục hồi giác mạc. Phương pháp này tạo sự hỗ trợ cho giác mạc nhân tạo bằng chính răng của bệnh nhân và xương bao quanh bằng cách khoan một lỗ và dùng thấu kính chèn vào trong răng. Cấu trúc ống kính răng sau đó được cấy vào má của bệnh nhân - nơi phát triển các mạch máu mới trong vòng một vài tháng sau đó được cấy vào mắt. Ánh sáng có thể đi qua thấu kính và phục hồi thị lực của người bệnh. Trong năm 2013, các nhà khoa học đã công bố trường hợp của người đàn ông có tên Bob McNichol, 57 tuổi, tại hạt Mayo, phía Tây Ireland bị mù trong vụ nổ khi đang nung nhôm để tái chế. Ông McNichol được tái tạo hốc mắt bên phải, một phần chiếc răng con trai ông được các bác sĩ khoan và đặt thấu kính. Sau hai cuộc phẫu thuật, ông McNichol đã có thể tự đi lại loanh quanh và có thể xem được tivi.
Cấy ghép đầu người chữa teo cơ, tê liệt thần kinh
Lần đầu tiên trong lịch sử y học, các bác sĩ, đứng đầu là tiến sĩ Sergio Canavero sẽ tiến hành ca phẫu thuật cấy ghép đầu người. Bệnh nhân được cấy ghép là Valery Spiridonov, một kỹ sư máy tính 30 tuổi người Nga, bị mắc bệnh teo cơ Werdbnig-Hoffman từ khi mới sinh khiến anh phải ngồi xe lăn từ bé và không thể hoạt động như những người bình thường. Trong ca phẫu thuật này, cả người được ghép và người hiến tặng sẽ phải cắt bỏ phần đầu của mình bắt đầu từ tủy sống. Sau đó, bác sĩ Sergio sẽ sử dụng một chất hóa học là một chất keo polyethylene glycol để nối hai đầu tủy sống giữa đầu người ghép và cơ thể hiến tặng. Người bệnh sẽ được đặt trong trạng thái hôn mê kéo dài 4 tuần, nhằm giúp các phần ghép nối có thời gian hồi phục. Một loại thuốc ức chế rất mạnh sẽ được sử dụng để hệ thống miễn dịch của cơ thể không đào thải các bộ phận mới. Nhiều người cho rằng, việc ghép đầu người này quá mạo hiểm và còn nhiều vấn đề nảy sinh trong và sau ca phẫu thuật nhưng cả tiến sĩ Sergio và Valery đều tin tưởng vào ca phẫu thuật này. Theo dự kiến, ca ghép đầu người sẽ diễn ra vào tháng 12/2017 và chi phí cho ca phẫu thuật này ước tính lên đến 11 triệu USD. Số tiền này được tài trợ bởi quỹ nghiên cứu của tiến sĩ Sergio. Nếu ca phẫu thuật diễn ra thành công, tiến sĩ Sergio sẽ làm thay đổi ngành y học hiện đại.
Tách bỏ bán cầu não để điều trị động kinh
Phẫu thuật tách bán cầu não hemispheretomy đối với những bệnh nhân bị tổn thương não trầm trọng không phải là việc hoang tưởng. Phẫu thuật này không ảnh hưởng gì đến bản chất, tính cách hay trí nhớ của con người. Đây được xem là phẫu thuật phức tạp và nguy hiểm nhất trong số các loại phẫu thuật với não bộ. Năm 1988, ca phẫu thuật tách bán cầu não đầu tiên được thực hiện bởi tiến sĩ sinh vật học người Đức Fridrich Goltz. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ bị mất một bên bán cầu và toàn bộ chức năng bên phần não bị loại bỏ, tuy nhiên chức năng bên bán cầu não còn lại sẽ được giữ nguyên, sự phát triển tâm sinh lý vẫn sẽ diễn ra bình thường. Hạn chế của phẫu thuật này là bệnh nhân sẽ mất đi một số chức năng, chẳng hạn chức năng của tay hay mắt bên phần não bị mất. Các nhà khoa học cho biết phương pháp này không ảnh hưởng nghiêm trọng đến bệnh nhân và có thể áp dụng đối với các các bệnh đột quỵ, động kinh hay tổn thương não nghiêm trọng.