Tâm sự “gan ruột” của bệnh nhân
Vào thăm người thân đang điều trị tại Bệnh viện ĐKNN, tôi tình cờ gặp lại Huy, quê Thường Tín (Hà Nội), một bệnh nhân “đặc biệt” của Khoa Ngoại chấn thương. Thấy người quen, Huy đưa 2 tay bắt tay tôi, tôi giật mình rụt tay lại! Huy cười lớn và tâm sự những lời như rút sâu từ đáy gan ruột của mình: “Anh ơi, yên tâm đi, tay em bây giờ ngon rồi, cầm đũa, bốc xôi vô tư, đều nhờ nhân viên y tế và sự tiến bộ của y học cả”, nói rồi Huy xòe bàn tay phải ra cho tôi xem.
Tôi thật bất ngờ, mới hơn 1 tháng thôi mà các vết thương đã lành hẳn, bàn tay đã hồng hào và nhanh nhẹn.
Trắng đên thực hiện các ca phẫu thuật
Nhớ lại buổi đêm kinh hoàng ấy, đôi mắt Huy đượm buồn; Do một tai nạn, Huy bị đứt rời 2 ngón tay (ngón 2 và ngón 3) của bàn tay phải. Lúc gặp nạn khoảng hơn 12h đêm, Huy được người nhà đưa đi BV bằng xe máy, cùng 2 ngón tay đã được bảo quản trong túi nilon ướp đá lạnh đến vài cơ sở y tế lớn tại TP Hà Nội. Đúng lúc ấy, gia đình Huy may mắn gặp được Bác sĩ Vũ Đức Tâm, anh giới thiệu mình là bác sĩ của Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện ĐKNN, qua thăm khám vết thương của Huy, Bác sĩ Tâm khuyên và tư vấn cho Huy cùng gia đình là nên chuyển Huy vào Bệnh viện ĐKNN để tiến hành phẫu thuật gấp, bởi để lâu, hai ngón tay bị đứt rời sẽ hoại tử và cơ hội nối liền là rất mong manh.
Huy chia sẻ: “Lúc đầu tôi và người nhà thấy ái ngại, vì nghe tên Bệnh viện ĐKNN không được “nổi” lắm! chẳng biết có giúp được tôi không. Nhưng khi nghe bác sĩ Tâm tư vấn và cho biết; hiện tại Khoa ngoại chấn thương của Bệnh viện ĐKNN có đội ngũ y bác sỹ giỏi, chuyên môn cao với trang thiết bị máy móc hiện đại, Khoa đã phẫu thuật thành công rất nhiều ca khó và phức tạp. Trường hợp của tôi, bác sĩ Tâm chẩn đoán là thành công trên 90%. Tin lời bác sĩ Tâm gia đình tôi đưa tôi vào Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện ĐKNN. Lúc này đã hơn 1h sáng, đón tôi là một kíp mổ đã chuẩn bị sẵn. Vào đến phòng mổ, tôi mệt lả đi không nhớ gì nữa. Khi tỉnh dậy nghe vợ tôi kể lại; vợ tôi cùng người nhà ngồi ở ngoài đợi ca mổ của tôi kéo dài liên tục gần 8 giờ đồng hồ. Lúc mặt trời chiếu sáng, cũng là lúc bác sĩ Nguyễn Tiến Văn, Trưởng khoa Ngoại chấn thương cùng kíp mổ bước ra và thông báo; ca phẫu thuật thành công tốt đẹp. Cả nhà tôi òa khóc trong sung sướng, chắp tay cầu Trời khấn Phật và cảm ơn các bác sĩ. “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, tôi được lành lặn như này là nhờ những người thầy thuốc nơi đây”.
Tay của bệnh nhân Huy phục hồi rất tốt
Dốc tâm sức cho những ca mổ
Theo ThS.BS Vũ Đức Tâm, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật ghép ngón tay, đây là một kỹ thuật khá phức tạp. Việc cấp cứu phẫu thuật nối lại chi chỉ có thể thực hiện được ở những cơ sở có đầy đủ trang thiết bị cùng đội ngũ phẫu thuật gây mê có chuyên ngành sâu và nhiều kinh nghiệm.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là khi gặp tai nạn đứt rời chi việc bảo quản chi đứt rời và cấp cứu rất quan trọng. Phần chi đứt rời phải được cho vào trong túi nilon được thổi phồng, sau đó đặt trong nước đá đúng quy cách. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Văn chia sẻ với chúng tôi: “Chuyện các y bác sĩ nơi đây mổ những ca xuyên đêm là bình thường, chúng tôi luôn đặt tinh thần phục vụ và vì sức khỏe của bệnh nhân lên hàng đầu”.
Hạnh phúc trước sự hồi phục của bệnh nhân.
Mới đây Khoa Ngoại chấn thương đã mổ cứu sống bệnh nhân Xuân Vũ, 53 tuổi (Thanh Oai, Hà Nội) bị tai nạn lao động mảnh kính vỡ cắt vào cổ tay trái. Qua thăm khám và chẩn đoán đây là vết thương phức tạp ở cổ tay trái, đứt bó mạch thần kinh trụ, đứt thần kinh giữa và nhiều gân gấp bàn ngón tay, cẳng tay. Kíp phẫu thuật được triển khai ngay trong đêm cùng kíp gây mê.
Sau gần 4h làm việc liên tục với kỹ thuật vi phẫu nối động mạch trụ theo phương pháp Cortbett. Nối thần kinh trụ, thần kinh giữa theo phương pháp Bao ngoài – Bao sợi. Khâu nối các gân gấp ngón sâu ngón 4,5, gân gấp nông ngón 2,3,4, Gân gấp cổ tay trụ, gân gan tay dài theo phương pháp Modifiel Kesles. Nẹp bột cố định cẳng tay theo tư thế gấp. Sau mổ 10 ngày thì vết mổ khô, phục hồi tuần hoàn ngoại vi chỗ nối tốt, vận động và cảm giác tốt.
Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 30-40 ca cấp cứu tai nạn. Thời gian qua, Khoa ngoại chấn thương đã cấp cứu nhiều ca chấn thương nặng thành công, trong đó có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi khớp gối tái tạo dây chằng chéo, cắt sụn chêm, cố định điểm bám dây chằng chéo trước, thoái hóa khớp gối...
Tại Hội nghị Khoa học Chấn thương chỉnh hình vừa mới diễn ra tại Bệnh viện ĐKNN, PGS.TS Hà Hữu Tùng, Giám đốc bệnh viện cho biết; khi chẳng may gặp phải chấn thương liên quan đến xương khớp như gãy xương, trật khớp… cần cố định vết thương và đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện. Tuyệt đối không được tự nắn chỉnh xương khớp, đắp lá, đắp thuốc dân gian chữa bệnh vì sẽ làm tổn thương thêm nặng nề, khó điều trị hơn, thậm chí gây ra những biến chứng nguy hiểm.