Những ca hy hữu chống lại Nam Tào

06-02-2016 08:01 | Thời sự
google news

SKĐS - Sinh - lão - bệnh - tử là vòng quay của cuộc đời. Chả ai tránh được chuyện ốm đau, lại thêm một ông Nam Tào cứ nhăm nhăm gạch sổ. Tuy nhiên, không phải lúc nào công chuyện của Nam Tào cũng suôn sẻ bởi liên tục bị các vị thầy thuốc ngăn cản,... Chuyện thú vị là nhiều khi thầy thuốc cũng phải ngạc nhiên vì gan chống trời của mình!

Ngàn cân treo sợi tóc - Vỡ động mạch lớn do vi khuẩn tấn công

Bác sĩ Lê Thanh Phong (Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Mạch máu - BV Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh) kể lại một ca bệnh hy hữu được cứu sống trong tình thế như chỉ mành treo chuông. Chúng ta thường nghe nói các trường hợp vỡ các túi phình động mạch gây chảy máu ồ ạt và tử vong, nhưng ít khi biết rằng động mạch còn có thể bị vỡ do vi khuẩn tấn công. Vi khuẩn tiết ra những men phá hủy thành mạch gây chảy máu nặng và nguy cơ tử vong còn cao hơn. Đó là trường hợp của ông Phí Quang Vĩnh (55 tuổi, ở tỉnh Bình Phước) vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đêm 18/4/2015 trong tình trạng da niêm nhợt nhạt và đau bụng dữ dội. Trước đó 2 tuần, ông Vĩnh đi xe gắn máy và bị ngã gãy xương đòn phải. Ông vào một bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh để phẫu thuật kết hợp xương đòn. Tình trạng sau mổ ổn định và được cho xuất viện sớm. Sau khi xuất viện khoảng 5 ngày, ông Vĩnh thấy đau vùng bụng dưới và sốt lạnh run. Vài ngày sau, ông sờ thấy một khối u to ở vùng bụng, ngay dưới rốn, đập theo nhịp mạch. Ông Vĩnh vừa ra khỏi viện, không muốn vào lại bệnh viện nên cứ ở nhà uống thuốc. Mãi đến khi tình trạng đau bụng dữ dội không chịu được, đồng thời khối u ở bụng dưới to lên nhanh một cách bất thường, ông đồng ý để người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, các bác sĩ phẫu thuật mạch máu của bệnh viện chẩn đoán ông bị vỡ phình động mạch chậu do nhiễm trùng và chỉ định mổ ngay lập tức. Kết quả phẫu thuật cho thấy vùng bụng dưới của bệnh nhân có một khối lớn chứa máu và mủ thối. Động mạch chậu chung, một động mạch lớn trong ổ bụng bị vỡ, không còn thành mạch. Máu chảy ra từ động mạch vỡ được các mô xung quanh và các quai ruột bao bọc thành một khối, xen lẫn với dịch mủ và các mô viêm hoại tử. Các động mạch lớn khác nằm kế cận cũng trong tình trạng viêm dày, xơ cứng, dính chặt vào các mô xung quanh.

Các bác sĩ vui mừng vì đã giành giật được mạng sống từ tay thần chết cho bệnh nhân Phí Quang Vĩnh.

Sau 5 giờ phẫu thuật căng thẳng, các bác sĩ đã thành công trong việc cầm máu, làm sạch ổ nhiễm khuẩn, đồng thời tạo nên một mạch máu mới thay thế đoạn động mạch đã bị hoại tử. Đoạn mạch máu mới này được lấy từ động mạch chậu trong - một động mạch phụ khác trong ổ bụng của chính bệnh nhân.

BS. Lê Thanh Phong  nhấn mạnh, nguy cơ tử vong khi vỡ phình động mạch chủ - chậu có khi lên đến 90% nếu tính cả số tử vong tại nhà hay trên đường đến bệnh viện. Nói vậy để thấy, ông Vĩnh may mắn cỡ nào khi gặp được đội ngũ thầy thuốc giỏi.

Mang 1,1kg huyết khối trong buồng nhĩ trái, vẫn sống sót

Huyết khối dường như là chuyện thường ngày ở bệnh viện, nhất là Viện Tim mạch Việt Nam. Thế nhưng huyết khối nhiều tới mức đóng lại thành khối lớn bằng chai truyền dịch quả thật là xưa nay hiếm. Bệnh nhân là nam giới, 46 tuổi, vào viện trong tình trạng khó thở nhiều. Qua thăm khám, bác sĩ nghĩ tới một tình trạng hẹp van hai lá. Xquang có hình ảnh bóng tim rất lớn. Kết quả siêu âm tim cho thấy hẹp van hai lá rất khít, huyết khối khổng lồ trong buồng nhĩ trái, tăng áp lực động mạch phổi nhiều. Bệnh nhân được chuyển mổ cấp cứu thay van hai lá cơ học, lấy huyết khối trong buồng nhĩ trái với kích thước lớn hơn một chai dịch truyền 500ml và có cân nặng lên tới 1,1kg! Các bác sĩ tại Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, “đây là một trường hợp hiếm gặp khi bệnh nhân có huyết khối khổng lồ như vậy trong buồng tim mà vẫn may mắn sống sót”.

Huyết khối khổng lồ lấy được từ buồng nhĩ trái của bệnh nhân.

Trả lại nhân dạng cho người có  “gương mặt quỷ”

Đó là bệnh nhân Lý Mùi Xiên ở Cao Bằng. Chị Xiên nhập viện với 2 khối u khổng lồ trên khuôn mặt đã bị biến dạng, hai mắt bị đẩy gần như hoàn toàn ra khỏi hốc mắt, lồi to, trợn ngược trên trán khiến chị lúc nào cũng phải cúi gập cằm mà cũng không nhìn được đường đi, mũi cũng bị mất, phải thở bằng miệng. Chị Xiên được chẩn đoán là loạn sản xơ xương hàm mặt. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy vùng hàm mặt có nhiều khối u, trong đó khối u lớn có kích thước 8x10x18cm phát triển từ xương hàm trên và xương khẩu cái. Một tập hợp nhiều khối u nhỏ khác xâm lấn, đè ép, phá hủy các hốc mắt, xương mũi, răng... Do khối u phát triển quá lớn đã đẩy hai mắt ra ngoài hộp sọ khiến các dây thần kinh thị giác bị giãn dài và chèn ép. Đã có hiện tượng khối u bị vỡ bên phía mắt trái, chảy dịch. Tuy nhiên, cũng may mắn là khối u không làm tổn thương não, không gây xuất huyết não và màng não - một biến chứng dễ gặp trong căn bệnh này khi vùng loạn sản ở đầu mặt. Chị Lý Mùi Xiên nhập Bệnh viện K Trung ương nhưng không thể mổ ngay vì thể trạng quá yếu, cân nặng chỉ có 35kg. Sau gần 2 tuần được chăm sóc và truyền dịch nâng cao thể trạng, ca phẫu thuật được chỉ định vào ngày 27/5. Hôm trước khi ca phẫu thuật diễn ra, BS. Nguyễn Quốc Bảo - Trưởng khoa Ngoại đầu cổ, BV K cơ sở 3, trưởng kíp mổ cho biết: Phẫu thuật u do loạn sản xơ xương hàm mặt ở BVK TW không ít gặp nhưng u khổng lồ cũng không nhiều. Trước đó, BV từng phẫu thuật thành công cho một gia đình 5 người cùng mắc căn bệnh này với những khối u khá lớn nhưng khối u của chị Lý Mùi Xiên là lớn nhất từ trước tới nay. Hơn nữa, chị cũng là bệnh nhân có thể trạng yếu nhất. Khối u lâu năm, phát triển quá lớn cũng khiến khuôn mặt của chị Xiên gần như bị phá hủy: mất mũi, mất răng và toàn bộ xương hàm trên. Do bệnh nhân ở tận Cao Bằng, điều kiện khá khó khăn nên các bác sĩ quyết định mổ một thì kết hợp cả phẫu thuật bóc tách khối u lẫn tạo hình khuôn mặt. Sau khi ca mổ thành công, nhìn chị Xiên vui mừng ra viện với khuôn mặt đã trở về với nhân dạng, nhiều người vẫn còn kinh ngạc xúc động: Đúng là phép màu!

Bệnh nhân Xiên trước giờ phẫu thuật.

Nhân viên y tế cùng các tình nguyện viên chụp ảnh cùng bệnh nhân Xiên khi ra viện.

Suy thận nặng vẫn sinh con khỏe mạnh

Bảy năm trước, chị Y. biết mình bị suy thận và phải chạy thận nhân tạo tại BV Bạch Mai, Hà Nội khi có thai được 4 tuần. Đáng tiếc, đứa bé chưa thành hình đã bỏ chị mà đi. Mới đây, chị Y. lại có thai. Kết quả siêu âm cho thấy thai 15 tuần tuổi, thai nhi phát triển bình thường. Các bác sĩ Khoa Thận nhân tạo - BV Bạch Mai đã hội chẩn và cho phép bệnh nhân giữ lại thai. Để an toàn cho cả thai phụ và thai nhi, các bác sĩ đã áp dụng một phác đồ điều trị đặc biệt và chị Y. được theo dõi sát sao suốt quá trình mang thai. Theo đó, thay vì lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần, bệnh nhân được lọc máu 6 lần/tuần; thuốc điều trị cũng được điều chỉnh liều cho phù hợp để không ảnh hưởng tới sức khỏe thai nhi.

Sản phụ chạy thận được chăm sóc tại BV Bạch Mai.

Kết quả, đầu tháng 9/2015, khi thai nhi được 30 tuần tuổi, chị Y. có dấu hiệu chuyển dạ. Chị được phẫu thuật và bé trai ra đời nặng 1,5kg. Bé được chuyển ngay xuống Khoa Nhi - BV Bạch Mai để chăm sóc trong lồng kính. Sau hơn một tháng được nuôi dưỡng, chăm sóc đặc biệt, con trai chị Y. đã tăng thêm 0,5kg và sức khỏe của cả mẹ và bé đều ổn định. Bà mẹ tiếp tục được chạy thận như trước. Không chỉ có chị Y. mới may mắn được các bác sĩ hỗ trợ để thực hiện thiên chức làm mẹ trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy. Tại Khoa Thận-Lọc máu - BV Thống Nhất TP.HCM, mới đây cũng có một sản phụ suy thận giai đoạn 4 sinh nở thành công. Đó là chị C. (27 tuổi, Gia Lai) sinh con ở tuần thứ 35 bằng phương pháp đẻ mổ. Em bé nặng 2,5kg sức khỏe tốt, tăng cân đều.

Phó GĐ BV Bạch Mai Mai Trọng Khoa chúc mừng mẹ con chị Y.

Để có được điều kỳ diệu này cần sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các bác sĩ thận học và bác sĩ sản phụ khoa. TS. Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo - BV Bạch Mai, cho biết chương trình nghiên cứu đa trung tâm của châu Âu trong hơn 10 năm tại một số quốc gia như Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Anh,... ghi nhận 23 trường hợp có thai trong khi chạy thận nhân tạo đăng ký theo dõi, chăm sóc sinh con. Trong số này chỉ có 52% trẻ được sinh và sống bình thường.

2 giờ đồng hồ chạy đua giật sổ Nam Tào

Thường xuyên quên... ngủ (đương nhiên, vì phải trực đêm mà), nhưng nhiều khi thầy thuốc cũng quên cả ăn bởi mải chạy đua cùng thần chết giành giật sự sống cho người bệnh. Tâm sự trên trang FB cá nhân,  BS. Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai kể lại một lần quên ăn vô cùng đáng nhớ. Đáng nhớ bởi lần đó anh cùng đồng nghiệp của mình đã làm nên kỳ tích - cứu sống được một người đã cận kề cửa tử, không những thế, còn sống lại khỏe mạnh. Kể ra mà nói thì nghề chính là như thế.

Bệnh nhân N.T.T. hồi phục sau biện pháp phối hợp kỹ thuật tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và kỹ thuật lấy huyết khối qua đường động mạch. Ảnh: LQC

Người bệnh may mắn đó là bà N.T.T. (Thanh Xuân - Hà Nội). Khi nhập  Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai lúc 10 giờ 15 phút ngày 03 tháng 01 năm 2016, bà T. đã trong tình trạng liệt nửa người bên phải. Tình trạng này được người nhà xác nhận là cách đó khoảng 1,5 giờ. “Bệnh nhân được gia đình đưa vào Khoa Cấp cứu A9 trong tình trạng điểm NIHSS (thang điểm đột quỵ) rất cao -19 điểm, với mức điểm này thì khả năng di chứng nặng nề và tử vong cận kề. Nhận thấy bệnh nhân vẫn còn trong cửa sổ điều trị có thể tiến hành tiêu sợi huyết được (trong vòng 4,5 giờ đầu sau triệu chứng khởi phát), y bác sĩ đã cho bệnh nhân chụp MSCT não và mạch não cấp cứu và phát hiện thấy tắc động mạch cảnh trong và tắc động mạch não giữa trái. Với chẩn đoán này (tắc các động mạch lớn) thì các bác sĩ dễ dàng nhận định được rằng tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch đơn thuần sẽ có hiệu quả rất thấp và nguy cơ chảy máu chuyển dạng rất cao. Bây giờ phải làm gì khi mà thời gian vàng điều trị tiêu sợi huyết cho bệnh nhân không còn nhiều? Ngay khi nhận thấy những khó khăn trong điều trị tiêu sợi huyết đơn thuần ở bệnh nhân này, y bác sĩ đã khởi động ngay lập tức dây chuyền triển khai biện pháp phối hợp kỹ thuật tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và kỹ thuật lấy huyết khối qua đường động mạch. Chỉ trong vòng hơn 1,5 giờ kể từ khi vào viện và hơn 1 giờ kể từ khi có kết quả MSCT não và mạch não, bệnh nhân đã được điều trị xong bằng biện pháp phối hợp hai kỹ thuật trên” - BS. Chính kể lại.

Nụ cười rạng rỡ của bệnh nhân N.T.T. sau khi được điều trị và hồi phục liệt gần như hoàn toàn. Ảnh: LQC

Kết quả của những cố gắng trên có thể thấy qua bức ảnh mà bệnh nhân cho phép được đưa công khai. Bà T. ngay sau đó gần như phục hồi hoàn toàn, tay chân giơ lên bình thường, có thể tự đứng dậy đi lại được.

Thêm một lần nữa Nam Tào lại bị các thầy thuốc Việt Nam qua mặt, ngài đành buông bút, gập sổ lại mà... cười gượng.


Lê Minh Thúy (tổng hợp)
Ý kiến của bạn