Chia sẻ về những ca bệnh nguy kịch, TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương không thể nào quên bệnh nhân số 19 (64 tuổi) có tiền sử rối loạn tiền đình, rối loạn đông máu, tắc nghẽn vi mạch. Đây là bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên phải đặt ECMO (Kỹ thuật tim, phổi nhân tạo - Một kỹ thuật hồi sức đặc biệt). Có đêm, bệnh nhân 3 lần ngừng tuần hoàn, ngừng tim phải cấp cứu, tưởng như không còn hy vọng cứu chữa hoặc có cứu được thì di chứng rất nặng do tổn thương não. Với tinh thần nỗ lực, tranh thủ từng giây, từng phút để cấp cứu bệnh nhân cùng với chuyên môn, nghiệp vụ cao của ekip, cuối cùng bệnh nhân đã được cứu sống và dần hồi phục, tỉnh táo.
Trường hợp khác, bệnh nhân số 162 (63 tuổi), có tiền sử huyết áp cao, tiểu đường. Khi nhiễm COVID-19, diễn biến tổn thương phổi, suy hô hấp nhanh, có biểu hiện bão Cytokine (hiện tượng phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể đối với tác nhân từ bên ngoài). Bệnh nhân có thể nhanh chóng suy đa tạng dẫn đến tử vong. Đây là hiện tượng mà y học chưa có giải pháp cụ thể, chỉ dựa vào kinh nghiệm và cách vận dụng trong điều trị. Với chuyên môn, kinh nghiệm của các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân đã được cứu chữa thành công.
Hay như một bệnh nhân 88 tuổi, có tiền sử tai biến, liệt nửa người, sức khỏe rất yếu nhưng với trình độ, kinh nghiệm và sự quyết tâm của Bệnh viện, bệnh nhân đã được chữa khỏi và dần phục hồi sức khỏe.
Ekip y bác sĩ điều trị cho bệnh nhân 19 - ca bệnh tốn nhiều công sức và trí tuệ của tập thể các thầy thuốc.
Đôi vợ chồng người Anh mắc COVID-19 khi điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Rồi bệnh nhân người Anh (74 tuổi), có tiền sử ung thư máu đã 10 năm, suy hô hấp nặng, không đáp ứng được oxy liều lượng cao, phải đặt nội khí quản và thở máy và các kỹ thuật chăm sóc đặc biệt, phác đồ điều trị phù hợp, bệnh nhân đã khỏi bệnh, khỏe mạnh về nước…
Để làm được điều đó, theo TS. Thạch, tại cơ sở Kim Chung của BV - nơi chuyên tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân COVID-19, BV đã bố trí ngay các vòng điều trị, gồm bệnh nhân dương tính nặng, bệnh nhân dương tính có tồn thương phổi, bệnh nhân dương tính, bệnh nhân nghi nhiễm; Tổ chức 3 vòng điều trị, chăm sóc theo dõi bệnh nhân gồm phòng lõi, vòng đệm và vòng ngoài, đảm bảo hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo sắp xếp nhân lực phù hợp đảm bảo chủ động, có dự phòng khi số lượng bệnh nhân tăng.
Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ thuốc, các phương tiện kỹ thuật, vật tư, thiết bị y tế, hóa chất sinh phẩm, trang bị bảo hộ, sát khuẩn...phù hợp, sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh và điều trị bệnh nhân. Thực hiện theo dõi sát sao, cụ thể từng bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng, bệnh nhân nguy kịch để có phác đồ điều trị, chăm sóc phù hợp...
Không có Tết, chỉ tập trung chống dịch...
Còn nhớ ngay từ những ngày đầu xuất hiện dịch COVID-19 tại Trung Quốc, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, các đội cấp cứu ngoại viện; xây dựng và triển khai các kịch bản ứng phó. Đặc biệt, dồn toàn bộ bệnh nhân thông thường sang cơ sở Giải Phóng để dành toàn bộ cơ sở Kim Chung cho công tác thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19, thực hiện chống dịch như chống giặc theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, toàn thể các y bác sĩ, nhân viên của Bệnh viện hầu như không có Tết để tập trung cho chống dịch.
Đợt dịch 1, bệnh viện đã cử đoàn đi làm nhiệm vụ quốc tế đón những công dân từ Vũ Hán về nước tránh dịch, bố trí cách ly, theo dõi y tế, phục vụ sinh hoạt ngay cho các công dân, các thành viên trong đoàn bay, thành viên đoàn đi đón.
Trong đợt dịch 1, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 170 bệnh nhân dương tính với SARS-COV-2, chiếm 52,5% tổng số bệnh nhân dương tính trong cả nước, trong đó có 17 bệnh nhân người nước ngoài; 15 bệnh nhân nặng; 05 bệnh nhân nguy kịch. Tất cả đều được cứu sống và khỏe mạnh ra viện, về nước.
Các bác sĩ nỗ lực chăm sóc, cứu chữa cho bệnh nhân COVID-19.
Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng chia sẻ, cuộc chiến COVID-19 mặc dù khó khăn, vất vả, nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế là rất cao, đặc biệt là những người trực tiếp thực hiện các kỹ thuật cho bệnh nhân như đặt nội khí quản, ép tim, chăm sóc người bệnh… các phương tiện bảo hộ có hiện đại đến đâu cũng không tránh khỏi những rủi do nghề nghiệp.
Thực tế, BV cũng đã có 2 bác sĩ bị lây nhiễm khi thực hiện việc đặt nội khí quản cho bệnh nhân nặng đầu tiên. Song với ý chí kiên cường, các y bác sĩ đã vượt qua mọi mối nguy hiểm, sẵn sàng xả thân để cứu chữa người bệnh, nhất là những người ở vòng lõi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
"Nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả những nước có nền y học phát triển, nhưng hàng ngày vẫn có nhiều nhân viên y tế bị lây nhiễm và nhiều người trong số họ đã chết. Tuy nhiên, không vì thế mà các y bác sĩ nhụt ý chí mà ngược lại, càng sốc lại tinh thần, mỗi người càng thể hiện ý chí cao hơn, quyết tâm hơn, vừa rà soát lại toàn bộ quy trình, kỹ thuật, trang thiết bị phòng hộ, vừa tìm tòi, sáng tạo những kỹ thuật mới, phương pháp mới để khắc phục những hạnh chế của trang thiết bị.
Cái khó ló cái khôn, BV đã có sáng tiến dùng thêm mũ chụp có ống ôxy lọc khí để bảo vệ khi thực hiện các kỹ thuật chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân. Đến nay, BV không có thêm nhân viên nào bị lây nhiễm" - TS. Thạch thông tin thêm.
Mỗi bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh là niềm vui lớn và là động lực để các y bác sĩ tiếp tục chiến đấu trong cuộc chiến còn dài ở phía trước.
Y bác sĩ tự nguyện cách ly ngay tại BV để chăm lo cho bệnh nhân
Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, đến đợt dịch 2 (bắt đầu từ ngày 23/7/2020), BV một mặt thực hiện nhiệm vụ quốc tế đi đón đoàn bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ Guinea Xích Đạo về điều trị, một mặt chuẩn bị sãn sàng tiếp đón bệnh nhân do ổ dịch ở Đà Nẵng bùng phát, đồng thời thực hiện kế hoạch chi viện cho Đà Nẵng, Huế khi có yêu cầu.
"Giai đoạn này thực sự khó khăn, phức tạp với số bệnh nhân lớn. Chỉ riêng bệnh nhân từ Guinea Xích Đạo đã xác định dương tính là 120 ca, trong đó 02 ca từng phải thở oxy; 99 ca có biểu hiện lâm sàng nhẹ cùng với toàn bộ tổ bay, tổ y tế. Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng do số lượng người đi từ vùng dịch Đà Nẵng về tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc là rất lớn"- Lãnh đạo BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhớ lại.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm từ đợt 1, BV đã xây dựng kế hoạch đón đoàn từ Guinea Xích Đạo về điều trị, cách ly; thiết lập lại phương án đáp ứng phù hợp với số lượng bệnh nhân; giải phóng toàn bộ bệnh nhân thông thường tại cơ sở Kim Chung để phục vụ cho việc tiếp đón bệnh nhân, người nghi nhiễm COVID-19.
Toàn thể y bác sĩ tại cơ sở Kim Chung lại tự nguyện cách ly tại BV để vừa phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, điều trị cho bệnh nhân, vừa tránh lây nhiễm từ BV ra cộng đồng và từ cộng đồng vào BV.
Các công dân từ Guinea Xích đạo được công bố hết thời gian cách ly sau khi về nước, ngày 14/8.
Sau quá trình điều trị tích cực với nỗ lực không ngừng nghỉ, BV đã điều trị khỏi, cho ra viện tất cả các công nhân từ Guinea Xích Đạo về nước, hoàn thành việc cách ly cho toàn bộ phi hành đoàn, đoàn nhân viên y tế đi đón công dân về, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không ai bị lây nhiễm.
Khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng, mặc dù lúc này BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn đang còn không ít bệnh nhân COVID-19 đang điều trị nhưng để chi viện cho miền Trung thân yêu, BV đã cử 02 chuyên gia (gồm 01 Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn, kiêm Trưởng khoa Cấp cứu; 01 Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực) vào giúp đỡ Bệnh viện TW Huế theo yêu cầu của Bộ Y tế và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về đảm bảo an toàn...
BS. Nguyễn Trung Cấp và BS. Đồng Phú Khiêm trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ngay tại "tâm dịch" miền Trung hồi tháng 8/2020.
Có thể nói, với những nỗ lực của toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của Bệnh viện, đến nay công tác phòng, chống dịch bệnh, điều trị bệnh nhân của Bệnh viện đã cơ bản thành công, góp phần hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, cùng với cả nước nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, là điểm sáng trên thế giới trong công tác phong, chống dịch bệnh COVID-19.
BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thực sự trở thành tuyến đầu chống dịch và là thành trì vững chắc của miền Bắc, của cả nước trong cuộc chiến với COVID-19.
Dù đây chỉ là “đốm lửa nhỏ”, song BS. Cấp cũng nhấn mạnh rằng, ý thức của người dân là yếu tố quyết định đến tình hình dịch. Chính vì vậy, người dân không thể chủ quan mà cần phải thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế.