Những bút phê làm chao đảo thế giới của tân Tổng thống Mỹ

02-02-2017 16:06 | Quốc tế

SKĐS - Vừa nhậm chức được nửa tháng nhưng những gì mà tân Tổng thống Mỹ D.Trump đã và đang làm đã gây bất ngờ và xáo trộn không chỉ ở trong bản thân nước Mỹ mà còn vượt ra ngoài biên giới Mỹ.

Tổng thống Donald Trump đã làm “dậy sóng” dư luận Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới khi ký một loạt sắc lệnh, một động thái chứng tỏ ông đang thực hiện lời hứa khi tranh cử của mình.

Những sắc lệnh gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ

Ngay khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ D.Trump đã làm bàng hoàng cả thế giới khi ký sắc lệnh tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình  Dương (TPP). Trước đó, nhiều người hy vọng rằng, những tuyên bố tranh cử của ông Trump chỉ là lời nói, nhưng để thành hành động thì còn cần một thời gian. Tuy nhiên ông đã cho cả thế giới thấy những lời tuyên bố của mình không phải là “lời nói đùa”. Một hiệp định liên quan tới 12 quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam bao phủ tới 40% GDP toàn cầu đã “phá sản” khi quốc gia lớn nhất là Mỹ rút lui.

Sắc lệnh cấm nhập cư Tổng thống Mỹ ký tại Bộ Quốc phòng

Sắc lệnh cấm nhập cư Tổng thống Mỹ ký tại Bộ Quốc phòng

Sắc lệnh khiến nhiều người băn khoăn, gây nhiều tranh cãi, thậm chí nhận được nhiều ý kiến phản đối nhất là sắc lệnh hành pháp về  cấm nhập cảnh, nhiều tờ báo Mỹ đã gọi đây là sắc lệnh “nguy hiểm” và “tàn nhẫn”. Nó đã khiến cả thế giới “đứng ngồi không yên” khi Tổng thống D.Trump yêu cầu dừng chương trình nhận người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới trong vòng 120 ngày, đồng thời cấm nhập cư từ 7 quốc gia Hồi giáo bao gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Yemen và Syria trong vòng 90 ngày.  Nhiều quốc gia có và không có liên quan đến sắc lệnh đều lên tiếng chỉ trích sắc lệnh nhập cư của Mỹ. Còn bản thân các nước liên đới đưa ra những phản ứng tức thời, Iran tuyên bố cấm tất cả công dân Mỹ vào nước này để phản ứng lại sắc lệnh của Tổng thống D.Trump về lệnh hạn chế người Hồi giáo nhập cảnh. Hay Quốc hội Iraq cũng đề xuất một lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Mỹ để trả đũa.

Một trong những quyết định của ông chủ Nhà Trắng nhận được nhiều ý kiến không đồng tình từ dư luận là việc xây dựng bức tường dài 3200km dọc biên giới Mỹ - Mexico nhằm tăng cường an ninh biên giới và chống nhập cư trái phép. Để xây bức tường này, người Mỹ  sẽ phải tốn đến 15 tỷ USD, dự kiến được lấy từ việc đánh thuế hàng hóa của Mexico. Hay như sắc lệnh cắt ngân sách liên bang của các bang và thành phố không bắt hoặc bỏ tù người nhập cư cư trú trái phép hoặc đóng băng các hoạt động liên quan đến  chương trình y tế Obamacare.....

Chưa bao giờ một Tổng thống Mỹ lại ký nhiều quyết định gây tranh cãi như vậy, thậm chí là chưa có tiền lệ. Nhiều người phản đối cho rằng, một doanh nhân lên làm lãnh đạo là như vậy, luôn khó đoán và khó lường.

Hệ lụy tai hại từ sắc lệnh của Tổng thống

Ngay khi sắc lệnh cấm nhập cảnh được ban hành, tại nhiều sân bay Mỹ đã xảy ra tình trạng hỗn loạn. Hàng trăm người tưởng như đã tới đất Mỹ hoặc đang sống và làm việc tại Mỹ trở về thăm quê hương nay quay lại Mỹ bỗng chốc bị buộc lên máy bay về nước. Hàng chục nghìn người Mỹ đã xuống đường biểu tình phản đối sắc lệnh của Tổng thống tại Nhà Trắng, Quốc hội, các cơ quan chính phủ, sân bay. Những người phản đối cho rằng quyết định này sẽ gây chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ khi phân biệt đối xử với người nhập cư và tạo thêm thù hằn với cộng đồng người Hồi giáo.

Tổng thống Mỹ muốn xây một bức tường dọc biên giới Mexico để chặn dòng người di cư trái phép

Tổng thống Mỹ muốn xây một bức tường dọc biên giới Mexico để chặn dòng người di cư trái phép

16 thẩm phán tòa án LB Mỹ cho rằng sắc lệnh của Tổng thống là vi hiến, thậm chí 3 bang là Massachusetts, New York, Virginia và 1 thành phố là San Francisco đã đồng loạt khởi kiện ông chủ Nhà Trắng là vi phạm Hiến pháp khi ban hành sắc lệnh phân biệt đối xử chỉ vì tôn giáo và nguồn gốc xuất thân của họ. Một cuộc chiến pháp lý giữa Tổng thống và ngành tư pháp Mỹ sẽ bắt đầu. Trong khi đó về mặt ngoại giao, sắc lệnh này chắc chắn sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh bởi cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ đang tiến hành ở nhiều quốc gia có sự hỗ trợ không nhỏ của các quốc gia Hồi giáo.

Trước sức ép từ dư luận trong và ngoài nước, Tổng thống Trump đã lên tiếng trấn an rằng sắc lệnh này không cấm người Hồi giáo, những người có thẻ xanh hoặc những người có 2 quốc tịch vẫn được chấp nhận hoặc họ phải qua đợt kiểm tra an ninh gắt gao hơn để đảm bảo “không kẻ khủng bố nào vào được nước Mỹ”.

Ý tưởng về việc xây bức tường ngăn biên giới với Mexico của ông Trump ngay từ lúc “thai nghén” đã gây ra nhiều tranh cãi bởi việc xây bức tường sẽ để lại nhiều hậu quả xấu từ quan hệ đối ngoại đến thiệt hại kinh tế, xã hội trong khi mục đích chính là ngăn di dân bất hợp pháp không đem lại nhiều kết quả. Thực tế là sau quyết định của Tổng thống Mỹ, Chính phủ Mexico tuyên bố sẽ không trả tiền cho việc xây dựng này và đây là hành động gây chia rẽ hai quốc gia.

Tổng thống Mỹ hiện đang đối mặt với nhiều thách thức, cả bên trong và bên ngoài, đó là sức ép từ dư luận trong nước, quốc tế trong đó có cả các nước đồng minh và thậm chí ông chủ Nhà Trắng sẽ phải đối mặt với sức ép từ cơ quan tư pháp về những bút phê đầu tiên của mình trên cương vị Tổng thống.


Hải Yến
Ý kiến của bạn