Hà Nội

Những buổi ngoại khoá hữu ích cho tuổi vị thành niên

28-11-2021 12:16 | Xã hội
google news

SKĐS - Vị thành niên (VTN) nói chung và VTN tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nói riêng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản (SKSS). Việc tăng cường tuyên truyền từ ngành dân số địa phương và nhà trường là rất cần thiết.

Những giờ ngoại khóa hứng thú ở Đắk Nông

Đứng trước thực trạng nêu trên, ngành Y tế Đắk Nông xác định cần thiết phải tiến hành tốt công tác giáo dục sức khỏe sinh sản cho VTN trên địa bàn toàn tỉnh và tập trung triển khai hoạt động giáo dục SKSS cho VTN trong nhà trường.

Trong những năm qua Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã đã đẩy mạnh công tác truyền thông cung cấp kiến thức về chăm sóc SKSS cho VTN, ưu tiên triển khai tại các trường học thuộc các vùng sâu, vùng xa, vùng có đông học sinh dân tộc thiểu số tham gia học tập. Đây là những vùng mà cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhiều hủ tục lạc hậu, VTN chưa có điều kiện tiếp thu kiến thức về chăm sóc SKSS.

Những buổi ngoại khóa hữu ích cho tuổi vị thành niên - Ảnh 1.

Các em học sinh tham gia giao lưu, đặt câu hỏi tại một buổi tuyên truyền SKSS VTN

Chi cục DS-KHHGĐ của tỉnh Đắk Nông thường xuyên tổ chức cung cấp kiến thức về SKSS VTN tại nhiều trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh, đồng thời Trung tâm Y tế các huyện, thành phố cũng triển khai các trường trong huyện. Đặc biệt là các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số học tập, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, trình độ hiểu biết của các em về SKSS còn hạn chế.

Tại các buổi ngoại khóa, các em học sinh sẽ được cung cấp các kiến thức về giới, những thay đổi về tâm, sinh lý tuổi dậy thì, tình bạn, tình yêu tuổi VTN, không quan hệ tình dục sớm, tác hại của mang thai và nạo phá thai tuổi VTN, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng tránh bị xâm hại, lạm dụng tình dục…

Đưa tuyên truyền SKSS vào nhà trường ở Tiền Giang

Lứa tuổi vị thành niên từ 10 - 19 tuổi. Ở giai đoạn này, các em rất thích khám phá năng lực bản thân, mở rộng thêm nhiều mối quan hệ mới. Nếu không được tuyên truyền đúng cách, các em rất dễ có các nguy cơ: Quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, dễ bị xâm hại tình dục dẫn đến mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục kể cả HIV/AIDS, mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn…

Thực tế cho thấy, trẻ vị thành niên còn thiếu hụt nghiêm trọng kiến thức về SKSS, chưa hiểu rõ cơ thể của bản thân. Tại nhà trường, mặc dù đã có các môn học như Sinh học, Giáo dục công dân nhưng những kiến thức mới dừng lại ở lý thuyết. Nhu cầu về việc tuyên truyền, phổ biến SKSS rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mạng internet luôn có tác động hai chiều đến nhận thức của các em, trong đó, thông tin tiêu cực vẫn còn khá nhiều.

Những buổi ngoại khóa hữu ích cho tuổi vị thành niên - Ảnh 2.

Hoạt động truyền thông GDSK sinh sản của TTYT đã mang lại nhiều hiệu quả trong thời gian qua

Công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe sinh sản cho vị thành niên tại các trường học giúp các em học sinh biết được nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên là rất quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình trong tương lai, đồng thời giúp các em chuẩn bị tâm thế tốt về vấn đề sức khỏe sinh sản khi còn trên ghế nhà trường.

Mục tiêu quan trọng trong truyền thông đối với trẻ vị thành niên về chăm sóc SKSS đó là trang bị cho các em học sinh nữ kiến thức để tự chăm sóc sức khỏe vị thành niên và thanh niên, kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi tâm sinh lý, cách để tránh bị lạm dụng tình dục, phòng tránh việc mang thai ngoài ý muốn…

Thời gian qua, Trung tâm Y tế Tân Phú Đông, Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức SKSS. Hàng năm, Trung tâm Y tế đều chủ động phối hợp với Phòng Giáo dục huyện tổ chức trung bình 6 cuộc truyền thông, tư vấn chăm sóc SKSS vị thành niên/thanh niên cho 300 học sinh tại các trường THPT, THCS trên địa bàn huyện.

Thiết nghĩ, nhiệm vụ phối hợp truyền thông SKSS giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục huyện cần tiếp tục tiến hành thường xuyên hơn nữa, cần sự vào cuộc tích cực không chỉ của ngành Y tế mà phải phát huy vai trò chủ động, tích cực của nhà trường, phụ huynh, để giúp các em mới đủ tự tin, sức khỏe, bản lĩnh đối mặt với những thách thức về sự thay đổi mạnh mẽ ở lứa tuổi trẻ vị thành niên.


Minh Thu
Ý kiến của bạn