Những quan điểm và tiến bộ khoa học mới đây đã mở ra những hướng đi mới đầy hứa hẹn trong phòng chống HIV/AIDS:
1. Tăng cường nguồn lực và bảo vệ nhân quyền
Một trong những quan điểm quan trọng được nhấn mạnh gần đây là việc tăng cường nguồn lực và bảo vệ nhân quyền trong cuộc chiến chống HIV/AIDS.
Theo báo cáo của Chương trình phòng chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS), để đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030, các nhà lãnh đạo cần tăng cường đầu tư nguồn lực và đảm bảo quyền con người.
Việc cắt giảm nguồn lực và sự gia tăng của các luật lệ chống quyền con người đã làm chậm tiến trình phòng chống HIV/AIDS, đặt hàng triệu người vào nguy cơ cao hơn.
Bất bình đẳng giới đang làm trầm trọng thêm những rủi ro mà trẻ em gái và phụ nữ phải đối mặt và thúc đẩy đại dịch. Tỷ lệ nhiễm HIV ở trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ trẻ vẫn cực kỳ cao ở một số vùng của châu Phi.
Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với các cộng đồng thiểu số đã tạo ra rào cản đối với các dịch vụ phòng ngừa và điều trị quan trọng, dẫn đến các nhóm dân số chính, bao gồm gái mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới và người tiêm chích ma túy, chiếm tỷ lệ gia tăng (55%) trong các ca nhiễm mới trên toàn cầu so với năm 2010 (45%).
Báo cáo chứng minh rằng các dịch vụ phòng ngừa và điều trị HIV chỉ có thể đến được với mọi người nếu quyền con người được bảo vệ, nếu các luật bất công chống lại phụ nữ và các cộng đồng thiểu số bị xóa bỏ, và tình trạng phân biệt đối xử và bạo lực được giải quyết triệt để.
Các quyết định và lựa chọn chính sách mà các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra sẽ quyết định số phận của hàng triệu sinh mạng, quyết định liệu đại dịch HIV/AIDS có chấm dứt vào năm 2030 được hay không.
2. Sử dụng mạng xã hội để phát hiện các ca nhiễm mới
WHO khuyến cáo tối ưu hóa dịch vụ xét nghiệm HIV. Tại Hội nghị quốc tế IAS lần thứ 12 về khoa học HIV, WHO kêu gọi các quốc gia mở rộng việc sử dụng xét nghiệm "Tự xét nghiệm HIV" (HIVST) , cung cấp HIVST để bắt đầu liệu pháp dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và thúc đẩy xét nghiệm thông qua mạng lưới mạng xã hội, để tăng phạm vi xét nghiệm và tăng cường tiếp nhận các dịch vụ phòng ngừa và điều trị HIV cho dân số nói chung, ở những nơi có gánh nặng cao và ở những nhóm dân số, khu vực có khoảng cách xa.
Việc tự chăm sóc và tự xét nghiệm ngày càng được công nhận là những cách để tăng khả năng tiếp cận, hiệu quả, hiệu suất và khả năng chấp nhận của dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên nhiều lĩnh vực bệnh tật khác nhau, bao gồm cả HIV.
Mặc dù xét nghiệm HIV được cung cấp thường xuyên tại một số cơ sở lâm sàng như dịch vụ trước khi sinh, trước mổ nhưng vẫn có nhiều cơ hội xét nghiệm bị bỏ lỡ đối với những người đến các cơ sở y tế.
Tính đến năm 2022, ước tính có 5,5 triệu người nhiễm HIV vẫn không biết tình trạng HIV của mình. Việc cung cấp dịch vụ tự xét nghiệm HIV tại các cơ sở có thể tăng lượng xét nghiệm và cải thiện hiệu quả cung cấp dịch vụ, đặc biệt ở những nơi thiếu nhân viên y tế và không dễ dàng có được dịch vụ xét nghiệm HIV.
Một phân tích tổng hợp gần đây đã chỉ ra rằng, việc sử dụng mạng xã hội để phát hiện các ca nhiễm mới là một phương pháp hiệu quả về chi phí. Việc sử dụng các mạng xã hội không chỉ giúp tìm ra những trường hợp nhiễm mới mà còn giúp xác định những người có nguy cơ cao và khuyến khích họ đi xét nghiệm.
WHO hiện khuyến cáo các quốc gia tăng cường sử dụng những phương pháp xét nghiệm dựa trên mạng xã hội để tăng cường hiệu quả của công tác phòng chống HIV/AIDS.
Xét nghiệm HIV dựa trên mạng lưới xã hội là một phương pháp để thu hút các đối tác tình dục, tiêm chích ma túy và các mối quan hệ xã hội của những người nhiễm HIV, những người âm tính với HIV và có nguy cơ... vào các dịch vụ xét nghiệm tự nguyện.
Phương pháp này bao gồm cung cấp thông tin về các dịch vụ xét nghiệm hoặc cung cấp cách thức liên hệ các xét nghiệm tự thân.
3. Về kháng thể và vaccine phòng ngừa HIV
Những tiến bộ trong công nghệ, đặc biệt là trong việc phát triển các phương pháp điều trị và phòng ngừa tác dụng kéo dài, có thể bảo vệ sức khỏe của mọi người đang sống chung hoặc có nguy cơ mắc HIV.
Chúng ta đã có những thành tựu rất ấn tượng trong điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) bằng các phác đồ thuốc kháng virus, điều này được ví như công cụ "thần kỳ" phòng ngừa HIV.
Theo các chuyên gia, tiếp tục theo đuổi các lựa chọn phòng ngừa không dựa trên thuốc kháng virus khác bao gồm cả việc sử dụng thụ động các kháng thể trung hòa rộng rãi đặc hiệu với HIV (bnAbs) và vaccin là điều rất quan trọng.
Mặc dù kết quả của thuốc kháng virus lenacapavir rất ấn tượng, nhưng "nó không dành cho tất cả mọi người", cố gắng cung cấp, nỗ lực tìm ra nhiều biện pháp phòng ngừa, nhiều lựa chọn điều trị cho càng nhiều người càng tốt.
Các nhà nghiên cứu đang tập trung vào việc phát triển các phương pháp phòng chống HIV không dựa trên thuốc kháng virus. Các kháng thể đặc hiệu và vaccine đang được xem xét là những phương pháp tiềm năng.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc kết hợp ba loại kháng thể VRC07-523LS, PGT121LS và PGDM1400LS, tất cả đều được thiết kế để có thời gian bán hủy kéo dài, hiện đang được nghiên cứu trong một loạt các thử nghiệm giai đoạn 1 do mạng lưới thử nghiệm vaccine HIV, IAVI, Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) và các tổ chức khác tiến hành.
Sự kết hợp ba bnAbs này sẽ cung cấp khả năng bảo vệ chống lại hơn 90% các biến thể virus đang lưu hành hiện nay, theo bài thuyết trình của Dan Barouch trong một phiên họp vệ tinh tại AIDS 2024. Điều này cho thấy khả năng rất lớn trong việc phòng chống HIV bằng cách sử dụng các kháng thể.
Đặc biệt các nhà nghiên cứu ngày càng cân nhắc cách sử dụng thụ động bnAbs để bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khỏi bị nhiễm HIV trong quá trình chuyển dạ và sinh nở hoặc trong thời kỳ cho con bú.
Một chiến lược phòng ngừa không dựa trên thuốc kháng virus khác đó chính là vaccine HIV. Liệu chúng ta có cần vaccine phòng HIV hay không khi đã có những tiến bộ trong liệu pháp kháng virus và thuốc phòng ngừa phơi nhiễm HIV (PrEP)?
Chương trình phòng chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS) đã khẳng định và cam kết 100% vào việc phát triển vaccine, tổ chức khẳng định rằng: "Bất kỳ hy vọng nào để loại bỏ HIV cũng đều phải liên quan đến vaccine. Chúng ta sẽ không đạt được điều đó chỉ bằng các biện pháp can thiệp dựa trên thuốc kháng virus". Vaccine HIV có khả năng giải quyết được mối lo ngại về chi phí và cải thiện khả năng tiếp cận, đặc biệt là đối với những người ít có khả năng tiếp cận các cơ sở chăm sóc sức khỏe truyền thống.
Những tiến bộ khoa học và quan điểm mới trong phòng chống HIV/AIDS đã mở ra hướng đi đầy hứa hẹn. Việc tăng cường nguồn lực, bảo vệ nhân quyền, sử dụng mạng xã hội và phát triển các công nghệ mới đều là những yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch này.
Để đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chính phủ, cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự. Những chiến lược đổi mới và tiếp cận toàn diện sẽ là chìa khóa để đạt được một thế giới không còn HIV/AIDS.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cảnh báo nhiễm HIV trong nhóm thanh thiếu niên.