Những bước đầu tiên

15-09-2011 15:40 | Thời sự
google news

Đến nay, báo Sức khỏe&Đời sống (tiền thân là báo Sức khỏe) ra đời đã được 50 năm (nửa thế kỷ). Biết bao kiến thức y học phổ thông đã đến các nơi: thành thị, nông thôn, nhà máy, trường học…

Đến nay, báo Sức khỏe&Đời sống (tiền thân là báo Sức khỏe) ra đời đã được 50 năm (nửa thế kỷ). Biết bao kiến thức y học phổ thông đã đến các nơi: thành thị, nông thôn, nhà máy, trường học…

Vậy báo Sức khỏe ra đời trong hoàn cảnh như thế nào? Đồng chí Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch sau những chuyến đi công tác nước ngoài (xã hội chủ nghĩa và cả phương Tây) có ý kiến ra một tờ báo chuyên cho ngành y tế. Gặp tôi, đồng chí Bộ trưởng trao đổi với tôi về việc này. Ban đầu định ra như một tạp chí hằng tháng - tương tự tạp chí của một số nước khác như tạp chí: Zgarobbe (Liên Xô cũ), Deine Gesunolheir (CHDC Đức cũ); Votre santé (Pháp).

 BS. Phạm Ngọc Thạch (Bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 1958 - 1968 - Chủ nhiệm báo Sức khỏe từ năm 1961 - 1968).

Tôi cũng đã đi dự hội nghị xuất bản một số nước và cũng thấy như vậy. Tôi đề nghị ở nước ta nên ra báo hơn là tạp chí, tờ báo có sức mạnh của nó khi đi vào nhân dân lao động - là đối tượng rộng rãi nhất vì trình độ văn hóa chung của nhân dân không bằng trình độ các nước tiên tiến, Bộ trưởng đồng ý với ý kiến trên và đề nghị lấy tên là báo Sức khỏe (để bạn đọc dễ hình dung đây là tờ báo của Bộ Y tế và đối tượng cũng được rộng rãi hơn là lấy tên Y tế).

Ban đầu, cơ cấu tổ chức đơn giản, không có bao nhiêu người. Trước kia, theo quy định Nhà nước, Chủ nhiệm là Bộ trưởng, Tổng biên tập, Thư ký tòa soạn. Nghị định ra báo Sức khỏe của Sở Báo chí, Phủ Thủ tướng lúc bấy giờ có ghi: Chủ nhiệm: Đồng chí Phạm Ngọc Thạch, Tổng biên tập: BS. Đinh Văn Chí, Thư ký tòa soạn: BS. Lã Vĩnh Quyên. Tòa soạn ban đầu thực tế có thư ký tòa soạn, các phóng viên, biên tập viên là những người chuyên trách cho tờ báo. Về phóng viên phụ trách phong trào, đã lấy hai đồng chí vừa tốt nghiệp lớp báo chí của Phân viện Tuyên truyền báo chí của Học viện Chính trị Quốc gia. Một bác sĩ nữ chuyên lo về các vấn đề bảo vệ bà mẹ và trẻ em, nhấn mạnh là phong trào sinh đẻ có kế hoạch, một dược sĩ lo việc trị sự.

BS. Đinh Văn Chí (giữ cương vị Tổng biên tập báo Sức khỏe từ tháng 10/1961 đến tháng 6/1995).

Báo Sức khỏe ra đời trong lúc phong trào vệ sinh phòng dịch đang được phát động, mạnh nhất là hố xí 2 ngăn và giếng nước trong. Trong những năm đầu, phong trào này đã được thể hiện rõ nét trên báo. Các hình mẫu hố xí 2 ngăn và giếng nước trong (có xây bể lọc nếu nước có chất phèn). Về sau phong trào này gọi là phong trào thể dục vệ sinh. Trong công tác dự phòng còn nêu 4 diệt: ruồi, muỗi, chuột, rận, rệp, bọ chét. Đây là một phong trào quần chúng rộng rãi. Đồng chí Bộ trưởng thường xuyên đi địa phương kiểm tra thúc đẩy phong trào. Đồng chí đi bất ngờ không báo trước. Khi về đến huyện, xã, đồng chí mới gọi điện thoại mời y tế tỉnh, huyện xuống tham dự. Nổi bật có xã Nam Chính (Hải Dương), Bác Hồ đã có dịp về thăm. Bác cũng đã về thăm xã Quảng An (Hà Nội) và cho xã một số tiền tiết kiệm của Bác để xây dựng giếng nước. Xã Hoàng Lộc (Thanh Hóa) cũng có thành tích đáng khen.

 Số báo Sức khỏe đầu tiên.

Những bước đầu tiên của báo Sức khỏe là những bước gian khổ và cũng thể hiện những cố gắng công tác ở tòa soạn. Số báo đầu tiên ra ngày 10/10/1961, số lượng phát hành bước đầu là 3.000 - 5.000 tờ, về sau số lượng này lên dần. Việc đi công tác địa phương đã được tòa soạn quy định (mặc dù trong bom đạn chiến tranh phá hoại). Các phóng viên hằng tháng ít nhất một lần nằm ở địa phương một số ngày, biên tập viên một quý một lần để điều tra tác dụng của các bài chuyên môn.

Ngày nay, tờ báo Sức khỏe đã đổi tên là tờ báo Sức khỏe&Đời sống và đã lớn mạnh. Đọc tờ báo Sức khỏe&Đời sống nay đa dạng hóa tin tức và thêm cả phần văn hóa nghệ thuật, tạo nên một món ăn tinh thần từ nhiều phía và ngày càng phát triển.

BS. Đinh Văn Chí (Nguyên Tổng biên tập báo Sức khỏe)


Ý kiến của bạn