Tôi tìm đến ông trong một sáng đầu tháng 4 cũng vì đôi chút tò mò. Người ta bảo với tôi rằng, Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu - người đã chiến đấu và chỉ huy chiến đấu trong 4 chiến dịch lớn: Mậu Thân 1968, Đường 9 Nam Lào 1971, Mùa hè đỏ lửa 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 - gần tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn nhanh nhẹn, sáng suốt lắm. Tình nguyện viết đơn vào bộ đội năm 17 tuổi, tính đến nay vừa tròn 50 năm tuổi quân (67 tuổi), nhưng dường như ông chưa bao giờ ngơi nghỉ. Ở tuổi nay, ông vẫn bảo: Tôi sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi về với Bác Hồ.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cùng nhà văn Lê Hoài Nam tại nơi làm việc.
Sau khi nghỉ các chức vụ của Nhà nước và quân đội, với hàm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học quân sự Cộng hòa liên bang Nga, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn tiếp tục cống hiến cho khoa học quân sự, tham gia các hoạt động nhân đạo và bảo vệ môi trường. Căn phòng ông làm việc khá khang trang trên tầng cao nhất của một khách sạn lớn nằm trên phố Trúc Bạch (Hà Nội). Được biết đây là tiêu chuẩn của Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học quân sự Cộng hòa Liên bang Nga nên cách bài trí và đồ dung đậm chất Nga Xô. Những chiếc kẹo sôcôla Alenka nổi tiếng được mang từ Nga sang để Viện sĩ tiếp khách, những ly trà nóng trong bộ ấm chén Samova. Một không gian ấm cúng, đủ tiện nghi, bài trí gọn gàng. Những cuốn sách trên giá sách, mô hình máy bay, những bức ảnh..., tất cả những cái đó bằng cách này hay cách khác đều có liên quan đến cuộc đời binh nghiệp của ông. Tôi đã gọi điện trước khi đến thăm nên khi gặp ông rất vồn vã. Tôi hơi ngỡ ngàng, vị tướng trận từng vào sinh ra tử đây ư? Nếu không biết trước về lai lịch chiến trường oai hùng của ông bắt đầu từ anh lính binh nhì, dám chắc rằng đa số người kiến diện nghĩ ông là tướng lĩnh thuần nghiên cứu khoa học. Nước da trắng hồng, khuôn mặt phúc hậu, gương mặt lúc nào cũng ánh lên cái nhìn sắc sảo của đôi mắt còn rất trẻ. Mở chiếc ipad, ông gạt ngón tay nhoay nhoáy để mở cho tôi nghe ca khúc Tượng đài hoài niệm và Hoài niệm bến sông xưa mà ông là nhân vật trung tâm trong đó. Trên bàn là những cuốn sách mà ông tham gia viết: Một số vấn đề đối ngoại quốc phòng Việt Nam, Một thời Quảng Trị, Vận dụng phương châm bốn tại chỗ trong phòng chống thiên tai, Quân đội với vấn đề giải quyết hậu quả sau chiến tranh, Một số vấn đề nghệ thuật quân sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Quân đội với chiến lược bảo vệ môi trường, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, mô hình mới về hợp tác công nghệ. Còn sách các nhà văn, nhà báo viết về ông cũng đã vài ba quyển. Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội là những góc nhìn riêng, tình cảm riêng của người viết dành cho ông. Mô tả về cuộc đời chiến đấu của ông thì có cuốn Một thời Quảng Trị của nhà báo Lê Hải Triều. Viết về quê hương, tuổi thơ và những yếu tố hình thành nên nhân cách một người anh hùng thì có cuốn bút ký Bến sông tuổi thơ của nhà văn Lê Hoài Nam. Hai cuốn sách này cũng đã được dựng thành phim. Sắp tới đây, Hãng phim Sao Khuê cũng sẽ khởi quay bộ phim nhiều tập: Chân dung một Viện sĩ. Tôi đâm lúng túng chưa hiểu nên khai thác ở ông điều gì nữa bởi Thượng tướng - AHLLVT - Viện sĩ - Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu là nhân vật đã được các nhà văn, nhà báo khai thác quá nhiều. Kiến diện ông, thêm hiểu vì sao ông luôn hấp dẫn những người viết đến vậy, dường như lúc nào ông cũng biết truyền cái nhiệt huyết từ mình sang người đối diện. “Ngày trước, thanh niên vùng Hải Hậu quê tôi đa số đi lính hải quân, nhưng tôi lại xin làm lính lục quân để được ra trận địa, đối diện trực tiếp với quân địch nơi trận địa ác liệt nhất, nhưng là nơi để mình có thể giành lại mảnh đất quê hương từ tay quân thù”. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu mở đầu câu chuyện như vậy. Chẳng hiểu ở cái tuổi 17, khi cứ hăng hái lao vào chiến trận với những trận đánh máu lửa ông có ý thức được những gian nan, nguy hiểm, khó khăn đối với một chàng trai mới lớn. Chỉ biết từ đó, như việc không thể đừng, với khát khao làm người chỉ huy nơi chiến trận, ông không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào. Suốt chặng đường dài hơn 10 năm (1965 - 1975) ông đã trải qua 67 trận chiến sinh tử. Khó khăn và thử thách không làm ông nhụt chí mà ngày càng rèn luyện cho ông bản lĩnh và ý chí vững vàng. Ông bảo, ông là một trong năm người trưởng thành từ lính nghĩa vụ đầu tiên được phong quân hàm cấp tướng. Đầu tiên là lính nghĩa vụ, sau lên tổ trưởng tổ 3 người, rồi lên Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Đại đội trưởng. Liên tiếp những trận chiến thắng, ông được thăng lên Tiểu đoàn trưởng, rồi Trung đoàn trưởng. Cùng lúc này, ông được tuyên dương Anh hung Lực lượng vũ trang với thành tích đã đánh 67 trận, trận nào cũng dũng cảm mưu trí, dẫn đầu đơn vị vượt khó khăn, ác liệt, kiên quyết chiến thắng. Kết thúc chiến tranh, ông về Hà Nội học ở Học viện Quốc phòng, ra trường ông đảm nhiệm chức vụ Đại đoàn trưởng Đại đoàn Đồng Bằng. Một thời gian sau, ông dẫn đầu 4 Sư đoàn trưởng của Việt Nam sang học ở Nga, tốt nghiệp về làm Sư trưởng. Khoảng 8 năm sau, ông nhận lệnh làm Phó Tư lệnh thứ nhất Quân đoàn I, rồi sau đó là Tư lệnh Quân đoàn I, Binh đoàn Quyết Thắng khi ở tuổi 39. Có một điều đặc biệt là, ở cương vị nào của người chỉ huy, ông cũng là người trẻ nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi 40 tuổi, ông được phong tướng và cũng là vị tướng trẻ nhất của quân đội khi ấy. Sau đó ông còn làm Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Gương mặt vị Viện sĩ giãn ra, đôi mắt nhìn xa xăm như kéo ông trở lại quãng đời gần 40 năm về trước. Nhìn ông - so với tuổi tác thì bề ngoài còn rất trẻ. Nhấp chén trà nóng, ông đôn hậu mỉm cười - nụ cười quen thuộc với những người đồng sự, đồng chí và bè bạn. Câu chuyện chuyển sang những vấn đề của thời hậu chiến thì Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhiệt thành hẳn lên, có cảm giác dường như ông sẵn sàng nói chuyện hàng giờ về đề tài đó. Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng hậu quả tang thương của nó vẫn còn hằn sâu trên mảnh đất này. Trong sâu thẳm trái tim ông vẫn đau đáu một nỗi niềm khi chứng kiến những cảnh ngộ thương tâm bị di chứng của chất độc dioxin, nhất là những người trên mảnh đất Quảng Trị nơi ông từng chiến đấu. Rồi hậu quả của bom mìn Mỹ rải trên khắp đất nước Việt Nam đã cướp đi sinh mạng 42 ngàn người, làm bị thương, tàn phế 62 ngàn người. Riêng Quảng Trị, tính từ năm 1975 đến nay đã có hơn 7 ngàn nạn nhân do bom mìn sót nổ, trong đó có hơn 2,5 ngàn người thiệt mạng, mà 31% nạn nhân là trẻ em. Điều làm ông trăn trở nữa là việc hơn 300 ngàn người Việt Nam mất tích, có nghĩa là hơn 300 ngàn người mẹ Việt Nam mất con, vợ mất chồng, mất anh em. Tất cả điều đó đã thôi thúc ông viết cuốn Quân đội và vấn đề giải quyết hậu quả sau chiến tranh với tâm niệm để mọi người hiểu toàn diện hơn về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Thông điệp mà ông muốn đưa ra là chúng ta phải đưa ra được một chương trình hành động cụ thể để làm lành những vết thương chiến tranh, để cộng đồng thế giới được sống trong yêu thương và hòa bình. Sau khi cuốn sách ra đời, Chính phủ Việt Nam đã có “Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2015” do Thủ tướng làm Trưởng ban. Cũng nhờ thông điệp từ cuốn sách mà nhiều nhà hảo tâm trong nước và quốc tế đã ủng hộ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh. Quê hương ông ở Hải Hậu (Nam Định), còn Quảng Trị ông coi là quê hương thứ hai của mình vì chính trên mảnh đất này, ông đã cống hiến cả tuổi thanh xuân để cùng đồng đội chiến đấu, hy sinh, giành độc lập cho đất nước. Nhắc đến Quảng Trị, đến những người đồng đội, giọng ông trở nên trầm lắng. Một vùng đất mà có tới 72 nghĩa trang, trong đó có 2 nghĩa trang quốc gia là nghĩa trang Đường 9 và nghĩa trang Trường Sơn. Giọng ông có lúc như lạc đi chen ngang giữa những lời tâm huyết. Ông bảo, chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng có 3 mối quan tâm lớn nhất mà ông đau đáu và tích cực hoạt động không ngơi nghỉ cho đến lúc này. Đó là khắc phục hậu quả dioxin. Hơn 10 năm làm công tác đối ngoại của Bộ Quốc phòng, đi 67 nước trên thế giới ông đều gửi thông điệp kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ nhân đạo cùng Việt Nam khắc phục hậu quả này. Trong chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng 15 triệu tấn bom đạn, đến nay vẫn còn sót lại khoảng 800 ngàn tấn. Nếu cứ để quân đội làm như lâu nay thì phải 300 năm nữa mới thu dọn hết. Ông ráo riết đẩy nhanh cho việc ra đời chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn là vì thế. Bước ra từ cuộc chiến, ông hiểu ngoài nỗ lực của bản thân thì còn biết bao đồng đội đã ngã xuống, biết bao gia đình mất mát người thân. Chính ông là người đã khởi xướng xây dựng Tượng đài hoài niệm đặt ngay ở đường vào Thành cổ Quảng Trị để tưởng nhớ chiến trường xưa và đồng đội. Biểu tượng đó có một góc của thành cổ, một đoàn bộ đội đang hành quân vào, chân tượng đài là sóng nước, nơi có anh em đồng đội còn nằm dưới đó. Phía trên tượng đài là chiếc khăn tang và trên đó còn có 5 con chim hòa bình thể hiện khát vọng yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Dựng tượng đài - ông coi đây là nghĩa cử, tri ân những con người trung hiếu, hy sinh vì nền hòa bình của đất nước hôm nay. Công việc của Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu hiện nay là đúc kết lại những bài học sau chiến tranh, chủ yếu là nghệ thuật chiến tranh và đề xuất ra những phương án mới. Bây giờ thì ngoài công việc, niềm đam mê của ông là tự tay chăm sóc vườn cây tâm linh nơi ngôi nhà mà gia đình ông đang ở. Hoa phong lan có lẽ là nhiều nhất trong vườn nhà ông. Ông nhớ, trước kia chiến đấu ở trong rừng, hoa phong lan trên những cây cao rất đẹp, bom đạn phạt ngang ngọn cây làm rơi rất nhiều dò phong lan. Những người lính khi chết thường được đồng đội lấy phong lan để lên mộ. Vì thế giờ đây trong vườn ông gần như có hết các loại phong lan trên các nẻo đường chiến đấu do đồng đội, bạn bè mang tặng. Ở đó còn có nhiều loài cây khác như cau vua, mai chiếu thủy, nguyệt quế, nhưng cây mà ông chăm chút nhất là cây trực hương khói. Tán cây uốn lượn như làn khói bay lên trời cao, bay vào thiên nhiên. Ông bảo, đây là nơi để linh hồn đồng đội tìm chốn neo về. Đấy là cách thờ lính của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu để lúc nào ông cũng cảm thấy đồng đội vẫn ở quanh mình bởi người xưa đã nói “Nhất tướng công thành, vạn cốt xương”. Vào mùa báo ân, ông lại cùng đồng đội hành quân về chiến trường xưa. Rồi tháng nào cũng vậy, ông và vợ lại đi thăm và tri ân đồng đội, đồng bào. Những cuộc đi này, với ông - sẽ chỉ dừng lại khi ông không đủ sức.
Bài, ảnh: TỐ LAN