Những lá thư từ những ngày lửa đạn chiến tranh không chỉ chứa đựng nỗi niềm thiết tha từ hai đầu nỗi nhớ mà còn là nguồn sử liệu để hình dung về một thời kỳ hùng tráng mà thế hệ cha anh đã đi qua.
"Thật đáng tự hào cho tuổi trẻ của chúng ta em ạ"
Chia sẻ với PV, anh Phạm Nguyên Thanh, trú tại TP Vinh, Nghệ An, (con trai của hai nhân vật chính trong bài viết) bày tỏ niềm xúc động và tự hào về tình yêu của bố mẹ cũng như tinh thần yêu nước không ngại hy sinh của bố.
Theo chia sẻ của anh Thanh, lá thư viết chữ đẹp, mộc mạc được bố anh gửi từ chiến trường về cho mẹ mình.
Bố anh Thanh là cụ Phạm Xuân Sinh (85 tuổi), mẹ là Lê Thị Kim Dung (79 tuổi). Anh Thanh kể, những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, bố anh với khát vọng tuổi trẻ phải ra tiền tuyến, đã nhiều lần viết "tâm thư" xung phong nhập ngũ. Năm 1961, ông nhập ngũ vào Tiểu đoàn 27 Công binh (nay là Lữ đoàn Công binh Hải Vân, Quân khu IV).
Sau một thời gian huấn luyện, chiến đấu, bố anh được cử ra Bắc học sỹ quan. Năm 1964, ông về thực tập tại đơn vị đóng quân ở huyện Nam Đàn (Nghệ An). Thời điểm đó, mẹ anh cũng vừa học hết chương trình lớp 7 đã tham gia chấp hành Đoàn xã, đồng thời phụ trách lớp vỡ lòng. Giữa họ cũng chỉ là biết nhau do cùng quê chứ chưa có ấn tượng đặc biệt gì về "đối phương". Một người đồng nghiệp cũ đã se duyên giúp ông bà.
Những ngày tháng đó, chiến tranh ngày càng ác liệt, họ phải xa cách nhau khi tình yêu vừa chớm nở để bước vào nhiệm vụ mới. Bố anh vào chiến trường, mang theo tình yêu của người con gái nơi quê nhà.
Hơn 6 năm yêu xa, tình cảm của họ vẫn gắn bó bền chặt. Năm 1970, mẹ anh lúc này đang là sinh viên Trường cơ điện Thái Nguyên, nhân dịp bố anh được cử ra Bắc học văn hóa để chuẩn bị sang Liên Xô học nâng cao, một đám cưới giản dị đã được tổ chức ở quê nhà.
Gần 60 năm trôi qua, những lá thư của ông Sinh gửi cho bà Dung được cất giữ, bảo quản vẹn nguyên như ngày nào. Từng câu, từng chữ được các thế hệ con cháu đọc thuộc để cùng nhắc nhở nhau về quá khứ hào hùng của thế hệ đi trước.
"Mấy ngày gần đây, nơi anh đang ngồi biên thư cho em - tình hình chiến sự xảy ra tương đối ác liệt... Chúng tưởng dùng sức mạnh sắt thép của Mỹ là có thể khuất phục được trái tim và ý chí của những người chiến sỹ trẻ nhưng chúng đã lầm to. Sức mạnh sắt thép của chúng chỉ làm cho đất cát tung lên, cây cối cháy trơ trụi, khét lẹt chứ không thể nào khuất phục được. Bởi vì họ là những người chiến sỹ cách mạng, được trang bị bằng một thứ vũ khí tuyệt mạnh, mạnh gấp ngàn lần sắt thép... Thật đáng tự hào cho tuổi trẻ của chúng ta em ạ. Lứa tuổi được lớn lên trong thời đại anh hùng, thời đại hừng hực lửa chiến đấu và được trưởng thành trong thử thách, rèn luyện của cuộc chiến thần thánh vì lý tưởng cao đẹp của chúng ta", trích nội dung một bức thư ông Sinh gửi cho bà Dung.
Lá thư tay đã chuyển màu cũ kỹ với nội dung nhớ thương người yêu của người lính nơi tiền tuyến gửi về hậu phương.
Trong những lá thư, không chỉ là lời tâm tình yêu thương trai gái đơn thuần, mà họ còn nhìn thấy trách nhiệm của mỗi người, trách nhiệm của nhau đối với vận mệnh của dân tộc.
"Em! Có phải đến bây giờ chúng ta mới hiểu đâu, mà ngay từ những buổi đầu chúng ta đã hiểu - hiểu một cách tự giác, cái chân lý ngàn đời không thay đổi: Tình yêu chưa thể trọn, hạnh phúc, chưa thể đủ đầy khi quân thù đang còn giày xéo non sông. Đối với chúng ta, hạnh phúc chỉ có thể trọn vẹn, đủ đầy khi mà xung quanh ta rộn vang những tiếng trống, tiếng kẻng không phải báo hiệu quân cướp biển, cướp trời, cướp đất đến mà là những tiếng báo hiệu một ngày hội thanh bình, một mùa xuân trong độc lập tự do thật sự".
Trong nhiều lá thư gửi về, người lính luôn lạc quan, tin tưởng về chiến thắng như một điều tất yếu của lịch sử, khi mà những con người lớn lên trong thời đại ấy biết sống xa nhau, tin tưởng nhau, yêu thương nhau và sẵn sàng hi sinh tình cảm cá nhân cho những điều lớn lao hơn. Trong một lá thư viết trước năm 1970, người lính Phạm Xuân Sinh đã dự cảm về ngày chiến thắng: "Hẹn gặp lại em sau ngày chiến thắng trở về. Ngày ấy tin rằng sẽ không xa nữa! Hôn em".
Tình yêu trong chiến tranh
Trong suốt khoảng thời gian đi bộ đội, ông Sinh vẫn giữ liên lạc qua những lá thư viết tay. Sau khi lấy nhau, do yêu cầu công tác, ông Sinh phải quay trở lại chiến trường. Cuộc sống kham khổ, thiếu thốn khiến bà Dung sinh non khi thai mới được 7,5 tháng.
"Không thể nói hết khó khăn thời điểm ấy. Chồng thì xa, chẳng biết sống chết thế nào, con thì bé, ốm đau, rồi học hành, công tác... cách liên lạc duy nhất là viết thư. Viết để chia sẻ, động viên nhau thôi chứ không có chuyện kể khổ, kêu khó làm nhụt ý chí của nhau. Những lá thư của ông ấy trở thành điểm tựa tinh thần để tôi hoàn thành tốt việc học và nuôi con...", bà Dung chia sẻ.
Những lá thư đã úa màu, nhiều đoạn mờ nhòe, không còn rõ chữ, được vợ chồng ông gìn giữ, nâng niu. Một số lá thư đã được ông bà hiến tặng Bảo tàng Quân khu 4 để trưng bày, phục vụ công tác tuyên truyền.
Trong cuộc đời binh nghiệp, ông Sinh có mặt hầu khắp chiến trường lớn, ác liệt, tham gia các chiến dịch lớn như chiến dịch Làng Vây, đường 9 Khe Sanh, 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, chiến dịch Hồ Chí Minh... Giữa đạn bom, giữa lằn ranh sự sống và cái chết, những lá thư thấm đẫm yêu thương, tin tưởng, chờ đợi của người con gái anh yêu, như mạch nước ngầm ấm áp, êm dịu, xua tan khốc liệt của chiến tranh.
Trong một lá thư, ông viết: "Thư em đã xua tan tất cả sự mệt nhọc sau một đêm thức trắng xuyên rừng lội suối, vượt đèo về đơn vị. Thư em mang đến cho anh một tình cảm nồng thắm, thiết tha, chân thực của một tình yêu chung thủy, của một người vợ hiền sắp cưới ở hậu phương lớn gửi ra tiền tuyến lớn...".
Hòa bình lập lại, cứ tưởng gia đình được sum họp, đoàn tụ thì cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Nam, phía Bắc nổ ra, ông lại tiếp tục có mặt ở những điểm nóng ác liệt, qua Lào giúp bạn xây dựng sân bay quân sự ở cánh đồng Chum, lên trấn giữ ở biên giới phía Bắc... Những cánh thư tiếp tục trở thành "sợi dây kết nối" giữa vợ chồng họ.
Năm 1993, ông Phạm Xuân Sinh nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Sau 2 lần bị tai biến, ông phải ngồi xe lăn, sinh hoạt cá nhân hầu như nhờ cả vào bàn tay tháo vát của người vợ. Ở tuổi xưa nay hiếm, trải qua bao biến cố trong cuộc sống, tình yêu của họ vẫn luôn bền chặt, thủy chung.
Ông bà thời trẻ và lúc xế chiều vẫn hạnh phúc bên nhau.
Hơn 10 năm nay, bà Dung chỉ quanh quẩn trong căn nhà nép bên ngõ nhỏ ở TP Vinh. Từ hồi ông Sinh bị tai biến, hầu như bà không rời chồng nửa bước. Tình yêu của họ được ươm mầm trong chiến tranh, thử thách qua bom đạn và xa cách, suốt 60 năm qua vẫn gắn bó bền chặt bên nhau. Thời gian, tuổi tác, sức khỏe không làm phai mờ tình yêu của họ mà trái lại, càng khiến con cháu ngưỡng mộ hơn về một tình yêu đã hòa vào tình yêu Tổ quốc...
Bức thư như hiện thân của tình yêu ông và bà vượt thời gian để gợi nhắc về quá khứ. Trong thư có nỗi nhớ người thân, có sự hy sinh anh dũng của người lính và sự khắc nghiệt của chiến tranh. Thật may mắn, trong vô vàn những cuộc chia ly trong thời chiến, tình yêu của ông bà đơm hoa kết trái và vững bền đến bây giờ. Kết quả của mối tình đẹp đẽ ấy là 4 người con hiếu thảo và luôn dành sự kính trọng, ngưỡng mộ mỗi khi nhắc về tình yêu của bố mẹ.
Những lá thư đã úa màu, nhiều đoạn mờ nhòe, không còn rõ chữ, được vợ chồng ông gìn giữ, nâng niu. Một số lá thư đã được ông bà hiến tặng Bảo tàng Quân khu 4 để trưng bày, phục vụ công tác tuyên truyền.
Những lúc rảnh rỗi, ông bà lại lần dở những lá thư, đọc cho nhau nghe, hồi tưởng về một thời gian khó nhưng tràn ngập tình yêu và tin tưởng...
Anh Phạm Nguyên Thanh chia sẻ: "Anh em chúng tôi được đọc thư bố mẹ gửi cho nhau trong thời gian chiến tranh và hiểu hơn về tình cảm bố mẹ dành cho nhau. Những lá thư không chỉ thể hiện mối tình đẹp của bố mẹ tôi, mà qua đó, chúng tôi thấy rõ hơn lý tưởng cách mạng của cả một thế hệ tuổi trẻ trong giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc".
"Bây giờ bố mẹ mình vẫn còn tình cảm lắm, mẹ tận tình chăm sóc cho bố, từ bữa ăn giấc ngủ, bố vẫn hay trêu mẹ như lúc trẻ. Mình mong là bố mẹ sẽ luôn khỏe mạnh, ở bên con cháu thật lâu để kể tiếp nhiều câu chuyện về tình yêu thương nữa", anh Thanh nói.