Trời se lạnh và lòng người cũng se se trong những thắc thỏm vì cái bóng ám ảnh của COVID-19 vẫn quanh quẩn đâu đây. Tôi đọc. Và xúc động vì hồi ức của những ngày chưa xa lắm, bỗng trở lại rõ mồn một.
Bỗng nhớ lại những câu chuyện miên man của hai chị em trong những ngày phong thành không thể nào quên ấy. Chỉ là qua mạng thôi nhưng tôi cảm nhận được tấm tình thiết tha của chị Hoài Hương với thành phố mà giờ chị đã sống từng ngày trong những cảm xúc khó đặt tên. Bởi vì, đó là tình yêu. Không, cao hơn tình yêu. Đó chính là tình thương. Một tình thương trên cơ sở của sự thấu hiểu.
Tôi nói với chị: "Sài Gòn đang trong những ngày quá đặc biệt. Hàng ngày đọc thông tin trên báo, nhất là tờ báo nơi em đang làm- Báo Sức khỏe & Đời sống của Bộ Y tế, lòng cứ cồn cào chi lạ. Phải chi có một tiếng nói từ bên trong tâm dịch Sài Gòn, để mọi người có thể hiểu thêm về Sài Gòn trong những ngày thương khó này?". Nhà văn Hoài Hương khi ấy hình như đã "ừ" một tiếng rất nhẹ. Và ngay sáng hôm sau, tôi đã nhận được những dòng đầu tiên:
"Em Hà Nội điện thoại vào quan tâm hỏi, những ngày Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh giãn cách theo chỉ thị 16 có tâm sự gì, cảm xúc ra sao?
Bỗng dưng cay mắt, bỗng dưng lạc một nhịp thở… Nhiều lắm em ơi, biết bắt đầu từ đâu?
Từ mùa hoa dầu bay ngập phố mà không có một đôi tình nhân nào làm bối cảnh chụp hình kỷ niệm? Từ những quán bar, phòng trà lừng danh nay như hóa thạch trong đêm cuối tuần? Từ khu chợ hơn trăm năm nay chưa bao giờ một ngày đóng của nay im lìm lặng ngắt như nhà vắng chủ?
Có chút bần thần ngơ ngác trong cái tĩnh lặng ban mai phố, hình như Sài Gòn đang trở về hơn 300 năm trước, đường vắng, người thưa, tất cả như đang ngủ im trong một tấm poster từ thế kỷ 19 - 20.
Và thế là, những bức "tình thư" gửi "Em Hà Nội" từ tâm dịch Sài Gòn đã lần lượt xuất hiện trên tờ báo của ngành Y. Là một phần của chuyên mục "Thư Sài Gòn" của chúng tôi trong những ngày không thể quên đó.
Trong những câu chuyện chị viết về Sài Gòn của 123 ngày phong thành, vì thế mà hòa quyện sự thủ thỉ riêng tư của hai chị em ở hai đầu đất nước. Tôi đặc biệt yêu thích cách chị gọi "Em Hà Nội", và cũng gọi một số người em thương quý của chị bằng cái tên đó. Cũng là một cách dùng từ rất riêng của chị. Như là cái cách chị đặt tên cho cuốn sách nhỏ xinh này: Sài Gòn! Em thương Anh!
Tôi vẫn luôn ngưỡng mộ sự trẻ trung trong tâm hồn của chị Hoài Hương. Cả sự thanh xuân trong dáng dấp, dường như trời biệt đãi chị. Sau này, khi hiểu chị hơn, tôi biết đó là cả một quá trình tự rèn của chị. Chị không cho phép mình "sống già". Với chị, mỗi ngày mới là một náo nức mới, nơi chị luôn sống trọn với cảm xúc, luôn làm tất cả những gì có thể và luôn giúp đỡ người khác với sự vô tư. Như là, với Sài Gòn! Em thương Anh!, chị sẽ dành trọn vẹn lợi nhuận để trợ giúp vào quỹ của nhà văn Tống Phước Bảo, nhằm an ủi những trẻ mồ côi vì COVID-19, ngay cái tết Nhâm Dần này.
Tôi còn nhớ rất rõ cảm xúc của rất nhiều buổi sáng trong 123 ngày đêm đó, ngủ dậy, việc đầu tiên là mở mail. Và thấy một chiếc mail mới từ chị. Tôi thường đọc và nhắn tin đến chị ngay: "Em là bạn đọc đầu tiên, thấy thực xúc động. Em tin là bạn đọc của Báo cũng sẽ có chung cảm giác như em. Qua đây cũng lan tỏa nguồn năng lượng sống lạc quan, tích cực gửi đến cộng đồng, gửi đến những người đang ngày đêm tham gia chống dịch, gửi đến những tấm lòng, nghĩa cử chung tay chia sẻ khó khăn... cùng nhau đẩy lùi đại dịch COVID-19".
Sài Gòn! Em thương Anh!
Đó không chỉ có Sài Gòn trong 123 ngày lịch sử đó mà còn có những ẩn tình của Hoài Hương với thành phố này, trong những tháng năm qua. Nhưng phần hồn cốt của cuốn sách chính là những bài chị viết trong khoảng thời gian đó, khi mà cảm xúc đã được hiện thực đẩy chạm nóc. Chỉ cần đọc những cái title, bạn cũng có thể hình dung những gì đã xảy ra với thành phố này trong gần 4 tháng đó.
Khác nào một bức tranh sinh động đã được họa nên từ rung cảm của một tâm hồn tinh tế và chi tiết, đúng kiểu phụ nữ tỉ mỉ và luôn dạt dào tình cảm trước người, trước cảnh, trước những sự biến đổi của thời cuộc: Chữ "thương" của thành phố mang tên Bác; Sài Gòn mùa "thương"; Sài Gòn mưa, tình người như nước tràn đầy thương yêu; Sài Gòn trong 12 giờ đầu tiên "giới nghiêm"; Chỉ tạm xa thôi nha, Sài Gòn hẹn ngày gặp lại; Vẫn mãi là một Sài Gòn hoa lệ, hào hoa; Màu xanh niềm tin màu xanh yêu thương; Sài Gòn ơi! Ngày mai sẽ nắng đẹp; Sài Gòn thu vẫn âm thầm hương sắc; Sài Gòn- trang viết không ngủ yên; Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi; Trăng trung thu vẫn tỏa sáng ấm áp; Sài Gòn 0 giờ ngày "bình thường mới"; Sài Gòn thương khó, Sài Gòn hồi sinh; Sài Gòn đến lúc phố thưa lại đầy…
Bạn đọc cuốn tản văn này, sẽ thú vị nhận thấy, Sài Gòn những ngày đầu "phong thành" và ngày đầu "bình thường mới" đều mưa. Nhưng hãy xem cách viết của nhà văn Hoài Hương về hai cơn mưa:
Mưa của tháng 7:
"- Khuya thế mà sao chị chưa ngủ?- Em Hà Nội chát qua messenger
- Không ngủ được. Sài Gòn đang mưa em à.
Tiếng mưa xối xả nghe đến thương con phố. Chen trong mưa tiếng còi xe cứu thương như xé đêm rẽ nước lao đi hối hả đau rát như vết cắt. Cứ nghe "F…" Covid-19 đến 4 con số mỗi ngày ở thành phố mà thắc thỏm đến thắt ruột. Cứ nhìn phố thênh thang lặng ngắt buổi ban mai mà xước xát cả trái tim. Cứ nhìn sự tất bật của những bóng áo xanh áo trắng như phi hành gia cùng tiếng còi xe cứu thương bất kể ngày đêm ở những khu dân cư mà thon thót lo âu…"- (Trích Sài Gòn mưa, tình người như nước tràn đầy thương yêu)
Mưa của 2 ngày cuối cùng của tháng 9 - Là khi kết thúc 123 ngày giãn cách.
"Sài Gòn mưa rả rích từ tối tới sáng, rồi từ sáng tới gần trưa, nhưng nghe tiếng mưa có gì đó như một chuỗi nhạc, có tiếng lá lao xao chạm vào nhau, có tiếng chim hót líu ríu, có ánh nắng mỏng xuyên qua làn mưa lóng lánh sắc cầu vồng, cảm giác những giọt mưa đang cố gột những nỗi buồn đau suốt 4 tháng trời qua..." (Trích Sài Gòn 0 giờ ngày "bình thường mới)
Mưa vẫn là mưa đấy thôi. Nhưng mưa tháng 7 tràn ngập sự bi thương, khắc khoải, âu lo, còn mưa tháng 9 đã thấy như tiếng nhạc reo vui của một Sài Gòn đang hồi sinh mạnh mẽ như một điều không thể khác.
Và tôi nghĩ, khi bạn cầm cuốn tản văn Sài Gòn! Em thương Anh! của nhà văn Hoài Hương đọc, sẽ bắt gặp nhiều cảm xúc để cùng chia sẻ.