Vụ hành quyết công khai cuối cùng bằng máy chém - 1939
Hành quyết công khai không phải là một dấu ấn của lịch sử cổ đại. Chưa đến một thế kỷ trước, nhiều quốc gia vẫn thường xuyên công khai chặt đầu tội phạm.
Hồi đó, các nhà chức trách đã sử dụng các vụ hành quyết công khai để làm tấm gương răn đe. Cha mẹ sẽ đưa con cái tới xem cùng, nói điều gì đó đại loại như :“Hãy xem những gì xảy ra với những người không vâng lời!” Mọi người cũng đến xem cho vui, giống như bây giờ chúng ta đến sở thú hoặc xem một trận đấu thể thao vậy.
Bức ảnh đã gây tranh cãi đến nỗi cuối cùng chính phủ chỉ cho phép hành quyết sau những cánh cửa đóng kín. Thời gian đã thực sự thay đổi - thay vì xem chúng như là một “hiệu ứng đạo đức”, hành quyết công khai đã bị xem là không văn minh và vô nhân đạo. Các máy chém sau đó được sử dụng kín cho đến năm 1977, khi nước Pháp xóa bỏ án tử hình. Kể từ đó tất cả những cỗ máy này chỉ còn được thấy trong các viện bảo tàng.
Nagasaki sau thảm họa bom nguyên tử 1945.
Nagasaki, 20 phút sau thảm họa - 1945
Ngày 9 tháng 8 năm 1945, Mỹ thả bom nguyên tử mang tên “Gã Mập” xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản, giết chết khoảng 40.000 người ngay lúc đó. Hàng ngàn người sẽ tiếp tục chết sau đó do bỏng và bệnh phóng xạ. Cảnh tượng được ví như địa ngục, khi hàng ngàn người chết hoặc bị thương bị vùi lấp dưới đống đổ nát. Thành phố chỉ còn lại là một đống hoang tàn.
Đây là một tấm hình đầy sức mạnh. Tuy nhiên, điều thực sự ám ảnh là tấm hình được chụp 20 phút sau vụ nổ. Sức hủy diệt khủng khiếp vẫn còn treo lơ lửng trong không khí.
Hoàng hôn trên sao Hỏa - 2005
Nếu không đặt trong bối cảnh, bạn thậm chí không đoán được rằng tấm ảnh không được chụp ở đâu đó trên hành tinh chúng ta. Đây thực ra là cảnh hoàng hôn sao Hỏa, trông vô cùng giống với một buổi hoàng hôn bình thường trên Trái đất - một lời nhắc nhở rằng những thế giới khác lại có thể quen thuộc một cách kỳ lạ.
Hình ảnh được chụp bởi xe tự hành sao Hỏa Spirit, trên vành đai Gusev Crater. Ngoài việc chụp những tấm hình đẹp, chiếc xe tự hành này thực ra được triển khai để giúp nghiên cứu bầu khí quyển sao Hỏa, ngoài việc tìm kiếm những đám mây băng và bụi. Màu đỏ là do những hạt bụi mịn bị lơ lửng trong bầu khí quyển mỏng, nhưng bức ảnh có màu hơi xanh do bụi, làm tán xạ ánh sáng về phía trước. Cũng đáng chú ý là mặt trời dường như nhỏ hơn so với những gì chúng ta thấy trên Trái đất. Điều này là do hành tinh đỏ nằm xa Mặt trời hơn so với Trái đất.
Hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã tự thiêu để phản đối chiến tranh ở Việt Nam.
Hòa thượng tự thiêu - 1963
Bức ảnh gây sốc này mô tả Hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã tự thiêu tại một giao lộ đông đúc của Sài Gòn năm 1963. Ông đã hy sinh thân mình để phản đối chiến tranh ở Việt Nam và vụ đàn áp Phật giáo của chính quyền Sài Gòn.
Hòa thượng Thích Quảng Đức bước xuống từ một chiếc xe ngay bên ngoài Đại sứ quán Campuchia, cùng với hai nhà sư khác. Ông bình tĩnh ngồi xuống trong tư thế thiền quen thuộc trong khi một nhà sư khác đổ xăng lên người ông. Thậm chí ông còn không nao núng khi vị sư khác châm lửa và khiến cả người ông bốc cháy. Những người qua đường hầu như choáng váng, nhưng một số đã cố gắng dừng lại và cầu nguyện khi cả người Hòa thượng biến thành ngọn đuốc sống.
Vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã gây tiếng vang lớn. Bức ảnh đã xuất hiện trên các trang báo toàn thế giới chỉ sau vài giờ. Như lời Tổng thống Mỹ John F. Kennedy: “Chưa từng có hình ảnh tin thời sự nào trong lịch sử tạo ra nhiều cảm xúc trên khắp thế giới như thế”.