Lặng lẽ rời nhà lúc nửa đêm
Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa trường Đại học Y khoa Vinh, bác sĩ Trần Thị Phúc, Phó trưởng khoa Truyền máu (Trung tâm Huyết học - Truyền máu Nghệ An) làm mọi người bất ngờ khi thông báo làm nghề hiến máu. "Nhiều người khi nghe nói công việc hiến máu cứ nghĩ tôi chuyển làm trái ngành. Ai ai cũng nghĩ mình học bác sĩ đa khoa ra sẽ trực tiếp thăm khám và điều trị cho bệnh nhân", chị Phúc mở đầu câu chuyện chọn việc của mình.
"Lúc đầu về công tác thấy công việc khô khan, nhạt nhẽo. Nhưng nhìn những bệnh nhân được cứu sống nhờ được ứng cứu máu kịp thời dần dà thấy công việc mình ý nghĩa và say mê từ đó. Làm công việc gì, ở vị trí nào, miễn làm tốt dù trực tiếp hay gián tiếp giúp sức người bệnh đều cảm thấy hạnh phúc", bác sĩ Phúc trải lòng.
Chứng kiến người bệnh cần máu mới thấy vai trò quan trọng của hoạt động tiếp nhận máu. Theo chị Phúc, phong trào hiến máu những năm trước đây khó khăn. Người hiến máu lúc đó chủ yếu là để…nhận tiền. Người hiến máu tình nguyện chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Để những giọt máu đến được với người bệnh, các bác sĩ, kỹ thuật viên ở Trung tâm Huyết học Nghệ An ngày đêm âm thầm điều chế ra các chế phẩm và bảo quản lưu giữ cẩn thận. Các quy trình phải được tiến hành một cách nghiêm ngặt, chính xác nhất. "Khi tiếp nhận từ người hiến, mỗi giọt máu là một tế bào sống. Sau quá trình bảo quản và đưa vào cho người bệnh cũng phải là một tế bào sống", bác sĩ Phúc cho biết.
Cũng nhiều lần do áp lực công việc, bác sĩ Phúc và 13 nhân viên của khoa rơi vào khủng hoảng, áp lực và lo lắng. Do tính đặc thù trong công tác tiếp nhận máu, thời gian nghỉ của mọi người lại là lúc các nhân viên Khoa Truyền máu làm việc.
Thông thường, mọi người chỉ biết tới hoạt động truyền máu qua công tác vận động tuyên truyền hiến máu từ người khỏe mạnh. Nhưng đằng sau đó là một quá trình phức tạp. Một đơn vị máu hiến có thể được điều chế ra nhiều chế phẩm giúp cứu sống nhiều người bệnh khác nhau. Để chuyển máu tới khoa lâm sàng, từng đơn vị máu trải qua quy trình xét nghiệm, bảo quản nghiêm ngặt, giúp người bệnh giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh như HIV, giang mai, sốt rét, viêm gan B, viêm gan C…
"Không được bệnh nhân và người thân trực tiếp nói lời cảm ơn nhưng những người làm công tác hiến máu chúng tôi luôn động viên nhau niềm vui đó đồng nghiệp đã nhân thay cho mình. Công sức của mình đã được đền đáp khi thấy bệnh nhân được khỏe trở lại, vui tươi bên người thân", chị Phúc chia sẻ.
Đi từng ngõ, gõ từng nhà
Cách đây hơn 20 năm, ước mơ của cô gái trẻ xinh xắn Đinh Thị Nhâm được làm công việc nhẹ nhàng, nhưng cơ duyên đưa đẩy chị đến với ngành y. Có lúc, chị nghĩ mình không phù hợp với chiếc áo blouse. Nhưng "nghề chọn người", cô nữ sinh ngày nào nay là kỹ thuật viên Khoa Truyền máu (Trung tâm Huyết học truyền máu Nghệ An.
"Nhiều áp lực" là điều chị Nhâm cảm nhận sau hơn 20 năm làm nghề y. Khi mới vào nghề, mọi thứ đều mới lạ, thiếu cả kiến thức lẫn kinh nghiệm, công việc qua áp lực lúc đó chị coi là "khủng khiếp".
Trong muôn vàn khó khăn, chị may mắn nhận được sự động viên từ gia đình, tận tình chỉ dẫn của các bác sĩ tại đơn vị công tác. Năm tháng trôi qua, chị Nhâm tận tâm tích lũy kiến thức về nghề từ chính hàng nghìn, hàng vạn người chị từng tiếp xúc lấy máu và phân tích mẫu máu ở khoa.
"Phải nỗ lực cố gắng học hỏi hàng ngày, trau dồi những kỹ năng, tuân thủ các quy tắc, đạo đức nghề nghiệp. Tôi hiểu rằng một kỹ thuật viên chuyên nghiệp không chỉ cần vững chuyên môn mà còn phải có phẩm chất tốt, tính trách nhiệm cao", chị Nhâm tâm sự.
Khi mới lập gia đình, chồng bận công tác, chị Nhâm thường xuyên đưa 2 con nhỏ lên cơ quan làm việc. Mỗi lần đơn vị tổ chức hiến máu ở các địa bàn xa, chị phải sắp xếp cả tuần trước. "Làm nghề này lúc nào cũng "đặt chế độ tỉnh", ngay cả trong giấc ngủ, túc trực điện thoại 24/24 giờ", chị Nhâm nói.
Theo chị Nhâm, nhiều lúc chị và đồng nghiệp cũng chạnh lòng vì công việc chẳng ai biết tới. Đêm khuya, mọi người chìm vào giấc ngủ lại là lúc chị em lặng lẽ đắp chăn cho chồng con rồi rời đi. Nhiều lần mọi người phải tranh thủ chợp mắt trên xe, chỗ hiến máu để lấy sức.
Theo BS.CKII Phạm Văn Thái, Trưởng khoa Truyền máu (Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học - Truyền máu Nghệ An, đội ngũ bác sĩ, nhân viên tại đơn vị làm việc vất vả, nhất là chị em phụ nữ. "Ngày ngày anh em vẫn lặng thầm đi "từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền vận động người dân chung tay hiến máu cứu người. Đôi khi bữa cơm người nhà vừa nấu, chưa kịp ăn đã vội bỏ dở để lên viện. Người ta thấy y, bác sĩ, kỹ thuật viên xông xáo, nhiệt tình khi mỗi đêm lên đường đi lấy máu, chứ đâu có cơ hội nhìn họ ngủ tạm trên ghế sau ca hành trình dài 5-7 tiếng", bác sĩ Thái chia sẻ.
Bác sĩ Thái cho biết, tại Trung tâm có rất nhiều các em nhỏ bị các bệnh về máu bẩm sinh. Tuổi thơ gắn liền và xem bệnh viện là nhà, các y bác sĩ ở đây người mẹ thứ 2. Để giúp các bé có thêm kiến thức, kỹ năng sống, đội ngũ y, bác sĩ tại trung tâm phải đóng thêm vai là người cô, người mẹ, ngày ngày dạy dỗ các em. "Không nói hết những khó khăn vất vả của những phụ nữ khi họ chọn công việc này. Nặng nề, áp lực là thế nhưng chị em vẫn luôn tận tận tụy, nhiệt huyết và tự hào với màu áo trắng đã chọn", Trưởng khoa Truyền máu , Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học -Truyền máu Nghệ An tự hào nói.
Niềm vui của những người làm truyền máu như bác sĩ Phúc cũng như các đồng nghiệp là được chứng kiến bệnh nhân khỏe mạnh trở lại, được nhìn thấy ngày càng nhiều người dân hiểu được tầm quan trọng của hiến máu tham gia hiến máu tình nguyện. Đó không chỉ là hạnh phúc của người bệnh mà còn là món quà vô giá của những người làm công việc tiếp nhận máu.