Những 'bông hoa' lặng thầm tỏa hương của y tế Hà Tĩnh

27-02-2023 08:30 | Sự hi sinh thầm lặng
google news

SKĐS - Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 nói riêng, trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, những cán bộ và nhân viên ngành y tế Hà Tĩnh đã không ngừng nỗ lực, cống hiến, hy sinh vì sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Tiên phong đưa mô hình can thiệp sớm cho trẻ bại não, tự kỷ vào điều trị tại bệnh viện

Trước năm 2014, những gia đình ở Hà Tĩnh không may có con bị mắc bệnh bại não, chậm nói, chậm đi, tự kỷ… đều phải khăn gói đưa con đến những bệnh viện lớn ở Nghệ An, Hà Nội... để điều trị.

Nhiều trẻ đã không được can thiệp sớm, hay một số gia đình không có đủ kinh phí, thời gian và sự kiên trì để can thiệp, điều trị cho con. Chính vì vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hồi phục và khả năng hòa nhập của các cháu.

Sự hi sinh thầm lặng của những "chiến sĩ áo trắng" - Ảnh 1.

BS. Nguyễn Thị Diện, Giám đốc Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh vui Trung thu với các bệnh nhân nhi.

Trăn trở trước hình ảnh những cháu bé còn thơ dại đã mắc bệnh hiểm nghèo không được điều trị kịp thời, bằng tình thương của người mẹ và trách nhiệm của một lương y, BSCKII, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Diện - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh đã mạnh dạn tiên phong đưa mô hình can thiệp sớm cho trẻ bại não, tự kỷ vào điều trị tại bệnh viện.

Để thực hiện, BS. Nguyễn Thị Diện đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ, kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu; thu hút các thạc sĩ, cử nhân tâm lý học tham gia phối hợp điều trị phục hồi chức năng nhi khoa. Bệnh viện cũng đã xây dựng các phòng bệnh với trang thiết bị, không gian phù hợp cho việc điều trị các trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ, trẻ bị bại não...

Năm đầu triển khai chỉ có 2 phòng tập cá nhân và thu hút được khoảng 180 đến 200 lượt trẻ điều trị. Những năm tiếp theo, số trẻ đến khám và điều trị tăng dần. Bệnh viện cũng đã mở rộng, tăng thêm các phòng điều trị.

Nhờ được điều trị, chăm sóc tốt, đã có hàng trăm trẻ em dưới 6 tuổi chậm đi, chậm nói, tăng động và tự kỷ mức độ nhẹ đã được bệnh viện điều trị khỏi, có hàng trăm cháu bị bại não và tự kỷ, chậm phát triển cũng đang được điều trị với sự tiến bộ rõ rệt…

Để nâng cao chất lượng điều trị cho các cháu, hàng năm, BS. Nguyễn Thị Diện đều cử cán bộ đi đào tạo, nâng cao trình độ, tiếp thu các kỹ thuật mới. Đồng thời, mời các chuyên gia đầu ngành về khám, điều trị các rối loạn phổ tự kỷ cho trẻ… BS. Nguyễn Thị Diện cũng cùng cộng sự thực hiện đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, một số yếu tố liên quan và hiệu quả can thiệp rối loạn phổ tự kỷ trẻ em từ 18-60 tháng tuổi tại Hà Tĩnh”. Qua đề tài đã có nhiều kiến nghị, định hướng để phát hiện sớm, điều trị hiệu quả cho trẻ bị tự kỷ, bại não… trên địa bàn.

Với những cống hiến quan trọng cho ngành y tế, BS. Nguyễn Thị Diện đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú; được Bộ Y tế, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen. Nhiều năm liền được tôn vinh điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Người truy vết các dịch bệnh

Là trưởng khoa “xương sống” – Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Những năm qua, BS. Nguyễn Chí Trung luôn là người tiên phong trên các địa bàn có dịch với mục tiêu kiểm soát không để dịch bệnh xuất hiện, bùng phát và lan rộng trên địa bàn.

BS. Trung chia sẻ: “Là trưởng khoa nên tôi luôn phải chủ động tham mưu, thực hiện tốt việc quản lý các bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn tỉnh. Dịch bệnh truyền nhiễm thường lây lan nhanh, nhiều bệnh dịch chưa có vaccine phòng, nguy cơ tử vong do mắc bệnh cao. Vì vậy chúng tôi phải thường xuyên điều tra, giám sát phát hiện dịch, nắm chắc tình hình bệnh truyền nhiễm, trên cơ sở đó lập kế hoạch và phối hợp với các địa phương kiểm soát bệnh một cách chủ động”.

Sự hi sinh thầm lặng của những "chiến sĩ áo trắng" - Ảnh 2.

BS. Trung (người đứng ngoài cùng bên trái) trong một lần truy vết dịch COVID-19.

Trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19, BS. Trung đã nỗ lực ngày đêm tham mưu cho lãnh đạo đơn vị các kế hoạch, văn bản phòng chống dịch phù hợp với tình hình dịch bệnh trên địa bàn và theo từng giai đoạn, cấp độ dịch… Trong hơn 2 năm phòng chống dịch bệnh COVID-19, bản thân BS. Trung không kể ngày hay đêm, ngày nghỉ hay ngày lễ, thường xuyên có mặt tại các điểm nóng cùng với đồng nghiệp triển khai công tác truy vết, khoanh vùng và tham mưu các phương án phòng, chống dịch phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất dịch COVID-19 lây lan ra diện rộng.

“Đây là loại dịch bệnh chưa có trong lịch sử, nên công tác tham mưu, giám sát, triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Tôi cùng với anh em trong khoa và lãnh đạo đơn vị nhiều ngày, đêm không ngủ. Hồi hộp theo dõi kết quả từng mẻ xét nghiệm, truy vết các F1, F2 và tham mưu xây dựng kế hoạch, phương án để đối phó với các tình huống dịch cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh, của ngành. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tập trung cao, nỗ lực hết mình của ngành y tế, chúng ta đã kiểm soát tốt được dịch bệnh COVID-19”, BS. Trung chia sẻ.

Trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử, BS. Trung cùng cán bộ trong khoa và các đội cơ động phòng chống dịch của đơn vị đã trực tiếp tập huấn cho cán bộ cơ sở, hướng dẫn, giám sát các điểm tiêm chủng trên toàn tỉnh thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19, với 35 đợt tiêm cho người lớn và 18 đợt tiêm cho trẻ em an toàn, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát thành công dịch bệnh trên địa bàn.

Dịch COVID-19 được khống chế, kiểm soát, những chiến sĩ phòng chống dịch như BS. Trung chưa kịp nghỉ xả hơi thì lại tập trung vào cuộc chiến mới phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

“Sốt xuất huyết năm nay xuất hiện sớm hơn, kéo dài hơn và số lượng mắc cao hơn so với các năm trước. Giới chuyên môn nhận định sau dịch COVID-19, dịch sốt xuất huyết đã có những bất thường khi ghi nhận một số trường hợp tử vong tại một số tỉnh, thành trên cả nước. Chính vì vậy chúng tôi phải tăng cường công tác giám sát, phát hiện đồng thời hướng dẫn các địa phương cùng ra quân phòng chống dịch bệnh. Toàn tỉnh đã ghi nhận gần 1000 ca mắc, các ca mắc đều được điều trị khỏi, không có ca tử vong, khống chế, dập tắt 23/23 ổ dịch tại 7/13 huyện, thị, thành phố. So với các tỉnh lân cận là Quảng Bình và Nghệ An thì số mắc của tỉnh ta thấp hơn rất nhiều. Kết quả này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà cùng ngành y tế triển khai sớm, chủ động các biện pháp phòng chống dịch”, BS. Trung thông tin.

Dịch bệnh truyền nhiễm ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều dịch bệnh mới xuất hiện, khó kiểm soát, tỷ lệ mắc và tử vong cao. Chính vì vậy đối với người cán bộ làm công tác phòng chống dịch như BS. Trung không được phép lơ là, chủ quan trước bất kỳ dịch bệnh nào.

“Nghề của chúng tôi cũng có thể gọi là một nghề nguy hiểm, bởi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất lớn. Tuy nhiên đã gắn bó với nghề thì tôi cũng như các đồng nghiệp không hề e sợ. Chúng tôi sẵn sàng đi vào vùng dịch với một niềm tin cháy bỏng đó là phòng chống các dịch bệnh hiệu quả, đem lại sức khỏe, bình yên cho người dân. Niềm tin đó luôn được tiếp lửa bởi phía sau chúng tôi có lãnh đạo đơn vị, đồng nghiệp và gia đình chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành”, anh chia sẻ.

Bác sĩ vùng cao học và làm theo Bác

Năm 2022, BS. Phan Hồng Quân – Phó Bí thư chi bộ Trạm Y tế Sơn Kim 1, (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có những thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là sự ghi nhận và là niềm động viên, khích lệ rất lớn để mỗi cán bộ, nhân viên ngành y tế luôn cố gắng nỗ lực “tận hiến” vì sức khỏe nhân dân.

Sự hi sinh thầm lặng của những "chiến sĩ áo trắng" - Ảnh 3.

BS. Phan Hồng Quân kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân.

BS. Phan Hồng Quân (SN 1983, tại xã Sơn Diệm (nay là Quang Diệm), huyện Hương Sơn). Hơn 10 năm gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biên giới Hà Tĩnh anh thấu cảm với những vất vả của người dân khi phải đi xa để khám chữa bệnh. Bác sĩ Quân cùng đội ngũ cán bộ trạm Y tế Sơn Kim 1 đã luôn tích cực học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn; thực hiện tốt lời căn dặn của Bác “Lương y như từ mẫu”, tận tình chăm sóc người bệnh.

Với sự nỗ lực của bác sĩ Quân cùng tập thể cán bộ trạm, xã Sơn Kim 1 đã đi đầu triển khai việc quản lý điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường cho người dân tại trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình.

Hiện trạm đang quản lý, điều trị gần 700 bệnh nhân với kết quả tốt. BS. Quân cũng phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo tổ chức cai nghiện tại cộng đồng cho các đối tượng nghiện ma túy và HIV; tham gia tích cực xây dựng trạm Sơn Kim 1 thành 1 trong 26 trạm điểm của toàn quốc.

Trong hơn 2 năm phòng chống dịch bệnh COVID-19, bác sĩ Quân đã chủ động tham mưu với ban chỉ đạo phòng chống dịch xã và triển khai đồng bộ, kịp thời các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn. Trong những đợt cao điểm dịch, bản thân anh đã xung phong tham gia công tác phòng chống dịch tại Khu cách ly Kim Hoa của huyện Hương Sơn, thực hiện khám và chăm sóc điều trị cho 600 lượt công dân từ vùng dịch về trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Tham gia trực tiếp, khám điều trị cho bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 tại bệnh viện dã chiến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Trực tiếp khám, điều trị cho gần 100 bệnh nhân COVID-19 vừa và nặng của các huyện thị trên địa bàn tỉnh gửi về...

Nhiệt tình, trách nhiệm, ở vai trò nào bác sĩ Quân cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp và nhân dân tin tưởng, yêu mến, cảm phục.

23 năm công tác, 28 lần hiến máu cứu người bệnh

Trong 23 năm công tác, chị Võ Thị Vân (SN1978, điều dưỡng Trung tâm Y tế thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) đã 28 lần hiến máu cứu người bệnh. Việc hiến máu cứu người bệnh đối với chị đơn giản là vì “chỉ mong giọt máu của mình tiếp sức cho người bệnh qua cơn hiểm nghèo”.

Do thuộc nhóm máu O, lại làm ở khoa khám bệnh, thường xuyên phải trực và cấp cứu người bệnh, mỗi khi có bệnh nhân vào cấp cứu, cần truyền máu mà kho máu của bệnh viện hết hoặc người nhà không có là chị sẵn sàng hiến máu. Chị đã âm thầm cứu mạng nhiều người bệnh. Đối với chị việc hiến máu là việc làm hết sức bình thường vì không riêng chị, các đồng nghiệp của chị cũng đều sẵn sàng hiến máu khi người bệnh cần. “Đó là việc làm bình thường, chúng tôi sẵn sàng hiến máu khi người bệnh cần”, chị chia sẻ.

Sự hi sinh thầm lặng của những "chiến sĩ áo trắng" - Ảnh 4.

Điều dưỡng Võ Thị Vân trong một lần hiến máu cứu người bệnh.

Điều đặc biệt là trong 28 lần hiến máu cứu sống người bệnh lúc nguy cấp thì phần lớn chị hiến cho các sản phụ. "Hiến máu cứu người thì hiến cho ai cũng quan trọng cả, tuy nhiên nếu giúp được các sản phụ trong lúc nguy kịch thì mình càng vui hơn. Bởi những giọt máu của mình đã giúp mẹ tròn, con vuông, ý nghĩa vô cùng", chị Vân tâm sự.

Với chị Vân, việc hiến máu đã trở thành thói quen, là việc làm bình thường và chị sẵn sàng hiến máu mỗi khi bệnh nhân cần.

Những việc làm, hành động của các "chiến sĩ áo trắng" đều xuất phát từ điều giản dị đó là tình thương, trách nhiệm với người bệnh và lòng yêu nghề. Đây cũng chính là tinh thần chung của đội ngũ cán bộ ngành y tế, họ luôn bền bỉ phấn đấu, rèn luyện, tận hiến vì sức khỏe nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái: Dù còn khó khăn cần dành nguồn lực tốt nhất cho y tếBí thư Tỉnh ủy Yên Bái: Dù còn khó khăn cần dành nguồn lực tốt nhất cho y tế

SKĐS - Ông Đỗ Đức Duy, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho rằng, là tỉnh còn vô vàn khó khăn, Yên Bái luôn dành những nguồn lực tốt nhất cho ngành Y tế. Vì đầu tư cho y tế là cho đầu tư cho con người.


Thu Hòa - Nguyễn Sơn
Ý kiến của bạn