Những bông hoa áo trắng nỗ lực vì người bệnh

19-10-2020 08:55 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đại hội Thi đua yêu nước ngành y tế lần thứ VII diễn ra ngày 19/10 tại Hà Nội với sự tham dự của 450 đại biểu tiêu biểu, xuất sắc, đại diện cho các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, các điển hình tiên tiến, lãnh đạo cơ quan, đơn vị của ngành y tế trên mọi miền Tổ quốc trong những năm qua. Báo SK&ĐS trích đăng về một số tập thể, cá nhân tiêu biểu...

Viện Vệ sinh dịch tễ TW:

Chung tay cùng toàn ngành y tế phòng chống dịch COVID-19

Cán bộ nghiên cứu Phòng Thí nghiệm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Cán bộ nghiên cứu Phòng Thí nghiệm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Ngày 22/1/2020 (tức 28/12 âm lịch), khi ca nghi nhiễm COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại BV Bệnh nhiệt đới TW, ngay lập tức, đội cơ động phòng chống dịch 24/24h của Viện Vệ sinh dịch tễ TW đã có mặt để điều tra, thu thập mẫu bệnh phẩm, xác minh thông tin, lập danh sách người tiếp xúc, thông tin cho địa phương cũng như báo cáo cho Cục Y tế dự phòng và Bộ Y tế. Liên tục những ngày sau đó, toàn viện căng mình chống dịch. Các cán bộ trực tiếp tham gia phòng chống dịch của viện gần như không có Tết, không có ngày nghỉ, nhiều cán bộ cả tháng không về nhà, bám trụ tại cơ quan.

Ngày 7/2/2020 là ngày đánh dấu cho một sự kiện quan trọng khi Viện Vệ sinh dịch tễ TW đã nhanh chóng phân lập thành công SARS-CoV-2, đưa Việt Nam là một trong 4 nước đầu tiên trên thế giới phân lập được virus này. Kết quả phân lập giúp các nhà khoa học Việt Nam chủ động phân tích được bộ gene của virus với độ chính xác cao cũng như nghiên cứu về độc lực, cơ chế gây bệnh, tính sinh miễn dịch của SARS-CoV-2, giúp cho việc dự báo và điều trị bệnh trên lâm sàng. Việc phân lập được virus cũng là tiền đề tiên quyết để phát triển các sinh phẩm chẩn đoán cũng như vắc-xin phòng bệnh sau này.

Bên cạnh đó, viện đã nhanh chóng phối hợp với các nhà khoa học Trường đại học Nagasaki, Nhật Bản nghiên cứu chế tạo thành công bộ kít ELISA chẩn đoán kháng thể IgM và IgG kháng SARS-CoV-2. Bộ kít này đã được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành và đang tổ chức sản xuất hàng loạt, giúp cho nước ta chủ động nguồn sinh phẩm trong chẩn đoán cũng như chống dịch, đồng thời có tiềm năng xuất khẩu, hỗ trợ quốc tế khi cần thiết, góp phần nâng cao vị thế, ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế.

Viện đã phối hợp với Cục Y tế dự phòng, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 và các CDC tuyến tỉnh, thành phố thực hiện tập huấn xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 và đánh giá các phòng xét nghiệm thuộc khu vực phía Bắc, giúp các địa phương chủ động xét nghiệm, đồng thời góp phần giảm tải về xét nghiệm cho các đơn vị tuyến TW.

Ngoài những hoạt động trực tiếp tại ổ dịch, các cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ TW còn trực tiếp tổ chức điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm cho hơn 6.000 ca bệnh nghi ngờ và người tiếp xúc gần tại 10 BV tuyến TW, các tỉnh/thành phố khu vực miền Bắc và một số tỉnh trọng điểm khác. Các cán bộ của Viện đã cùng triển khai truy vết, điều tra dịch tễ các ca bệnh nghi ngờ, người tiếp xúc, trên 10.000 hành khách có mặt trên 72 chuyến bay quốc tế và nội địa có ca bệnh dương tính được phát hiện. Viện đã thực hiện xét nghiệm vài chục nghìn mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2 tại 28 tỉnh/thành phố miền Bắc.

Bệnh viện Chợ Rẫy:

Những đóng góp nổi bật trong công tác khám, chữa bệnh

Các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc sức khỏe cho nam phi công người Anh - bệnh nhân 91.

Các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc sức khỏe cho nam phi công người Anh - bệnh nhân 91.

Trong những năm qua, với vai trò là BV chuyên đa khoa hạng đặc biệt, thuộc tuyến cuối chuyên môn kỹ thuật ở khu vực phía Nam, cũng là một trong những trung tâm y học chuyên sâu lớn nhất khu vực phía Nam và trong cả nước, trung bình mỗi ngày các thầy thuốc của BV Chợ Rẫy đã cấp cứu cho hơn 300 người bệnh cấp cứu, khám chữa bệnh trung bình gần 6.000 người bệnh ngoại trú/ngày, trung bình 3.000 người bệnh nội trú/ngày; thực hiện hơn 45.000 phẫu thuật/năm; thực hiện ghép tạng 826 ca thận, 4 ca tim, 24 ca gan, 87 ca tủy, 13 ca giác mạc...

BV Chợ Rẫy cũng đã thực hiện chuyển giao 25 gói kỹ thuật thuộc 4 chuyên khoa cho 24 tỉnh, thành phố phía Nam; 34 gói kỹ thuật thuộc 9 chuyên khoa cho 20 BV vệ tinh; thực hiện 3 đề án nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, 10 đề tài cấp Bộ và tương đương, 1.500 đề tài cấp cơ sở. Những thành tựu về khám chữa bệnh, nghiên cứu của BV đã được giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” năm 2017 và 2019.

Tại BV Chợ Rẫy, chương trình hành động thi đua yêu nước, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được lồng ghép, gắn liền vào mọi hoạt động của BV, mọi việc làm của cán bộ nhân viên trở thành tiêu chí phấn đấu và đánh giá kết quả định kỳ đối với tập thể và cá nhân. Kết quả đánh giá hài lòng năm 2019 do Bộ Y tế thực hiện đối với người bệnh nội trú là 99,78%; ngoại trú là 93,33%.

Đặc biệt, vào đầu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, BV Chợ Rẫy đã chủ động, triển khai sớm, đồng bộ các phương án ứng phó dịch bệnh, kịp thời phát hiện, tiếp nhận cách ly và điều trị thành công 2 ca đầu tiên nhiễm COVID-19 với bệnh nền phức tạp và được xuất viện khỏe mạnh. Đồng thời, tham gia phối hợp với BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ngay từ đầu và sau đó trực tiếp điều trị thành công bệnh nhân mắc COVID-19 số 91 (người Anh) xuất viện về nước, và hỗ trợ chống dịch tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Bạc Liêu... Đến tháng 7/2020, xuất hiện ổ dịch tại Đà Nẵng và một vài địa phương của miền Trung, BV Chợ Rẫy đã khẩn trương lập 7 Đội phản ứng nhanh đến các địa phương này tham gia chống dịch; đồng thời hỗ trợ máy thận nhân tạo, máy ECMO, máy xét nghiệm và nhiều thuốc thiết yếu...

BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW:

Người chỉ huy khoa “tuyến đầu” trực tiếp đối mặt với virus gây COVID-19

BSCKII. Nguyễn Trung Cấp theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân thở máy tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW. Ảnh: Minh Quyết

BSCKII. Nguyễn Trung Cấp theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân thở máy tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW. Ảnh: Minh Quyết

Với vai trò là Trưởng khoa Cấp cứu - BV Bệnh Nhiệt đới TW, đơn vị trực tiếp tiếp nhận, sàng lọc, khám cấp cứu và điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tại BV, BS. Nguyễn Trung Cấp luôn phát huy tinh thần xung kích, đi đầu trong phòng chống dịch COVID-19. Ngay từ những ngày tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 đầu tiên, BS. Cấp cùng với nhân viên Khoa Cấp cứu đã lên kế hoạch, xây dựng nhân sự, vật tư trang thiết bị, tiến hành triển khai tiếp nhận, sàng lọc, chăm sóc và điều trị bệnh nhân; nắm bắt thông tin, thu thập tài liệu soạn thảo những chuyên đề sinh hoạt khoa học và đào tạo trong nội bộ khoa về Coronavirus...

BS. Cấp cùng với nhân viên Khoa Cấp cứu triển khai thành công các kỹ thuật cao để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng như: Thở máy nâng cao, lọc máu hấp phụ phân tử (lọc Cytokin), hỗ trợ hô hấp ngoài cơ thể (ECMO)... kết quả 10/10 bệnh nhân COVID-19 nặng đã bình phục, một số bệnh nhân đã khỏi và ra viện, hiện còn không bệnh nhân còn nằm tại đơn vị chăm sóc tích cực nhưng tình trạng đã qua cơn nguy kịch. Đồng thời BS. Cấp cũng đã trực tiếp tham gia thực hiện các kỹ thuật khó, nguy hiểm như đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu, thở oxy lưu lượng cao cho các bệnh nhân nặng.

Không chỉ dành thời gian cho công tác chuyên môn, BS. Cấp còn tích cực triển khai các nghiên cứu khoa học về bệnh do SARS-CoV-2 gây ra. Đồng thời BS. Cấp cũng tham gia Hội đồng chuyên môn của Bộ để thực hiện các chỉnh sửa bổ sung cho hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 của Bộ Y tế.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn