Hà Nội

Những bỡ ngỡ ban đầu cần sự sẻ chia

20-01-2016 07:49 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Một bé gái bắt đầu có kinh nguyệt lúc 11 hoặc 12 tuổi. Một vài bé có thể có kinh sớm hơn, lúc 9 hoặc 10 tuổi. Tuổi có kinh ngày càng sớm...

Một bé gái bắt đầu có kinh nguyệt lúc 11 hoặc 12 tuổi. Một vài bé có thể có kinh sớm hơn, lúc 9 hoặc 10 tuổi. Tuổi có kinh ngày càng sớm, khiến bé đầy bỡ ngỡ. Dấu hiệu dậy thì khiến một cô bé chính thức trở thành người phụ nữ về mặt sinh học thường được đo bằng hiện tượng kinh nguyệt lần đầu bất ngờ, khiến bé lo sợ, bối rối và ngượng ngùng với các bạn, bé cũng trầm tính hơn. Kèm theo đó là hàng loạt thay đổi, tò mò hơn về cơ thể, ngực to hơn và mặt bắt đầu có mụn. Thậm chí một số trường hợp còn không dám đến trường chỉ vì thấy mụn trứng cá mọc đầy trên mặt. Bé cũng bắt đầu nhiều âu lo vô cớ về việc thay đổi trong cơ thể mình và đôi khi chỉ muốn ở một mình thường xuyên hơn. Có bé tâm sự những lo lắng đó với mẹ. Có bé không tâm sự với ai, tự mình loay hoay với những suy nghĩ mông lung tuổi mới lớn. Lúc này bé rất cần sự chia sẻ của người lớn về những kiến thức giới tính để bé vượt qua bỡ ngỡ ban đầu.

Cha mẹ cần giúp bé vượt qua những bỡ ngỡ tuổi dậy thì bằng việc trang bị cho con kiến thức về sức khỏe sinh sản ngay từ khi còn nhỏ. Cần giúp trẻ hiểu về sự thay đổi cơ thể theo từng lứa tuổi. Những thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì. Đối với bé gái, người mẹ nên nói chuyện với con về kinh nguyệt trước khi bé bước vào tuổi dậy thì, để khi gặp, bé không bị hoang mang, lo lắng, thậm chí có trường hợp còn bị stress. Phải hướng dẫn trẻ cách giữ vệ sinh hằng ngày trong những ngày có kinh. Ngoài ra, các bà mẹ cần giáo dục giới tính để trẻ biết cách tránh bị lạm dụng tình dục và mang thai ngoài ý muốn.

Hiện tượng kinh nguyệt cũng khiến sức khỏe của bé có nhiều thay đổi. Có bé mệt mỏi nhiều hơn, có bé xanh xao hơn. Nếu bé nào kinh nguyệt qua nhiều còn có thể bị thiếu máu nhược sắc do mất nhiều chất sắt trong kinh nguyệt. Vì vậy, các mẹ cũng cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho bé nhé. Thời kỳ dậy thì cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng nhất là protein bởi vì sự phát triển cơ thể bao gồm cả một hệ thống: sinh sản tế bào, tăng trưởng các tổ chức kích thích tố, kháng thể... nghĩa là phải có đủ thịt, cá, trứng, sữa... với lượng nhiều hơn lứa tuổi trước đây. Bé cũng cần tăng cường rau xanh và trái cây để được nạp đủ vi chất và khoáng chất cho cơ thể phát triển đầy đủ, cân đối.


Thu Hồng
Ý kiến của bạn
Tags: