Viêm ruột thừa là một bệnh hay gặp trong cộng đồng, lứa tuổi nào cũng có thể gặp bệnh này. Bệnh nếu không phát hiện sớm để điều trị rất dễ gây những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.
Ruột thừa là gì?
Ruột thừa là một thành phần bên trong cơ thể, dài từ 3 - 13cm. Ruột thừa do phần đầu của manh tràng bị thoái hóa, dính với phần đầu manh tràng của ruột già, cách phía dưới góc hồi manh tràng (góc tạo bởi manh tràng, hồi tràng của ruột non) khoảng 2 - 3cm. Ruột thừa có gốc tại điểm hội tụ của 3 dải cơ dọc trên ruột già là điểm giữa của đoạn thẳng nối từ gai chậu trước trên và rốn (1/3 ngoài và 2/3 trong).
Theo những nghiên cứu gần đây của 2 nhà khoa học William Parker và Randal Bollinger thuộc trường Đại học Duke (North Carolina, Hoa Kỳ) cho thấy ruột thừa có vai trò nhất định, thậm chí rất quan trọng trong hệ tiêu hóa. Bởi vì, trong hệ thống ống tiêu hóa, có nhóm vi khuẩn có lợi sống cộng sinh và đóng vai trò thiết yếu trong việc lên men thức ăn, tổng hợp vitamin... và theo quan sát, nhận thấy rằng số lượng vi khuẩn này sẽ giảm dần từ ruột thừa trở đi.
Như vậy, ruột thừa là nguồn dự trữ vi khuẩn có ích cho tiêu hóa. Đặc biệt, trong trường hợp tiêu chảy nặng và sử dụng kháng sinh, hệ tiêu hóa bị “thất thoát” một lượng lớn vi khuẩn có ích, sự “chi viện” từ ruột thừa là vô cùng cần thiết để lập lại hệ vi khuẩn đường ruột, tránh các vi khuẩn gây hại lợi dụng xâm nhập. Thành của ruột thừa chứa mô bạch huyết, là một phần của hệ miễn dịch sản xuất kháng thể.
Tại sao ruột thừa bị viêm?
Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm do lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng bị tắc nghẽn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng viêm ruột thừa là do lòng ruột thừa tích tụ quá nhiều chất nhầy hoặc do phân từ manh tràng đi vào ruột thừa. Sau một thời gian, chất nhầy và phân trở nên cứng, rắn và gây ra hiện tượng bít tắt lỗ thông gây viêm cấp. Phân cứng như đá nằm trong lòng ruột thừa người ta gọi là “sỏi phân” (phân có kích thước bằng hạt đậu, cứng và bị canxi hóa gây tắc nghẽn lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng).
Viêm ruột thừa là một bệnh thường gặp trong cộng đồng, tuy chẩn đoán không gặp nhiều rắc rối như một số bệnh cấp tính khác (các triệu chứng thường điển hình) nhưng với trẻ em, người già đôi khi bệnh biểu hiện không điển hình (trẻ em trước tiên thường đau thượng vị, quanh rốn sau đó mới đau hố chậu phải, còn người có tuổi phản xạ kém nên đôi khi đau bụng không rõ ràng). Với phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, đau hố chậu phải còn do bệnh của buồng trứng (u nang, nhất là u nang buồng trứng xoắn, vỡ) hoặc chửa ngoài dạ con. Vì vậy, mọi lứa tuổi khi nghi có dấu hiệu viêm ruột thừa cần nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất để khám, nếu đúng viêm ruột thừa sẽ được xử trí ngay tránh để xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Viêm ruột thừa còn có thể do hiện tượng mô bạch huyết của ruột thừa bị phù và làm tắc nghẽn ruột thừa. Sau khi hiện tượng tắc nghẽn xảy ra, các vi khuẩn bình thường cư trú trong lòng ruột thừa bắt đầu xâm lấn vào thành ruột thừa. Cơ thể đáp ứng với hiện tượng xâm lấn này bằng cách tấn công các vi khuẩn. Hiện tượng tấn công các vi khuẩn đó được gọi là viêm. Nhiều trường hợp viêm ruột thừa do giun ở đường ruột chui vào (giun kim, giun đũa…). Giun chui vào ruột thừa mang theo vô số vi khuẩn đường ruột và gây viêm cấp. Hiện tượng viêm ruột thừa cấp rất dễ lan rộng từ lòng đến thành ruột thừa và rất dễ bị vỡ (thủng ruột thừa). Nếu khi ruột thừa vỡ vi khuẩn sẽ nhanh chóng phát triển lan rộng gây nhiễm trùng cấp toàn ổ bụng trong đó đáng sợ nhất là viêm phúc mạc toàn bộ (màng bụng). Đa số các trường hợp viêm ruột thừa thường khu trú ở một vùng nhỏ xung quanh ruột thừa được gọi là ápxe quanh ruột thừa. Một số trường hợp khi bị bệnh viêm ruột thừa được sử dụng kháng sinh ngay từ đầu bởi nhiều lý do khác nhau (không biết là viêm ruột thừa, nghi ngờ nhưng chưa thể đến bệnh viên ngay được vì đường sá xa xôi, do chủ quan xem thường…) cho nên hiện tượng viêm chưa lan rộng vào ổ bụng hoặc bị vỡ nhưng được các cơ quan xung quanh bao bọc, nhất là phúc mạc có thể trở thành đám quánh ruột thừa, về sau đi khám bệnh mới phát hiện đã bị viêm ruột thừa và sẽ được xử trí đám quánh để tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Những biến chứng nguy hiểm
Thường hay gặp nhất là viêm phúc mạc toàn bộ do ruột thừa viêm và bị vỡ (thủng), người bệnh sẽ có hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc (sốt cao, rét run, mạch nhanh, huyết áp tụt, bí trung đại tiện, chướng bụng do liệt ruột, phản ứng thành bụng rất điển hình (sờ vào vị trí nào của bụng cũng đau). Đây là biến chứng nặng nhất nếu không phát hiện sớm và không cấp cứu kịp thời tính mạng người bệnh sẽ bị đe dọa do nhiễm trùng nhiễm độc. Tại thời điểm trước 36 giờ kể từ khi các triệu chứng đầu tiên (đau bụng hố chậu phải, sốt nhẹ, buồn nôn, nôn…) xuất hiện thì nguy cơ thủng ruột thừa thấp nhất là 15%. Do đó, một khi chẩn đoán là viêm ruột thừa nên phẫu thuật, tránh những trì hoãn không cần thiết. Tuy vậy, nếu sức đề kháng tốt và sự kết dính của quai ruột và mạc treo tốt có thể trở thành đám quánh ruột thừa. Trường hợp này, sốt và đau có thể giảm và hố chậu phải sẽ xuất hiện một khối chắc, không di động, ấn đau ít. Nếu xét nghiệm máu có thể thấy bạch cầu không tăng cao như lúc ban đầu, thậm chí bình thường. Đám quánh cũng có thể tiến triển theo hai hướng hoặc tan dần hoặc tạo thành ápxe ruột thừa.
Nếu ruột thừa viêm và bị vỡ nhưng chưa tràn vào ổ bụng nhờ mạc nối và các quai ruột bao bọc xung quanh làm thành hàng rào khu trú vùng viêm không lan ra ổ bụng tạo thành khối ápxe ruột thừa. Lúc này người bệnh vẫn đau hố chậu phải và sốt cao hoặc rất cao, nếu xét nghiệm bạch cầu sẽ tăng cao. Trường hợp này không được xử trí đúng, ápxe có thể vỡ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc giống như trường hợp vừa trình bày ở phân trên, sẽ đỡ nguy hiểm hơn nếu ápxe vỡ ra ngoài.