Những biến chứng nguy hiểm do giun lươn

01-08-2012 07:32 | Phòng mạch online
google news

Giun lươn là một loại giun tròn nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa ở người vì chúng có thể tự nhân lên trong cơ thể (do quá trình tự nhiễm).

(SKDS) - Giun lươn là một loại giun tròn nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa ở người vì chúng có thể tự nhân lên trong cơ thể (do quá trình tự nhiễm). Ở nước ta, tỷ lệ nhiễm giun lươn và tái nhiễm khá cao. Điều đáng chú ý là khi nhiễm bệnh, giun lươn tồn tại rất lâu trong cơ thể và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí có thể đe dọa tính mạng người bệnh trong khi đó việc điều trị còn nhiều hạn chế.

Nhiễm giun lươn ngày càng tăng trong cộng đồng

Ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm giun lươn khoảng 1 - 2% dân số, được xếp vào vùng nội dịch của giun lươn, tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam và một số tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Theo nghiên cứu của nhóm các cán bộ tại Khoa Nội - Tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115 trong năm 2004 - 2005 có ghi nhận rằng trong nhóm những người bị rối loạn tiêu hóa kéo dài hay tái đi tái lại có đến 82% bị nhiễm giun lươn. Qua phân tích số bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, một nhóm bác sĩ của bệnh viện này và Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh nhận thấy, nếu trong năm 2002 chỉ có 40 ca nhiễm giun lươn được phát hiện, thì trong năm 2003 có đến 80 ca, tăng gấp 2 lần, chứng tỏ số người nhiễm giun lươn trong cộng đồng là rất cao.

 Giun lươn.

Giun lươn xâm nhập cơ thể như thế nào? 

Ấu trùng giun lươn xâm nhập cơ thể bằng cách chui qua da, sau đó theo đường tĩnh mạch về tim, qua phổi, tới khí quản. Sau đó, nó tới hầu rồi chuyển sang thực quản, xuống ruột để trở thành giun trưởng thành. Giun trưởng thành ký sinh ở niêm mạc ruột, sau khi giao hợp sẽ đẻ trứng. Trứng nhanh chóng phát triển thành ấu trùng dạng tự do và bị đào thải ra ngoài. Ở môi trường bên ngoài, một số ấu trùng tiếp tục phát triển thành giun trưởng thành, ăn vi khuẩn, các chất hữu cơ trong đất, giao hợp, đẻ trứng tạo thế hệ mới. Một số ấu trùng khác xâm nhập cơ thể người và gây bệnh. Bệnh giun lươn thường khó xác định vì nó hay phối hợp với các ký sinh trùng đường ruột khác, gây nên những triệu chứng lâm sàng có tính chất pha trộn. Nhiều trường hợp nhiễm giun lươn mà không có triệu chứng lâm sàng.

Biểu hiện khi nhiễm giun lươn

Bệnh giun lươn được chia thành 2 dạng:

Dạng mạn tính, không biến chứng: gặp ở người bình thường, không suy giảm miễn dịch. Bệnh nhân hầu như không có triệu chứng. Các biểu hiện có thể gặp gồm:

Ở da: có những đường ngoằn ngoèo (thường là ngang thắt lưng, quanh hậu môn) do ấu trùng di chuyển. Các vết bầm máu (kích thước khoảng 3 - 4cm) rải rác ở các chi, thân mình và nổi mề đay.

 Giun lươn ký sinh dưới da.

Đường tiêu hóa: đau bụng, tiêu chảy, ngứa hậu môn, sụt cân nhẹ.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể ho, viêm phổi (Xquang phổi có vùng thâm nhiễm), viêm đa khớp, đau cơ. Có trường hợp tìm thấy ấu trùng giai đoạn 1 trong nước tiểu.

Dạng nặng, có biến chứng: gặp ở người bị suy giảm miễn dịch. Mức độ bệnh tùy thuộc mật độ nhiễm và cơ quan bị ký sinh, bệnh nhân có kèm nhiễm khuẩn phụ hay không. Ký sinh trùng có thể tàn phá cơ thể, gây tắc ruột, viêm phổi, viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết. Tùy theo vị trí ký sinh của ấu trùng trong cơ thể, bệnh nhân sẽ có những hiểu hiện lâm sàng khác nhau ở những cơ quan tương ứng. Do vậy, việc chẩn đoán phải dựa vào xét nghiệm huyết thanh miễn dịch học.

Dự phòng nhiễm giun lươn do chính bản thân mỗi người

Để chẩn đoán nhiễm giun lươn hiện nay có nhiều phương pháp như tìm giun lươn trong phân và dịch cơ thể, test trong da, xét nghiệm máu, đặc biệt là phương pháp huyết thanh miễn dịch. Bệnh được điều trị bằng thuốc đặc trị bao gồm thiabendazole, mebendazole, albendazole. Để phòng nhiễm giun lươn, bản thân mỗi người và cộng đồng cần có những biện pháp vệ sinh môi trường; quản lý tốt phân, nước, rác; vệ sinh cá nhân, không phóng uế bừa bãi; có biện pháp phòng hộ trong lao động và trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt những người thường tiếp xúc với đất (nên mang găng tay, đi giày dép, đi ủng); người có những biểu hiện nghi ngờ bị nhiễm giun lươn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được xét nghiệm xác định bệnh, chữa trị càng sớm càng tốt; nâng cao sức đề kháng cơ thể, ăn nhiều rau, trái cây tươi, luyện tập thể dục thể thao hàng ngày... để tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, tránh tình trạng miễn dịch suy yếu làm bùng phát bệnh giun lươn.

Một số biến chứng nguy hiểm

Trong quá trình phát sinh và phát triển, ấu trùng giun lươn đã di chuyển có khi lạc chỗ hoặc không lạc chỗ, chính vì vậy giun lươn đã gây ra nhiều biến chứng ở các cơ quan khác nhau:

Trên hệ thần kinh: ấu trùng giun lươn có thể phát triển trong lòng ruột, sau đó xuyên qua thành ruột, theo máu đi thẳng lên hệ thống thần kinh trung ương gây viêm não, màng não, áp-xe não và xuất huyết, khiến cho nhiều thấy thuốc lâm sàng chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý viêm màng não do virus, vi khuẩn, lao, nấm...

Trên hệ hô hấp: ngoài biến chứng ở hệ thần kinh, giun lươn còn có thể gây ra viêm phổi, áp-xe phổi.

Nhiễm khuẩn huyết: do kéo theo hoặc đồng nhiễm với các loại vi khuẩn.

Trên hệ tiêu hóa: tắc nghẽn đường mật do giun lươn dẫn đến hậu quả hẹp papillary, điều này được giải quyết sau khi điều trị bằng thiabendazole. Người ta nghĩ rằng hậu quả của tắc mật sẽ gây nên vàng da do nhiễm loài giun này và kết luận giun lươn là một trong những nguyên nhân làm hẹp các nhú.

PGS.TS. Triệu Nguyên Trung


Ý kiến của bạn