Những biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết

10-10-2019 05:58 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bệnh sốt xuất huyết Dengue đang tiếp tục bùng phát mạnh ở tỉnh Kon Tum và đã có một trường hợp tử vong. Như vậy, đây là địa phương thứ ba, sau Gia Lai và Đắk Lắk có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết Dengue.

Theo Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum, trường hợp tử vong được xác định là Nguyễn Nhật H (12 tuổi, trú tại thành phố Kon Tum). Bệnh nhân có dấu hiệu sốt, mệt mỏi vào ngày 19/9/2019.

Sau đó, người nhà đã đưa bệnh nhân đi khám lần lượt tại phòng khám tư nhân, Bệnh viện Quân Y 24, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai.

Đến ngày 27/9/2019 bệnh nhân tử vong, chẩn đoán do sốt xuất huyết Dengue nặng ngày thứ 7 có sốc/tổn thương gan.

Theo thống kê đến hết ngày 7/10, toàn tỉnh Kon Tum có 442 ổ dịch sốt xuất huyết xảy ra ở 10/10 huyện, thành phố với tổng số hơn 1200 ca mắc sốt xuất huyết. Thành phố Kon Tum có số người mắc sốt xuất huyết nhiều nhất với 647 ca, trong đó có 1 ca tử vong.
Đại diện lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum cho biết, công tác phòng chống sốt xuất huyết của địa phương đang gặp nhiều khó khăn, bởi hiện nay tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tăng lên do thời tiết mưa nắng thất thường, rất thuận lợi cho muỗi phát triển.

Bên cạnh đó, một số hộ gia đình vẫn còn nhiều ổ bọ gậy; người dân chưa tự giác trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh, ngành Y tế tỉnh Kon Tum phối hợp với chính quyền các địa phương đã tổ chức trên 6.200 lượt dọn vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng bọ gậy; đa dạng các hình thức truyền thông đến từng hộ gia đình…

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết

Các chuyên gia cho biết, với SXH, sau khi bị muỗi đốt, người bệnh thường có biểu hiện sốt cao 3-4 ngày đầu kèm đau mỏi khắp người thì sẽ lui sốt. Nhưng chính giai đoạn lui sốt này xuất hiện các biến chứng hạ tiểu cầu hoặc cô đặc máu và thiếu thể tích tuần hoàn gây tụt huyết áp, sốc… Cho nên người dân không nên chủ quan và cần đặc biệt lưu ý giai đoạn nguy hiểm này (từ ngày thứ 4-7), bằng cách đi khám và xét nghiệm máu hằng ngày, xác định nguy cơ hạ tiểu cầu và cô đặc máu.

Nếu bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện đe dọa như li bì (ở trẻ nhỏ), mệt mỏi, buồn nôn hoặc xuất hiện chảy máu cam, chảy máu chân răng, kinh nguyệt kéo dài, nên đến BV ngay để kịp thời điều trị vì có thể diễn tiến nặng trong 1 vài giờ tới.

Biến chứng nguy hiểm SXH là sốc do giảm thể tích máu lưu hành hoặc xuất huyết do giảm tiểu cầu đặc biệt là xuất huyết não, xuất huyết nội tạng, nguy cơ gây tử vong rất cao.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, do đó người bệnh khi có những dấu hiệu trên cần phải tới khám ngay và bản thân người thầy thuốc cần phải tỉ mỉ khi thăm khám và cần phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh đồng thời có kế hoạch xử trí thích hợp.



Nguyễn Minh
Ý kiến của bạn