Hà Nội

Những biến chứng của viêm họng cấp tính mùa lạnh

28-01-2024 08:57 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Viêm họng cấp hay gặp vào mùa lạnh, nếu không được điều trị sớm có thể biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, cần phát hiện sớm và điều trị đúng để tránh biến chứng.

Bệnh viêm họng là tình trạng mà cổ họng và hầu bị viêm do vi khuẩn hoặc virus gây ra, khiến cho cổ họng đau rát, khó chịu. Viêm họng dạng cấp tính có thời gian bộc phát nhanh chỉ trong khoảng thời gian ngắn trong năm, đặc biệt là thời điểm chuyển mùa khi thời tiết thay đổi thất thường hoặc lạnh giá.

Viêm họng cấp là bệnh rất phổ biến và hầu như ai cũng đã từng mắc phải, thậm chí có người bệnh đã trở thành mạn tính, gây khó khăn cho quá trình điều trị.

Bệnh được thể hiện dưới 3 cấp độ: viêm họng đỏ, viêm họng có giả mạc, viêm họng loét. Tùy vào từng dạng mà bệnh sẽ có những biểu hiện và triệu chứng khác nhau. Người bệnh cần chú ý quan sát theo dõi các triệu chứng để từ đó kịp thời phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả.

Mùa lạnh cảnh giác những biến chứng của viêm họng cấp tính- Ảnh 1.

Viêm họng dạng cấp tính có thời gian bộc phát nhanh

Nguyên nhân gây bệnh viêm họng cấp

Viêm họng cấp xuất hiện ở người viêm amidan, viêm họng VA... do vi khuẩn liên cầu, phế cầu hoặc một số loại vi khuẩn khác khu trú sẵn trong họng. Virus cảm cúm, sởi cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm họng cấp. Bệnh thường xuất hiện sau khi tắm ở nơi có gió lùa, tắm không lau khô người mà mặc quần áo ngay.

Viêm họng còn do nguyên nhân từ vi khuẩn trong đó hay gặp liên cầu khuẩn (streptococcus). Liên cầu nhóm A là nhóm vi khuẩn thường gặp nhất, chúng thường gây viêm amidan mủ, sốt cao, hạch sưng to. Có thể có các biến chứng như: thấp tim, gây ra các bệnh về van tim do thấp về sau này.

Viêm họng còn do vi khuẩn bạch hầu, là nhóm vi khuẩn phổ biến nhất trong quá khứ, gây viêm họng rất nguy hiểm vì có thể tạo ra các giả mạc trắng làm tắc nghẽn đường thở gây suy hô hấp của trẻ. Trong một thời gian dài bệnh bạch hầu đã bị đẩy lùi nhưng gần đây có xu hướng tăng lên khi trẻ không được tiêm phòng vaccine đầy đủ.

Ngoài ra, các nhóm vi khuẩn ít gặp khác Chlammydia, lậu cầu, …cũng gây ra viêm họng cấp. Viêm họng do các tác nhân hóa học (hút thuốc, rượu bia,…), ô nhiễm không khí, khói bụi, dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản.

Mùa lạnh cảnh giác những biến chứng của viêm họng cấp tính- Ảnh 2.

Viêm họng còn do nguyên nhân từ vi khuẩn trong đó hay gặp liên cầu khuẩn (streptococcus

Biểu hiện viêm họng cấp và hệ lụy

Bệnh viêm họng cấp thường xuất hiện bất ngờ với biểu hiện sốt cao từ 39 đến 40 độ C, rát buốt, đau họng khi nuốt. Đầu tiên là cảm giác khô nóng họng sau đó là hiện tượng đau rát tăng dần khi nuốt, nói hoặc ho.

Bệnh nhân có thể bị tắc mũi, chảy nước mũi, khàn giọng hoặc ho khan, amidan viêm to, hạch cổ sưng có khi có bựa trắng như nước cháo phủ ngoài bề mặt.

Nếu để kéo dài từ 7 đến 10 ngày, bệnh viêm họng cấp có thể gây ra các biến chứng như viêm tai, viêm amidan, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản...

Nhiều trường hợp bị viêm họng là do vi khuẩn liên cầu nhóm A, do đó có thể gây ra viêm cầu thận thấp, thấp tim. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể chuyển sang mạn tính và tái phát nhiều lần.

Để phòng ngừa viêm họng cấp

Để phòng viêm họng cấp cần thực hiện các nguyên tắc sau:

- Ở nhiệt độ lạnh rất dễ mắc viêm họng cấp vì vậy, hàng ngày cần ăn thêm nhiều rau xanh, trái cây. Nên tắm bằng nước ấm, trong phòng kín gió, khi tắm xong phải lau khô người trước khi mặc quần áo.

- Cần vệ sinh họng, miệng như đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Nên súc họng bằng nước muối ấm hàng ngày.

– Tránh tiếp xúc quá gần người đang bị các bệnh viêm đường hô hấp trên, khi tiếp xúc cần mang khẩu trang y tế để dự phòng lây nhiễm.

– Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh.

– Bỏ thuốc lá và rượu bia, tránh ăn thức ăn muối, sống, lên men.

– Nâng cao mức sống để tăng sức đề kháng cơ thể, tạo môi trường trong sạch.

– Phòng hộ lao động tốt, chống bụi, chống nóng, vệ sinh răng miệng tốt.

– Điều trị tích cực các bệnh mũi xoang, viêm họng, viêm amidan, viêm VA, bệnh mạn tính.

– Đối với trẻ nhỏ cần giữ ấm vùng hầu họng khi thời tiết trở lạnh, không để trẻ dầm mưa, chơi ngoài nắng, rửa tay thường xuyên với xà phòng, vệ sinh ăn uống, tạo môi trường sống sạch sẽ và thoáng mát cho trẻ.

– Tiêm phòng cảm cúm cho trẻ để tạo miễn dịch chủ động bảo vệ khỏi sự tấn công của virus, vi khuẩn gây bệnh.

Khi bị viêm họng, cần đến ngay cơ sở y tế hoặc các phòng khám chuyên khoa tai mũi họng để kịp thời điều trị ngay từ những ngày đầu, không nên để bệnh diễn tiến vài ba ngày mới đi khám. Và nhất là không nên tự ý mua thuốc điều trị hay đến thầy lang, để tránh những biến chứng nguy hiểm hơn.

Viêm họng ở trẻ em có lây không?Viêm họng ở trẻ em có lây không?

SKĐS - Viêm họng là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là ở trẻ có sức đề kháng kém. Nếu trẻ bị viêm họng tái đi tái lại nhiều lần sẽ khá nguy hiểm, vì có thể dẫn tới viêm họng mạn tính, gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe của trẻ.

BS Nguyễn Văn Tâm
Ý kiến của bạn