Nguyên nhân gây viêm da dị ứng
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm da dị ứng, bệnh xảy ra do sự tương tác phức tạp của các yếu tố môi trường, hệ thống miễn dịch và di truyền.
Sự hoạt động quá mức của hệ thống miễn dịch, đặc biệt là khi da tiếp xúc với các chất kích thích bên ngoài, là nguyên nhân phổ biến gây viêm da dị ứng.
Một số yếu tố gây viêm da phổ biến nhất thường thấy là:
Do ảnh hưởng môi trường
Những yếu tố môi trường bao gồm da tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm (ô nhiễm không khí); Tiếp xúc với khói thuốc lá; Hương liệu và các hợp chất khác trong xà phòng và đồ vệ sinh cá nhân; Da quá khô… là những yếu tố nguy cơ khiến người bệnh mắc viêm da dị ứng.
Giải thích về vấn đề này, các nhà chuyên môn cho rằng các yếu tố môi trường có thể khiến hệ thống miễn dịch thay đổi hàng rào bảo vệ da, khiến nước dễ thoát ra ngoài hơn, dẫn đến viêm da dị ứng.
Lần tiếp xúc đầu tiên thường không gây phát ban dị ứng nhưng theo thời gian da trở nên nhạy cảm hơn. Tiếp xúc sau đó có thể gây phát ban da.
Yếu tố gia đình
Các nghiên cứu cho thấy bệnh viêm da dị ứng có tiền sử gia đình. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh chàm dị ứng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh. điều này cho thấy di truyền có thể đóng một vai trò nào đó.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những thay đổi di truyền kiểm soát một số protein nhất định và giúp cơ thể chúng ta duy trì các lớp da khỏe mạnh. Khi hàm lượng protein này không đạt mức bình thường, hàng rào bảo vệ da bị thay đổi khiến hơi ẩm thoát ra ngoài, khiến hệ thống miễn dịch của da tiếp xúc với môi trường và gây chàm dị ứng. Các nhà nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu gen để hiểu rõ hơn về các đột biến khác nhau dẫn đến chàm dị ứng như thế nào.
Ngoài ra, hệ thống miễn dịch có nhiệm vụ chống lại các mầm bệnh, vi khuẩn và virus xâm nhập. Các nhà khoa học cho rằng hệ thống miễn dịch hoạt động kém và hoạt động quá mức có thể gây viêm da, dẫn đến viêm da dị ứng.
Biểu hiện viêm da dị ứng
Biểu hiện đầu tiên phổ biến nhất của viêm da dị ứng là người bệnh sẽ có biểu hiện là ngứa ngáy và da nổi mẩn đỏ. Tiếp theo da dần xuất hiện các biểu hiện như thô ráp, bong tróc, dễ bị viêm và kích ứng,… Những dấu hiệu này có thể bùng phát nhanh chậm khác nhau ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể nhưng thường tập trung ở vị trí cánh tay, khuỷu tay, mặt sau đầu gối, vùng má hoặc da đầu.
Ngoài ra người bệnh cũng có khả năng gặp phải các triệu chứng khác bao gồm: Xuất hiện các mảng da tối màu hoặc có màu đỏ/ nâu xám; Da nổi mụn nước nhỏ, chảy dịch khi bị vỡ (đây là dấu hiệu nhiễm trùng khi bị viêm da); Các mảng da đóng vảy khô hoặc phồng rộp; Trong trường hợp nghiêm trọng, viêm da diễn biến nặng có thể sinh ra các phản ứng như chán ăn, sốt, mệt mỏi,…
Dựa theo đặc điểm bệnh, có thể phân loại viêm da dị ứng theo các nhóm như: Viêm da dị ứng tiếp xúc; Viêm da dị ứng thời tiết; Viêm da dị ứng tiếp xúc bội nhiễm; Viêm da dị ứng cơ địa...
Bệnh viêm da dị ứng có nguy hiểm không?
Viêm da dị ứng là căn bệnh mạn tính, có nhiều đợt, tái phát nhiều lần. Bệnh tuy không để lại những biến chứng nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Đặc biệt:
Viêm da dị ứng khiến da nóng, ngứa, khô và đóng vảy. Các tổn thương trên da có thể bị nhiễm trùng do gãi hoặc do vệ sinh kém. Những vết thương này có thể để lại sẹo xấu rất khó coi.
Trong một số trường hợp, bội nhiễm vi khuẩn có thể dẫn đến biến chứng viêm cầu thận nếu không được điều trị. Ngoài ra, khi bị viêm da dị ứng, người bệnh dễ mắc các bệnh khác như hen suyễn hay viêm mũi dị ứng.
Vì vậy, những người bị viêm da dị ứng có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần nếu không được điều trị. Khá nhiều người bệnh bị ảnh hưởng tới giấc ngủ vì các đợt bệnh tái phát xuất hiện cảm giác ngứa và đau rát.
Lời khuyên thầy thuốc
Khi xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ viêm da dị ứng người bệnh cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Thực tế cho thấy, viêm da dị ứng là căn bệnh này khó kiểm soát vì có rất ít chất gây dị ứng được tìm thấy trong không khí, môi trường hoặc thực phẩm.
Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau, tùy thuộc vào cơ chế gây ra bệnh chàm và tình trạng bệnh các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc bôi, uống hay các liệu pháp khác để khắc phục biểu hiện của bệnh.
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với các yếu tố làm bùng phát bệnh như:
- Tránh các thức ăn dễ gây dị ứng, vệ sinh nơi ở, tránh khói thuốc lá, môi trường bụi bẩn.
- Không tắm quá lâu. Hãy tắm bằng nước ấm, tránh dùng nước nóng.
- Nên sử dụng các loại xà phòng, sữa tắm có tính tẩy rửa nhẹ. Nên thử trước trên vùng da mỏng để xem có gây kích ứng da không.
- Giảm thiểu gãi da để ngăn ngừa tình trạng xấu đi của vùng tổn thương.
- Khi thời tiết nóng bức, mặc quần áo thoáng mát. Khi thời tiết lạnh và hanh khô, cần dưỡng da bằng các loại kem, sáp dưỡng ẩm.
- Ăn uống điều độ, bổ sung vitamin cho cơ thể, uống nhiều nước mỗi ngày.