Sắp xếp thức ăn trong tủ lạnh:
Sắp xếp và phân loại thức ăn hợp lí sẽ giúp bữa ăn gia đình ngon miệng và an toàn hơn (Dịch ảnh từ seriouseats)
- Ngăn trên và ngăn giữa:
Đựng các loại đồ ăn liền, đồ chế biến sẵn, thức ăn thừa, thịt đã nấu chín, salad trộn và trái cây… trong hộp kín hoặc bọc bằng màng bọc thực phẩm để giữ vệ sinh và tránh bị nhiễm khuẩn.
- Ngăn dưới:
Đựng thịt, cá sống trong những hộp kín riêng biệt để nước thịt không bị dây ra các loại thực phẩm khác. Thịt sống phải luôn được đặt ở ngăn dưới cùng của tủ lạnh để tránh lây nhiễm vi khuẩn chéo.
- Ngăn đựng rau củ:
Bọc nhẹ nhàng các loại rau củ trong túi giấy, túi vải hoặc túi nhựa có lỗ khí để giữ vệ sinh và tránh cho chúng bị hư, thối. Bọc xà lách và các loại rau thơm trong khăn giấy ẩm trước khi lưu trữ để các loại rau này luôn tươi ngon và không bị khô héo.
Đảm bảo vệ sinh thực phẩm:
Nên duy trì nhiệt độ trong tủ lạnh trong khoảng 0-5 độ C để làm chậm lại tốc độ hư hỏng của thức ăn và ngăn chặn sự sinh sôi của vi khuẩn. Ở mức nhiệt độ này, thực phẩm sẽ đủ an toàn để sử dụng.
Cũng cần lưu ý hạn sử dụng của từng loại đồ ăn. Không nên ăn bất kỳ loại thực phẩm nào đã quá “hạn sử dụng” (Expiry date/ Exp. date) vì chúng đã không còn đảm bảo an toàn thực phẩm nữa. Còn những loại thực phẩm đã quá “hạn tốt nhất dùng trước” (Best Before date) sẽ vẫn ăn được, do đây là mức chỉ chất lượng chứ không phải là độ an toàn của sản phẩm.
Khái niệm “Best Before” là chỉ số đo chất lượng chứ không phải độ an toàn của sản phẩm
Những lưu ý khi bảo quản thức ăn:
1) Không bao giờ để tủ lạnh bị “quá tải”
Không khí mát cần được lưu thông xung quanh các loại thực phẩm để đảm bảo hiệu quả của tủ lạnh. Việc nhồi nhét thức ăn có thể chặn bộ phận làm lạnh, do đó cản trở quá trình bảo quản thức ăn trong tủ lạnh. Bên cạnh đó, nếu tủ lạnh quá đầy và bị hở thì khí lạnh sẽ thất thoát, khiến cho đồ ăn không thể sử dụng ngay được.
2) Xếp đồ ăn mới phía sau các loại đồ ăn cũ
Đây là qui tắc không chỉ được áp dụng trong nhà bếp mà còn cả trong tủ lạnh nữa. Hãy ưu tiên những món đồ ăn có hạn sử dụng gần hơn để tránh lãng phí thực phẩm và tiền bạc.
3) Không bỏ đồ hộp đã mở nắp vào tủ lạnh
Đồ hộp đã mở nắp khi để trong tủ lạnh sẽ có khả năng bị nhiễm độc hóa chất cao, đặc biệt là các loại thực phẩm có tính axit như trái cây hay cà chua. Nếu muốn bảo quản đồ hộp, bạn hãy đựng chúng trong những hộp chứa an toàn và phù hợp với tủ lạnh.
4) Theo dõi nhiệt độ tủ lạnh
Nhiệt độ cao có thể là do tủ lạnh bị quá tải, bộ phận làm mát bị chặn hoặc bộ phận điều nhiệt đang chỉnh ở mức quá cao. Nếu tủ lạnh của bạn không tích hợp nhiệt kế, hãy trang bị một chiếc nhiệt kế đo tủ lạnh để theo dõi và đảm bảo rằng mức nhiệt luôn trong khoảng từ 0 đến 5 độ C.