Tung tích chiếc máy bay MH370 bí ẩn đã được phát hiện và chỉ cần tìm ra hộp đen, câu chuyện kì lạ đằng sau chiếc máy bay sẽ được hé lộ…
Như đã đưa tin, thủ tướng Malaysia - Najib Razak đã chính thức tuyên bố xác nhận việc tìm ra tung tích của chiếc máy bay MH370 thuộc hãng hàng không Malaysia tại phía Tây thành phố Perth (Úc), giữa vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương.
Gần như ngay lập tức, làn sóng dư luận thắc mắc về tung tích chiếc hộp đen của máy bay dâng cao, bởi chỉ cần tìm ra bộ phận này, mọi giả thuyết từng được đưa ra lý giải cho sự mất tích của chiếc máy bay trên sẽ được kiểm chứng hoàn toàn…
Vậy hộp đen máy bay là gì?
Hộp đen máy bay lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới là vào năm 1954, do tiến sĩ người Australia - David Warren phát minh ra tại Melbourne. Đây là thiết bị lưu trữ mọi diễn biến trên hành trình của một chiếc máy bay trong từng giây nhằm nâng cao độ an toàn của chuyến bay, giúp các chuyên gia tìm ra được nguyên nhân các tai nạn có thể xảy ra.
Hộp đen máy bay được làm bằng vật liệu siêu cứng, siêu bền, không bắt lửa. Nếu xét về khả năng sống sót sau tai nạn thì khó có vật nào sánh nổi với nó. Hộp đen thiết kế đúng quy chuẩn có thể chịu được sức ép có cường độ gấp 3.400 lần trọng lực Trái đất, bị nung 30 phút liên tục trong nhiệt độ 1.100 độ C cũng không bị ảnh hưởng hay chịu được độ muối cao ở độ sâu 6.100m dưới mực nước biển trong 1 tháng.
Thêm vào đó, các hãng chế tạo máy bay cũng bố trí đặt hộp đen luôn ở phía đuôi - nơi an toàn nhất trên máy bay để tăng khả năng sống sót của bộ phận này. Một trong những minh chứng điển hình là trường hợp tai nạn của chiếc Airbus A330-200 của hãng hàng không Air France mất tích năm 2009: sau 2 năm, hộp đen của chiếc máy bay này mới được tìm thấy mà vẫn chạy… tốt.
Ngoài ra, một trong những điểm thú vị của hộp đen chính là màu sắc… chẳng liên quan tới tên gọi. Ban đầu, hộp đen được sơn ngoài màu đen song sau này đã được đổi thành màu cam để tiện cho tìm kiếm, phát hiện tuy nhiên cái tên thuở nào vẫn được giữ nguyên.
Mục đích truy tìm hộp đen
Trên một chiếc máy bay thông thường bao giờ cũng có hai hộp đen với cấu tạo riêng biệt là máy ghi âm buồng lái (CVR) và máy ghi dữ liệu chuyến bay (FDR).
Chúng đặc biệt ở chỗ người ngoài, thậm chí cả phi công cũng không thể tác động hay chỉnh sửa thông tin trong hộp đen. Máy ghi âm buồng lái được kết nối với các microphone gắn trong buồng lái, thu lại mọi âm thanh trên chuyến bay.
CVR mã hóa âm thanh từ microphone gửi tới và ghi lại tối đa 30 phút với công nghệ băng từ, sau khi ghi hết thì ghi đè lại. Một số máy bay hiện đại ngày nay sử dụng công nghệ thể rắn cho CVR ghi lại được âm thanh của 2 tiếng trước khi máy bay gặp nạn.
Trong khi đó, máy ghi dữ liệu chuyến bay lưu lại thông số chuyến bay thông qua tín hiệu mà các cảm biến điện từ đặt trên máy bay gửi về. Hiện nay, một máy FDR dùng công nghệ thể rắn có thể ghi lại mọi chi tiết của chuyến bay trong 25 giờ cuối cùng trước khi xảy ra tai nạn.
Hộp đen của MH370 sẽ tiết lộ điều gì?
Giống như mọi hộp đen của máy bay khác, khi xảy ra tai nạn, hộp đen của MH370 cũng sẽ “tự sử dụng” 2 mắt thần. Bộ phận này của hộp đen cho phép khi nước xâm nhập, nó sẽ phát ra sóng âm thanh ở tần số 37,5 kHz mỗi giây/lần trong suốt 30 ngày, giúp các cơ quan chức năng dễ dàng tìm ra hộp đen dưới nước.
Trong trường hợp của MH370, đã gần 20 ngày kể từ khi chiếc máy bay này mất tích, nhiều khả năng hộp đen của nó vẫn còn hoạt động. Nếu tìm ra chúng, các chuyên gia sẽ sử dụng các phần mềm được hãng chế tạo hộp đen cung cấp, tái hiện lại những hình ảnh cuối cùng của chiếc máy bay trước khi lao xuống đáy biển.
Quá trình này có thể kéo dài vài ngày song thậm chí là vài tuần hay cả tháng, tùy theo tình trạng của hộp đen. Và gần như chắc chắn, hộp đen MH370 có thể chứng thực mọi giả thuyết được đưa ra trước đó: từ khủng bố cho tới lỗ hổng thời gian, trục trặc động cơ… Chúng ta hãy cùng hi vọng các nhà chức trách sẽ nhanh chóng tìm ra chiếc hộp đen để có thể giải đáp được nguyên nhân của vụ mất tích máy bay MH370 này.