Người sói từ lâu đã được biết đến như một đề tài hấp dẫn đối với lĩnh vực điện ảnh và văn học của nhiều quốc gia trên thế giới. Không chỉ là một hình ảnh kinh hoàng trong các bộ phim kinh dị, chủ đề người sói còn là một trong những đề tài thú vị hấp dẫn các nhà khoa học.
Cái tên người sói bắt nguồn từ tiếng gốc là Lycanthrope. Trong tiếng Hy Lạp cổ, có nghĩa là người mang khuôn mặt của con sói. Hình ảnh này xuất hiện từ xa xưa, trong những câu chuyện dân gian của nhiều vùng trên khắp thế giới. Những câu chuyện nổi tiếng gắn liền với hình ảnh người sói là những tác phẩm của các nhà văn danh tiếng như Jean - Jack Rousseau, Carolus Linnaeus và Jonathan Swift, cùng nhiều tác giả nổi danh khác. Hình ảnh người sói chính là mô hình để người ta tiếp tục xây dựng nên nhiều hình ảnh tưởng tượng mang tính chất kinh dị khác, trong đó phải kể đến ma - cà - rồng. Trong văn học, hình ảnh người sói được đa dạng hóa và ẩn chứa nhiều điều bí ẩn hơn hình ảnh của ma- cà- rồng.
Hình tượng người sói từng xuất hiện trên các bộ phim kinh dị. |
Tuy nhiên, đó chỉ là dưới góc nhìn của những nhà văn và những câu chuyện tưởng tượng được cường điệu hóa, còn dưới góc nhìn của khoa học, đặc biệt là khoa học hiện đại, hiện tượng người sói thực tế hơn và khoa học hơn. Theo các nhà khoa học, đây thực chất là một dạng bệnh lạ xuất hiện từ xa xưa với khả năng tác động làm thay đổi hình dạng bên ngoài của con người, đôi khi biến hình dạng bên ngoài của họ trở thành hình dạng giống như của những con thú hoang dã.
Vào cuối Thế chiến II, quân đội phát xít Đức từng phát hiện ra một tổ chức khủng bố với tên gọi "người sói". Những kẻ tội phạm này được miêu tả với khuôn mặt đầy lông như mặt sói. Tổ chức khủng bố "người sói" đã thực hiện hàng loạt vụ giết người, bạo lực và nhiều hành động man rợ khác như việc ăn thịt người, tra tấn những nạn nhân chúng bắt được và tiến hành các nghi lễ thờ tế mang tính chất ma quái. Vào đầu thế kỷ 20, hình ảnh người sói bắt đầu xuất hiện tràn ngập trên các bộ phim kinh dị. Năm 1976, sau khi tờ The Daily Mail - một tờ báo nổi tiếng của Anh - cho đăng bài báo với tựa đề "ma sói giết người đã bị bắt" nói về một kẻ giết người hàng loạt ở Paris với hình dạng người, song khuôn mặt giống như chó sói, trong dư luận lại nổi lên những câu hỏi xung quanh hiện tượng người sói.
Theo những nghiên cứu mới đây nhất, các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết về sự xuất hiện của người sói là do hiện tượng đột biến gen ở con người. Những người bị đột biến gen theo dạng này sẽ có những triệu chứng như: móng chân, tay mọc dài, hệ lông tóc phát triển mạnh giống như ở loài động vật chưa tiến hóa hết. Trong thực tế, đã có không ít trường hợp những người bị đột biến gen, có hình dạng giống như người sói đã tìm đến bệnh viện để khám chữa hiện tượng lạ mà họ gặp phải. Các nhà khoa học gọi đây là hiện tượng lycanthropes (dựa theo tên gốc của hiện tượng người sói trong tiếng Hy Lạp cổ).
Cũng có giả thuyết cho rằng, lycanthropes là một căn bệnh rất dễ lây, chỉ cần người nhiễm bệnh tiếp xúc hay cào cắn vào người của một nạn nhân, thì nạn nhân đó ngay lập tức cũng sẽ bị nhiễm bệnh tương tự. Vấn đề là ở chỗ, những hiện tượng của bệnh này không biểu hiện ngay mà phải mất một thời gian dài mới bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu bệnh. Đặc biệt vào những ngày trăng tròn, khi lực hút của mặt trăng tác động lên trái đất mạnh nhất gây nên hiện tượng triều cường phổ biến, thì đó cũng là thời điểm căn bệnh kỳ lạ này ảnh hưởng và bắt đầu gây ra những tác động mạnh đến cơ thể người bệnh, gây ra những đau đớn về thể xác, làm xuất hiện những biểu hiện lạ và trở nên hung dữ hơn bình thường. Họ dễ tấn công những người xung quanh mình bằng các hành động bản năng như cào, cắn giống như những loài động vật hoang dã. Ngoài ra, do tác động của bệnh, yếu tố hormon trong cơ thể bị thay đổi, khiến cho cơ thể mọc lông tóc rậm rạp hơn bình thường. Điều này lý giải cho câu chuyện người sói thường biến hình thành quái vật vào những đêm trăng tròn.
Với loại bệnh lycanthropes, bệnh nhân có rất ít cơ hội được chữa khỏi. Bệnh thường xuất hiện về đêm, nên những bệnh nhân mắc lycanthropes thời xưa hầu hết bị coi là quái vật và đều bị giết hại hết sức tàn nhẫn. Từ năm 125 trước Công nguyên, trong một ghi chép của một nhà thơ người La Mã có tên là Marcell Sidet, ông đã miêu tả những người bị mắc lycanthropes như những người bị mắc chứng điên, luôn thèm ăn và có những hành động thú tính.
Vào những ngày nắng gắt, những người bị bệnh lycanthropes cũng gặp phải những biến đổi và đau đớn giống như những đêm trăng tròn. Bệnh nhân thường bị lên cơn sốt và mất nước, dẫn tới hiện tượng da bị co lại, cơ thể bị thiếu nước, khô lại nhanh chóng, làm các móng chân, tay như dài ra và trông gớm ghiếc giống như một con thú. Khi đó, người bệnh bị mất hoàn toàn khả năng kiểm soát trí nhớ và hành động của chính mình. Bệnh nhân gần như phát điên và có những hành động như lột hết quần áo, cào xé xung quanh...
Thời xưa, do chưa hiểu rõ về bản chất của hiện tượng này, nên những người bị mắc bệnh lycanthropes bị coi như những loài quái vật đáng sợ. Họ thường phải chịu hình phạt là bị thiêu sống hoặc bị xử tử bằng chém đầu. Trong thời kỳ quyền lực chủ yếu trong xã hội nằm trong tay các nhà thờ, người mắc bệnh lycanthyropes bị thêu dệt xung quanh họ hàng loạt những câu chuyện tưởng tượng đáng sợ, do đó, hầu hết họ đều bị đem treo cổ hoặc thiêu sống.
Dưới nghiên cứu của khoa học, căn bệnh lycanthropes và những hiện tượng bí ẩn như người sói đã dần được hé mở. Tuy nhiên, đây vẫn là một căn bệnh lạ còn nhiều điều khó lý giải mà theo như nhận định của giới khoa học: để hiểu rõ bản chất của căn bệnh lycanthropes, khoa học cần nhiều thời gian hơn nữa để làm rõ.
Hoài Anh (Theo Pravda.ru)