Những bí ẩn sau cánh cửa hoàng cung...

24-05-2009 06:08 | Quốc tế
google news

Trong thế giới Hoàng gia, thế giới của những vương tôn công tử, cuộc sống không phải bao giờ cũng phù hoa, đằng sau nó cũng có những câu chuyện “thâm cung bí sử” chưa được biết đến, chúng nằm trong vòng bí mật cho mãi đến sau này, khi được tiết lộ, nó trở thành những câu chuyện đầy hấp dẫn...

Trong thế giới Hoàng gia, thế giới của những vương tôn công tử, cuộc sống không phải bao giờ cũng phù hoa, đằng sau nó cũng có những câu chuyện “thâm cung bí  sử” chưa được biết đến, chúng nằm trong vòng bí mật cho mãi đến sau này, khi được tiết lộ, nó trở thành những câu chuyện đầy hấp dẫn...

 Lâu đài Neuschwanstein.

Vua không ngai

Từng tuyên bố là “Hoàng đế của  nước Mỹ”, Joshua Abraham Norton đã “trị vì”nước Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 1859 - 1890. Sử sách không ghi nhận nước Mỹ có một vị vua, song vị Hoàng đế tự xưng này cũng đã có một thời hoàng kim và được nhiều thần dân yêu mến. Sinh năm 1818 tại London, Anh, thời trẻ Abraham Norton phải lưu lạc nhiều nơi kiếm sống, ông phải làm những công việc khó nhọc nhất, bến đậu cuối cùng của Norton chính là nước Mỹ. Tại đây có thời gian công việc kinh doanh của ông lên như diều gặp gió, từ kinh doanh bất động sản đến kinh doanh các cửa hàng tạp hóa, rồi lại chuyển qua buôn gạo. Nhưng số phận thật trêu ngươi khi toàn bộ số tiền ông kiếm được bao năm bỗng bốc hơi vào vụ thua lỗ lớn, ông trở thành một người không xu dính túi.

Cuộc đời ông Norton đã sang trang từ ngày 17/9/1859, ông tự xưng vương là Norton  đệ nhất của nước Mỹ, thậm chí ông còn đến hẳn tòa soạn báo San Francisco Bullertin yêu cầu đăng tải công bố xưng đế của mình, trong đó có đoạn: “Thể theo yêu cầu và nguyện vọng tha thiết của phần lớn công dân Mỹ, tôi - Joshua Abraham Norton - tuyên bố mình là Hoàng đế của nước Mỹ”. Lạ thay không ai phản đối và người Mỹ chấp nhận vị vua này một cách không chính thức. Mặc dù trong những năm “làm vua”, ông Norton có ra nhiều chiếu thư, các quyết định nhưng chính quyền Mỹ cũng không cho đó là chuyện nghiêm túc. Còn người Mỹ thấy như có một sự thay đổi thú vị, họ yêu mến vị vua không ngai này, hay còn cúi chào, hoặc tung hô mỗi khi Norton đi qua. Ông được hưởng nhiều đặc lợi do dân Mỹ ủng hộ như đi nhà hàng, quán bar, xe lửa hay xem phim đều hoàn toàn miễn phí. Suốt 20 năm ròng cho đến khi Norton qua đời, hơn 30.000 người đã đến viếng và tiễn đưa Norton, vị Hoàng đế không vương quốc này.

Cai trị nước Anh nhưng không biết nói tiếng Anh

 Nữ hoàng Victoria.

Đó là các trường hợp của nhiều vương tôn, công tử nước Anh. Như vua George I trong thời kỳ từ 1714 - 1727, ông hầu như không quan tâm đến việc triều chính, thậm chí ngay cả tiếng Anh ông cũng không nói được. Bởi ông sinh ra ở thành phố Hanover thuộc nước Đức, là con trai của người cháu Sophia của Vua James I nước Anh. Trong thời kỳ cai trị Anh, vua George I thường đi lại giữa Anh và Hanover, Đức, thậm chí ông đã chết trên đường tới Hanover và được chôn tại đây.

Triều đại dài nhất trong lịch sử nước Anh đã ghi nhận công lao của Nữ hoàng Victoria (1819 - 1901). Nước Anh thời kỳ này phát triển hưng thịnh về mọi mặt, đặc biệt là về công nghiệp, quân sự và chính trị. Nữ hoàng Victoria đã trở thành biểu tượng của chính sách bành trướng quốc tế. Tuy nhiên điều đặc biệt là trong 64 năm cầm quyền chưa bao giờ Nữ hoàng Victoria nói tiếng Anh trôi chảy. Một phần cũng bởi bà được sinh ra và lớn lên trong gia đình mang dòng giống Đức. Hay trong triều đại vua Richard I, nữ hoàng Berengaria - vợ của Vua Richard I - còn không biết đến nước Anh, bà chưa bao giờ sang vương quốc của mình, còn tiếng Anh bà không nói được một câu.

Vua cướp ngân hàng - bán nước

Người ta sẽ đặt câu hỏi, vậy vua bán nước sẽ cai trị cái gì và lãnh đạo ai? Vua Ludwig II là người như thế. Ông được mệnh danh là “vua điên”, song cái điên của ông không chỉ đem đến cho nước Đức những tòa lâu đài kỳ vĩ, lãng mạn duy nhất trên thế giới mà còn để cho hậu thế mãi nhớ về một vị vua tài giỏi về nghệ thuật. Hồi nhỏ vua Ludwig mơ ước xây dựng cho mình một tòa lâu đài giống với trí tưởng tượng của ông, trong các câu truyện thời trung cổ ông đã đọc, và ông đã biến ước mơ của mình thành hiện thực. Bỏ bê triều chính, Ludwig tập trung toàn lực vào xây cung điện tại tiểu bang Baravia, Đức, bên dòng sông Polatt, trên vách đá cheo leo, lâu đài Neuschwanstein đứng giữa cái thực và ảo, nguy nga, tráng lệ. Neuschwanstein toát lên vẻ xa hoa, cầu kỳ và huyền ảo hiếm thấy, hiện nó được xem là một trong 7 kỳ quan của thế giới đương đại và là hình mẫu cho các tòa lâu đài trong truyện cổ tích.

Ludwig II. 

Để có tiền xây dựng tòa lâu đài trong mơ, Ludwig đã vét sạch những đồng tiền cuối cùng của bang này thậm chí còn nợ nần chồng chất. Ông đã vạch một kế hoạch cướp ngân hàng nhưng không thành, sau đó ông rao bán cả đất nước. Cả triều đình náo loạn ra lệnh bắt giữ ông, song đó cũng là ngày cuối cùng của cuộc đời vua Ludwig II, ông đã nhảy xuống hồ Stamberg mà chưa được sống ngày nào trong cung điện của mình.

Những số phận bất thường

Ở chốn thâm cung, số phận những ông hoàng bà chúa có cuộc sống tâm thần bất ổn luôn được giấu nhẹm và người ta không hiểu nổi tại sao một người mắc bệnh như vậy vẫn được phong vương và điều hành cả một đất nước. Như vua Otto I ở vùng Bavaria, ông mắc bệnh tâm thần hoang tưởng - ông luôn bị ám ảnh về việc mỗi ngày phải giết một người mới kéo dài được tuổi thọ và người ta  phải sắp xếp cho ông mỗi ngày 1 người chết “giả vờ” bằng một khẩu súng không có đạn. Và ông đã làm như vậy suốt cuộc đời mình. Nhưng ghê sợ nhất phải kể đến vua Christian VII của Đan Mạch. Ông có một sở thích quái gở “thích hành xác”. Hằng ngày ông đều đập đầu mình vào tường cho đến khi chảy máu. Tệ hơn ông cho xây hẳn một bệ nhục hình, rồi tự trói mình vào và sai người dùng gậy đánh cho bất tỉnh. Số phận của những con người không bình thường làm vua lại trở thành những điều bất thường của cuộc sống và đó là cái cớ để chúng ta được nghe và biết thêm về những giai thoại của cuộc sống sau cánh cửa hoàng cung.

Xuân Phong (Theo Royalty & Oddities)


Ý kiến của bạn