Ai cũng khó tưởng tượng được về vẻ đẹp đầy bí ẩn của Thành Nhà Hồ, một Di sản Văn hóa thế giới, xây dựng cách đây hơn 600 năm, ở Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa. Những dấu vết của một vương triều đã bị chôn vùi theo thời gian nhưng tinh thần của Hồ Quý Ly vẫn ám ảnh nhiều thế hệ muốn khám phá nó như một khúc ca bi tráng. Và, cũng từ ý chí mãnh liệt của một đế vương mà bao bi kịch đã xảy ra, quanh hàng vạn tảng đá lạnh lùng này...
Những giai thoại trở nên bất tử
Lịch sử ghi rõ, việc Hồ Quý Ly (một tướng tài đầy quyền uy của triều đình nhà Trần) cho xây gấp Thành Tây Giai (tên gọi đầu tiên của Thành Nhà Hồ) vào năm 1397, nằm trong mưu đồ đoạt ngôi vương nhà Trần, đã ấp ủ từ mươi năm trước đó. Với lý do nhà Trần phải lui từ Thăng Long về Thanh Hóa, để phòng vệ chống quân Minh đang tấn công nước ta, nên Hồ Quý Ly đã ra lệnh trong ba tháng phải xây xong thành. Có thể nói đây là việc không tưởng, trong một thời gian ngắn như vậy, với trình độ kỹ thuật xây dựng thủ công cổ xưa. Nhưng để tạo nơi mình sẽ lên ngôi vương khi thời cơ đã đến, Hồ Quý Ly đã bằng mọi giá bắt phu phen, quân dịch phải gấp rút hoàn thành đúng như đã định. Ngỡ như không thể nào làm nổi, vậy mà Thành Tây Giai ngày ấy đã hiện lên tựa phép tiên, trước sự ngạc nhiên của trời đất.
Cửa phía Nam Thành Nhà Hồ.
Đó là một công trình mang yếu tố tâm linh thần thánh, nên ngôi thành đã trở thành huyền thoại khó lý giải, trong suốt 600 năm qua. Bởi khó có thể tưởng tượng con người đã vận chuyển hàng vạn khối tường đá lớn hàng tấn, chồng khít lên nhau tạo thành bức tường cao hai chục mét, có chu vi dài 4km sừng sững, hùng vĩ như vậy. Nhưng kỳ tích đó đã chôn vùi bao xương máu và những hồn ma vẫn còn ngậm ngùi đến ngày nay. Đây đó trên những tường thành vẫn còn vương những sợi tóc và những vết máu loang lổ. Dưới chân thành vẫn còn những đống xương khô, cùng những giai thoại có thật, hiển hiện đâu đây.
Khi ta bước chân đến hồ Mỹ Đàm nằm phía Tây Bắc Hoàng thành. 600 năm trước, đây là một khúc sông đào nằm trong hệ thống thoát nước của Thành Nhà Hồ ra sông Mã. Khi ấy theo lệnh của Hồ Quý Ly, người dân phải đào một con sông, rộng 100m, dài 3km, nhưng phải hoàn thành trong một đêm. Hàng vạn người trần lưng đào đất, tát nước đắp bờ, dưới sự giám sát của quân lính suốt đêm. Đến sáng sớm, đích thân Hồ Quý Ly ra kiểm tra con sông vẫn chưa xong, lại còn có một đoạn dài bị lệch dòng. Lập tức để hả cơn tức giận, vì nghĩ mình đã bị làm phản, nên ra lệnh chém đầu tất cả hàng trăm người đào ở đoạn sông bị lệch này. Theo thời gian, con sông bị lấp dần nhưng đoạn sông bị lệch đó tự nhiên vẫn tồn tại với cái tên là Mau Rẹ, như một lời ai oán của những xác người còn quanh quất đâu đây. Đó chính là hồ Mỹ Đàm một dấu tích kinh hoàng của con sông đẫm máu này.
Còn ngôi đền thờ nàng Bình Khương ở sát cổng phía Đông, thuộc làng Đồng Môn, xã Vĩnh Long, lại là một bi tình sử về một phụ nữ tuẫn tiết vì chồng, trong một vụ án oan khuất đã xảy ra khi xây dựng Thành Nhà Hồ. Người coi đền kể lại trong nỗi bùi ngùi rằng, chồng nàng Bình Khương là Trần Sỹ Công (còn gọi là Cống Sinh), người chỉ huy công trường xây dựng đoạn tường thành phía Đông. Nhưng điều nguy biến đã xảy ra, bởi mỗi khi xây xong là tường thành bị sụt lún hay có đoạn bị nghiêng đổ làm chậm tiến độ quá gấp rút, trong thời hạn ba tháng. Hồ Quý Ly nghi ngờ có mưu đồ làm phản, bèn ra lệnh vùi thân Trần Sỹ Công vào chân thành, rồi cho xây tiếp.
Từ quê hương, nàng Bình Khương hay tin chồng mình bị xử chết đã lên tận thành để kêu oan. Nhưng không kịp nữa, ngồi bên mộ chồng bị chôn lấp dưới chân Thành, nàng kêu khóc thảm thiết. Tột cùng đau khổ, Bình Khương đã lấy hết sức xô đổ bức tường đá để mong được tìm thấy xác chồng. Nàng cố đến nỗi mười đầu ngón tay tóe máu, rồi cuối cùng đập đầu vào tường thành để cùng chết theo chồng. Nay dấu vết của huyền tích có thật ấy đã được người dân nơi đây lưu giữ một phần của bức thành đá có vết lõm, khi nàng Bình Khương đập đầu chết và dấu hai bàn tay còn lại, với sức lực cuối cùng của nàng. Những bài thơ về nàng Bình Khương của các bậc quân vương, danh sĩ vẫn còn lưu giữ trên các bia đá, cùng với sắc phong của triều Nguyễn (1903) cho nàng là “Tiết liệu khả phong”.
Án thảm sát Trần Khát Chân và 370 tướng sĩ
Càng gần tới ngày Hồ Quý Ly thực hiện âm mưu đoạt ngôi vương nhà Trần, sau khi xây xong thành, nhiều tướng lĩnh và tôn thất nhà Trần tìm cách hạ sát Hồ Quý Ly. Nhất là vào năm 1397, Hồ Quý Ly ép vua Thuận Tông nhường ngôi cho con mới 3 tuổi là Trần Thiếu Đế, rồi đi tu. Nhưng cuối cùng, Hồ Quý Ly vẫn không tha còn cho người ngầm giết chết (1398), cho dù Thuận Tông còn là con rể của mình. Nguy cơ nhà Trần sụp đổ đến nơi, nhiều danh tướng muốn giết chết Hồ Quý Ly mà thời cơ chưa đến vì lúc đó ông ta đang ở vị trí Phụ chính Thái sư, quyền lực đến tột đỉnh. Tình hình càng trở nên nguy khốn, Thượng tướng Trần Khát Chân bàn với các đồng sự trong hội lễ Minh Thề trên núi Đốn Sơn, gần Thành Nhà Hồ để tìm cách giết Hồ Quý Ly. Bởi trong lễ hội này, Hồ Quý Ly sẽ ngồi trên lầu cao để xem quân sĩ thao diễn. Không ngờ âm mưu bại lộ, Trần Khát Chân cùng với nhiều dũng tướng khác bị hành hình ngay trên núi Đốn Sơn. Kèm theo đó là vụ thảm sát khốc liệt của Hồ Quý Ly với nhiều tướng sĩ và người nhà, tất cả tới 370 người.
Một góc di tích Thành Nhà Hồ.
Truyền thuyết còn lưu dấu lại cái chết đầy bi tráng của Thượng tướng Trần Khát Chân sau thảm án này. Giai thoại kể, trước khi bị hành hình, ông đã gào lên ba tiếng vang động cả Thành Nhà Hồ, rừng cây trên núi Đốn Sơn nghiêng ngả như uất nghẹn cùng ông. Chết đã ba ngày mà sắc mặt ông vẫn còn bừng bừng căm uất, trừng mắt nhìn về phía Thành Nhà Hồ như một cảnh báo cái chết sẽ đến với kẻ gian hùng. Sau người đời còn lưu truyền rằng, con ngựa quý thường cùng ông xông pha trận mạc đã đưa thi thể ông đi về phía hào Thành Nhà Hồ. Khi ấy con ngựa mới phủ phục xuống, quỳ khóc và nhịn đói cho đến chết theo chủ nhân.
Ngay trên con đường đi từ cửa phía Nam Thành Nhà Hồ đến sườn núi Đốn Sơn có hai đền thờ Thượng tướng Trần Khát Chân. Một là đền thờ Tam Tổng ở thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, ngay trước cổng phía Nam Thành Nhà Hồ. Đền thứ hai là Di tích lịch sử Thượng tướng Trần Khát Chân, chính là nơi ông đã bị hành hình trên sườn núi Đốn Sơn. Tính đến nay riêng tỉnh Thanh Hóa có tới 72 nơi thờ Trần Khát Chân, bởi ngài đã được tôn vinh là Đức Thánh.
Cái chết bí ẩn của hai cha con Hồ Quý Ly
Thành Nhà Hồ được coi là một công trình vĩ đại của Hồ Quý Ly, sau khi cướp ngôi nhà Trần vào năm 1400, lập nên triều Nhà Hồ; nhưng lại kèm theo nhiều án thảm sát hàng trăm người, nên không mấy được lòng dân. Đặc biệt chính con trai của Hồ Quý Ly là Hồ Hán Thương, tiếp ngôi vua chỉ một năm sau đó, cũng lại tự phán cho số phận của Nhà Hồ sẽ chẳng được bao lâu, chỉ vì chọn Thành Nhà Hồ làm kinh đô. Đặc biệt Hồ Hán Thương, tuy còn trẻ nhưng lại rất giỏi phong thủy, đã nhận định về vị trí Thành Nhà Hồ không mấy khả quan. Hồ Hán Thương nói với cha rằng, thế của vùng đất này đúng là hình rồng chầu, rắn cuốn nhưng đất còn non nên vương triều chỉ ở được trên dưới 6 năm. Mà cũng lạ, ngay quân sư nổi tiếng trong triều là Nguyễn Như Thuyết, kiêm Khu mật chủ sự đã từng dâng sớ tâu: “Nơi đây là vùng đất hẻo lánh, cuối nước đầu non, chỉ hợp với loạn mà không hợp với trị”. Nhưng gạt mọi can gián, Hồ Quý Ly vẫn chọn nơi đây để xưng đế vương. Chính vì cái họa này chăng mà không bao lâu, cho dù làm được nhiều việc cải cách đất nước, cha con vua nhà Hồ bị giặc Minh bắt, sau 7 năm trị vì (1400-1407).
Thêm nữa, số phận của hai cha con Hồ Quý Ly ra sao cũng không ai biết, khi bị bắt đưa về Trung Quốc. Cái chết của họ vẫn còn là một bí ẩn không được sử sách ghi chép một cách xác thực. Nhưng riêng Thành Nhà Hồ còn lại, đánh dấu một ý tưởng táo bạo, đầy mãnh liệt của một “siêu nhân”. Đó là một kiệt tác kiến trúc trên thế giới, cho dù Hồ Quý Ly đã sai lầm về phong thủy và chưa kịp vực dậy một triều đại, với nhiều tham vọng đổi mới về mọi mặt. Đây cũng là một bi kịch, đã báo mộng trong Hoàng Thành Nhà Hồ tráng lệ, ngay từ nhát cuốc động thổ đầu tiên của Hồ Quý Ly.