Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, khi đất nước vui bài ca chiến thắng sau 34 năm, những thầy thuốc của các bệnh viện thuộc Bộ Y tế ở thành phố mang tên Bác tự hào vì mình đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Từ đó góp phần đưa Việt Nam thành điểm sáng không chỉ trong khu vực mà cả thế giới về phát triển y tế.
Bệnh viện Chợ Rẫy: Chất lượng phục vụ là hàng đầu
Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy được thành lập năm 1900 với tên chính thức là "Hospital Municipal de Cholon". Rồi lần lượt đổi tên thành "Hospital indigene de Cochinchine" (1919), "Hospital Lalung Bonnaire" (1938), "Hospital 415" (1945). Sau đó BV được tách ra làm hai phòng khám là Hàm Nghi và Nam Việt. Hai phòng khám này được sáp nhập lại vào năm 1975 để trở thành BV Chợ Rẫy cho tới ngày nay. Năm 1971, BV Chợ Rẫy được tái xây dựng trên một diện tích 53.000m2 với trang thiết bị hiện đại để trở thành một trong những BV lớn nhất Đông Nam Á. Công trình được hoàn thành vào tháng 6/1974, bằng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Tòa nhà mới của BV Chợ Rẫy ngày nay gồm 11 tầng. Đây là một bệnh viện đa khoa gồm: nội khoa (tim mạch, thận, phổi, nội tiết, huyết học, sốt rét...); ngoại khoa (ngoại lồng ngực, ngoại tim mạch, ngoại tổng quát, ngoại thần kinh, mắt, tai mũi họng, chỉnh hình...) và khoa bỏng (không có nhi, phụ sản và tâm thần).
Các bác sĩ BV Chợ Rẫy đang điều trị cho bệnh nhân bị u não bằng phương pháp Gamma Knife. |
Bệnh viện Từ Dũ: Bệnh viện của những niềm hạnh phúc
Tiền thân của BV Từ Dũ là một khu chuyên khoa sản trực thuộc BV Lalung Bonnaire (nay là BV Chợ Rẫy). Đến năm 1937, thương gia người Hoa là Hui Bon Hoa (tức chú Hỏa) đã hiến mảnh đất riêng với diện tích 19.123m2 trên đường Arras cũ (nay là đường Cống Quỳnh, quận 1, TP.HCM) để xây Bảo sanh viện. Đến tháng 9/1943, Bảo sanh viện mới chính thức hoạt động với khoảng 100 giường bệnh. Và đến ngày 8/4/2004, BV được đổi tên thành BV Từ Dũ với tổng số giường bệnh là 1.000 giường.
Thụ tinh trong ống nghiệm thành công, BV Từ Dũ đã mang lại niềm hạnh phúc vô bờ cho những phụ nữ bị hiếm muộn. |
Ngày 4/8/1988, BV Từ Dũ đã thực hiện phẫu thuật thành công ca tách đôi cặp song sinh Việt - Đức, gây tiếng vang và là bước đột phá trên lĩnh vực y tế, đưa tên tuổi bệnh viện lan rộng không chỉ trong phạm vi cả nước mà còn trên thế giới. BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc BV Từ Dũ nhớ lại: "Thành tựu của ca mổ tách rời Việt - Đức ngày 4/10/1988 không đơn thuần là những thành tựu về kỹ thuật mà còn là ca mổ quy tụ đầy đủ trí tuệ và tình người trong nước cũng như ngoài nước. Tiếp sau ca mổ, nhiều tổ chức nhân đạo trên thế giới đã hướng sự giúp đỡ đến Việt Nam, trong đó trẻ khuyết tật được ưu tiên". Ca mổ tách rời Việt-Đức được thực hiện tại BV Từ Dũ với ê-kíp gồm 70 bác sĩ, cán bộ y tế. Trải qua 15 giờ căng thẳng nhưng hoàn toàn chủ động, ca mổ đã tách rời thành công Việt-Đức, đem lại cuộc sống riêng biệt cho mỗi em.
Cũng với một thái độ lao động cần cù, thông minh và sáng tạo năm 1997, tập thể y bác sĩ BV Từ Dũ mà đứng đầu là BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã thành công trong điều trị vô sinh và thụ tinh trong ống nghiệm, mang lại niềm hạnh phúc vô bờ bến cho nhiều phụ nữ hiếm muộn. DSCK1 Huỳnh Thị Thanh Thủy - Phó Giám đốc BV cho biết: Phát huy những thành quả đạt được, định hướng phát triển của BV từ nay đến năm 2010 sẽ: Thực hiện xã hội hóa để phát triển thành BV Sản - Nhi hiện đại 1.200 giường; xây dựng đội ngũ cán bộ y tế chuyên sâu giỏi ngang bằng các nước trong khu vực; Đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm ứng dụng thành công các thành tựu khoa học của thế giới trong lĩnh vực sản-phụ khoa; Tăng cường hỗ trợ mạng lưới y tế cơ sở, giúp đỡ các tỉnh phát triển chuyên khoa sâu. Ghi nhận những đóng góp lớn lao của bệnh viện, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho BV Từ Dũ lần 1 năm 1985 và lần 2 năm 2002.
Bệnh viện Thống Nhất: “Thầy thuốc như mẹ hiền”
Trong một lần điều trị tại BV, một vị giáo sư đã xúc động cho biết: "Nếu tất cả các BV ở Việt Nam đều có một thái độ phục vụ bệnh nhân niềm nở, ân cần và chu đáo như ở BV Thống Nhất thì đó là sự may mắn lớn nhất của người bệnh". Là một BV lớn trong khu vực, với nhiệm vụ chính là khám chữa bệnh cho cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước, lực lượng vũ trang và nhân dân nên nề nếp làm việc, thái độ phục vụ và quy cách làm việc rất được ban lãnh đạo các thời kỳ của bệnh viện quan tâm. Tiền thân của BV Thống Nhất là BV K71 Quân giải phóng miền Nam. BV Thống Nhất bằng quyết tâm, nghị lực, tinh thần "Thầy thuốc như mẹ hiền", với tình cảm thân thương của những đồng chí, đồng đội.. đã không ngừng phấn đấu toàn diện và lập được nhiều thành tích xuất sắc. Đánh dấu cho những phấn đấu không ngừng của BV là danh hiệu Anh hùng Lao động do Nhà nước phong tặng năm 2005.
Bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam được BV Thống Nhất sử dụng ống ghép động mạch có xoang Valsalva gắn tim nhân tạo thay van động mạch chủ và động mạch chủ lên. |
Nguyễn Huyền