Những bệnh ung thư nào mắc phổ biến ở nước ta?

08-11-2024 15:18 | Y tế

SKĐS - Tại Việt Nam, theo báo cáo từ GLOBOCAN năm 2022, mỗi năm có 180.480 ca ung thư mới được phát hiện. Đồng thời, số trường hợp tử vong vì ung thư lên đến 120.184 ca. Đây là một tỷ lệ đáng báo động, đặt Việt Nam ở vị trí thứ 20 về tỷ lệ mắc mới tại châu Á, và thứ 101 trên toàn cầu.

Trong phát biểu tại hội thảo phòng chống ung thư Hà Nội năm 2024 do Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tổ chức hôm nay - 8/11, TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh ung thư đang gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu và trở thành một trong những vấn đề sức khỏe hàng đầu hiện nay.

Những bệnh ung thư nào mắc phổ biến ở nước ta?- Ảnh 1.

TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh ung thư đang gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu và trở thành một trong những vấn đề sức khỏe hàng đầu hiện nay.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2022 có 20 triệu ca ung thư mới và 9.7 triệu ca tử vong. Các loại ung thư phổ biến nhất là ung thư phổi, vú, và đại trực tràng.

Sự gia tăng ung thư ở nhiều khu vực được cho là do các yếu tố như hút thuốc, lối sống ít vận động, và chế độ ăn uống không lành mạnh.

Tương tự với thế giới, gánh nặng ung thư tại Việt Nam ngày càng tăng với số lượng ca mắc và tử vong đang ở mức báo động.

Theo thống kê của GLOBOCAN 2022, Việt Nam ghi nhận 180.480 ca mắc mới và 120.184 ca tử vong do ung thư. Tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là đối với các loại ung thư phổ biến như ung thư gan, phổi, dạ dày ở nam giới và ung thư vú, phổi, gan ở nữ giới.

Đặc biệt, một tỷ lệ đáng kể người bệnh chỉ được phát hiện khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn, làm giảm hiệu quả điều trị và tăng chi phí điều trị. Thông tin tại hội thảo cho biết, trong năm 2021, chi tiêu y tế tại Việt Nam là 173 USD/người, trong đó một tỷ lệ đáng kể dành cho điều trị ung thư.

Những bệnh ung thư nào mắc phổ biến ở nước ta?- Ảnh 2.
Những bệnh ung thư nào mắc phổ biến ở nước ta?- Ảnh 3.
Những bệnh ung thư nào mắc phổ biến ở nước ta?- Ảnh 4.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự hội thảo.

"Đây là một gánh nặng lớn đối với cả gia đình bệnh nhân và hệ thống y tế quốc gia"- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nói.

Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức cho biết trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chương trình và chính sách nhằm phòng chống và kiểm soát ung thư, phù hợp với xu hướng và hướng dẫn quốc tế, có thể kể tới như Việt Nam thực hiện chiến lược tầm soát và phát hiện sớm ung thư, ưu tiên sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung và đại trực tràng trong dân số có nguy cơ cao;

Bộ Y tế triển khai chương trình tiêm chủng vaccine HPV cho học sinh nữ nhằm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung và tiêm chủng viêm gan B cho trẻ sơ sinh, phòng chống ung thư gan; Đồng thời tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về việc thay đổi lối sống lành mạnh và tầm soát định kỳ.

Thông tin tại hội thảo, TS.BS Bùi Vinh Quang - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, có 88 báo cáo khoa học trình bày tại hội thảo, trong đó 9 báo cáo từ báo cáo viên quốc tế đến từ: Pháp, Tây Ban Nha, Hungary, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Những bệnh ung thư nào mắc phổ biến ở nước ta?- Ảnh 5.

TS.BS Bùi Vinh Quang - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.

Các nội dung được thảo luận, cập nhật bao gồm nhiều lĩnh vực: phòng ngừa, tầm soát phát hiện sớm ung thư; tiến bộ trong ngoại khoa, xạ trị ung bướu; sinh học phân tử; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế; tâm lý học – xã hội học ung thư… có giá trị và hữu ích.

"Hội thảo phòng chống ung thư Hà Nội năm 2024 không chỉ là một sự kiện để chia sẻ tri thức mà còn là dịp để cùng nhau thảo luận, tìm kiếm những giải pháp mới và thúc đẩy sự hợp tác giữa các đơn vị, các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực ung bướu trong nước và nước ngoài.

Đây cũng là dịp để nhìn lại lại và đánh giá thực trạng, thách thức trong công tác phòng chống ung thư; đồng thời cùng chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức và cập nhật những tiến bộ khoa học nhằm kiểm soát và đẩy lùi căn bệnh ung thư tại Việt Nam"- TS.BS Bùi Vinh Quang nói.

Theo TS.BS Bùi Vinh Quang, với nhiệm vụ chuyên khoa đầu ngành Ung bướu của Hà Nội, đồng thời nhận nhiệm vụ bệnh viện tuyến cuối chuyên môn kỹ thuật chuyên khoa Ung bướu do Bộ Y tế giao, bệnh viện Ung bướu Hà Nội ngày càng tập trung phát triển chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Bệnh viện đã và đang thực hiện các Chương trình Phòng chống ung thư, Chương trình tầm soát phát hiện sớm một số bệnh ung thư phổ biến trên địa bàn Hà Nội. Song song với đó, bệnh viện cũng chú trọng tăng cường công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe…

"Trong thời gian tới, với 2 Đề án dự kiến triển khai là: Đề án bệnh viện mũi nhọn trong chẩn đoán và điều trị ung thư, Đề án bệnh viện cơ sở 2, chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc phát triển chuyên ngành ung bướu của Hà Nội và trên toàn quốc"- TS Quang nói.

Những bệnh ung thư nào mắc phổ biến ở nước ta?- Ảnh 6.

Các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đang thực hiện ca phẫu thuật ứng dụng kỹ thuật NOSE cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn.

Chuyên gia khuyến cáo "chìa khoá" trong phát hiện bệnh ung thư khiến hơn 24.500 phụ nữ Việt mắc mỗi nămChuyên gia khuyến cáo 'chìa khoá' trong phát hiện bệnh ung thư khiến hơn 24.500 phụ nữ Việt mắc mỗi năm

SKĐS - Theo thống kê, trước đây, có đến hơn 70% bệnh nhân ung thư vú đến khám và điều trị tại Bệnh viện K ở giai đoạn muộn và khá muộn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân ung thư vú đến khám và điều trị tại cơ sở y tế này giai đoạn sớm và rất sớm đã vượt qua con số 75%.

Bài và ảnh Thái Bình
Ý kiến của bạn