Những bệnh truyền nhiễm không còn là mối đe dọa khi tiêm vắc-xin

07-08-2019 07:23 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Sự ra đời của vắc-xin bệnh đậu mùa trong thế kỷ 19, sau đó là các mũi tiêm phòng đã giúp con người nâng cao khả năng miễn dịch đối với những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới như bệnh đậu mùa, bại liệt, bạch hầu, sởi...

khiến những căn bệnh này bị xóa sổ. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của con người về tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc-xin, xóa tan những nghi ngờ về vai trò của vắc-xin ở những người theo phong trào anti vắc-xin đang lan rộng khắp thế giới.

Bệnh đậu mùa

Căn bệnh này do virut Variola gây ra và nó có thể dễ dàng lây lan qua không khí. Nó đã xuất hiện trên con người từ hàng thiên niên kỷ trước và là một yếu tố tác động lớn đến lịch sử loài người. Đến cuối những năm 1960, căn bệnh này vẫn còn diễn biến phức tạp ở châu Á, châu Phi và ước tính gây ra khoảng 2 triệu ca tử vong mỗi năm.

Bệnh đậu mùa dễ lây từ người này sang người khác thông qua việc hắt hơi hoặc tiếp xúc thường ngày. Các triệu chứng đơn giản như mụn mủ đóng vảy trên da nhưng thực chất lại là bệnh nặng. Đối với những bệnh nhân sống sót từ đậu mùa, họ cũng gặp phải các biến chứng liên quan đến nhiễm trùng, viêm khớp cho đến mù. Đối với những người đã từng mắc đậu mùa 1 lần và sống sót, suốt cuộc đời còn lại sẽ không mắc phải căn bệnh này nữa.

Trong thời gian người châu Âu di cư đến châu Mỹ vào khoảng thế kỷ 17, họ cũng mang căn bệnh này đến đây và biến bệnh đậu mùa trở thành một bệnh dịch có khả năng giết chết 3 trong số 10 người bị mắc bệnh.

Năm 1796, bác sĩ người Anh có tên Edward Jenner đã phát hiện bò sữa cũng có thể nhiễm virut đậu mùa và những người lây nhiễm virut đậu mùa từ bò có thể dễ khỏi bệnh, sau đó cũng miễn nhiễm hẳn khỏi bệnh đậu mùa. BS. Jenner phán đoán đây là một chủng virut đậu mùa nhẹ hơn, do đó ông đã tiến hành chích các mụn đậu mùa của một người nhiễm virut từ bò tiêm vào cánh tay của một cậu bé 8 tuổi. Điều kỳ lạ là cậu bé đã miễn nhiễm với căn bệnh đậu mùa. BS. Edward Jenner đã trở thành cha đẻ của kỹ thuật tiêm chủng. Các thí nghiệm của ông đã dẫn đến sự phát triển của vắc-xin đầu tiên trên thế giới. Trong thời gian sau đó, vắc-xin phòng ngừa đậu mùa đã trở nên phổ biến ở tất cả các nước phát triển. Năm 1972, nước Mỹ tuyên bố đã loại bỏ hoàn toàn được bệnh đậu mùa. Chưa đầy 1 thập kỷ sau, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh đậu mùa là căn bệnh đầu tiên được loại trừ trên thế giới. Đến nay, đây vẫn là căn bệnh duy nhất được công nhận đã loại bỏ 100% trên toàn cầu. Mặc dù dịch bệnh đã chấm dứt nhưng virut Variola chưa thực sự tuyệt chủng, nó vẫn được lưu giữ trong các phòng thí nghiệm tại Nga và Mỹ.

Nhân viên y tế kiểm tra một bệnh nhân trong trận dịch bại liệt ở Rhole Island năm 1960.

Nhân viên y tế kiểm tra một bệnh nhân trong trận dịch bại liệt ở Rhole Island năm 1960.

Bệnh bại liệt

Bệnh viêm tủy xám còn gọi là bệnh bại liệt của trẻ em hay Polio (tiếng Latin: Poliomyelitis) là một chứng bệnh nhiễm trùng cấp tính do siêu vi trùng Poliovirus lây theo đường phân - miệng. Khi nhiễm vào cơ thể, siêu vi trùng lan vào hệ thần kinh trung ương làm yếu các cơ và làm bại liệt. Theo báo cáo, 3.000 trẻ em Mỹ đã tử vong vì căn bệnh bại liệt chỉ trong năm 1952. Virut bại liệt lây lan nhanh chóng ở trẻ em vì chúng truyền qua đường miệng. Đến năm 1955, một loại vắc-xin phòng bại liệt được ra đời đã giúp tỷ lệ người mắc căn bệnh này giảm đi nhanh chóng. Năm 1979, căn bệnh bại liệt được coi là đã bị xóa sổ ở Hoa Kỳ. Trường hợp bệnh nhân cuối cùng mắc bại liệt ở Mỹ được ghi nhận là vào đầu những năm 1990.

Ngày nay, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật CDC Mỹ khuyến nghị trẻ em nên tiêm 4 mũi vắc-xin miễn nhiễm với căn bệnh này. Theo WHO, hiện chỉ còn 3 quốc gia trên thế giới là Nigeria, Pakistan và Afghanistan vẫn còn ca mắc bệnh bại liệt.

Bạch hầu

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn truyền nhiễm, lây lan vào đầu thế kỷ 20. Bệnh bạch hầu đã lây nhiễm cho 200.000 người vào năm 1921 và gây ra khoảng 15.520 ca tử vong cùng năm đó (theo CDC). Bệnh bạch hầu ban đầu khiến người nhiễm bệnh bị viêm họng, cổ họng kém và sưng, sau đó một chất nhầy màu xám bắt đầu phủ kín cổ họng của người bệnh. Càng lâu được phát hiện và điều trị, vi khuẩn sẽ tấn công gây ra nhiễm trùng, có thể tạo ra độc tố gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn hoặc suy tim. Bệnh lây lan nhanh chóng khi người nhiễm bệnh hắt hơi, ho hoặc làm vương nước bọt lên bề mặt hoặc đồ vật. Vắc-xin cho căn bệnh này được giới thiệu vào những năm 1920, CDC khuyến cáo nên đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu gồm 4 mũi, sau đó tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm để đảm bảo miễn dịch hoàn toàn với căn bệnh này.

Quai bị

Quai bị là một bệnh về đường hô hấp do Paramyxovirus gây ra. Giống như nhiều loại virut khác, nó lây lan qua tiếp xúc với nước bọt. Trước khi vắc-xin cho căn bệnh này ra đời, quai bị đã gây bệnh và lây lan ở 186.000 người Mỹ mỗi năm. Người mắc bệnh thường bị đau ở tuyến nước bọt, sưng vùng hàm khiến việc ăn uống trở nên khó khăn, cơ thể mệt mỏi. Quai bị không gây ra tử vong nhưng biến chứng ở chúng rất nguy hiểm, một số bệnh nhân đã bị mất thính lực suốt đời, khoảng 20-30% nam thanh niên mắc bệnh có nguy cơ sưng tinh hoàn và giảm khả năng sinh sản. Năm 1967, vắc-xin phòng bệnh quai bị được giới thiệu ở Mỹ. Điều này đã giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh quai bị đến 99%.

Bệnh sởi

Sởi gây phát ban, sốt cao và biến chứng nghiêm trọng. Sởi còn được gọi là rubeola, tấn công hệ hô hấp và các cơ quan khác. Một người mắc virut có thể phát triển các triệu chứng giống như cúm: sốt, sổ mũi, phát ban đỏ nổi khắp cơ thể. Nếu nhiễm trùng nghiêm trọng có thể gây ra các biến chứng như mù, tổn thương não, thậm chí tử vong. Ước tính có khoảng 3 triệu người mắc bệnh này hàng năm vào cuối những năm 1950 trước khi vắc-xin phòng sởi ra đời. Trong số đó, khoảng 48.000 người phải nhập viện vì các biến chứng và khoảng 400-500 người chết vì bệnh này hàng năm. CDC tuyên bố bệnh sởi đã được loại bỏ khỏi Hoa Kỳ vào năm 2000. Mặc dù căn bệnh này mới bùng phát trở lại gần đây nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nhờ vắc-xin.

Rubella

Rubella hay còn được gọi là sởi Đức, tương tự như sởi nhưng mức độ biến chứng nhẹ hơn. Những người mắc bệnh Rubella thường bị phát ban đỏ và sốt nhẹ; có đến 50% người nhiễm bệnh không có triệu chứng nào cả. Vào năm 1964, gần 1,25 triệu người Mỹ mắc bệnh. Trong số này, gần 11.000 phụ nữ bị sẩy thai hoặc sinh non liên quan đến virut Rubella. Con những sản phụ này có nguy cơ cao sinh ra bị đục thủy tinh thể, khiếm thính, chậm phát triển và dị tật tim. Vắc-xin cho Rubella đã được đưa vào sử dụng từ cuối những năm 1960. Thời báo New York đưa tin, năm 2015, Rubella đã bị loại khỏi bán cầu Tây. Tổ chức WHO cũng đặt mục tiêu xóa sổ căn bệnh này trên toàn thế giới trong vài năm tới.


Huệ Minh
Ý kiến của bạn