Theo Ths.BS Nguyễn Thị Kim Oanh (Phó Trưởng khoa Khoa Khám Chữa bệnh theo yêu cầu – Bệnh viện Hữu Nghị), vào mùa xuân khi nhiệt độ tăng cao trở lại, không khí ấm áp với độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Do vậy, đây là thời điểm một số bệnh lý hay gặp mùa xuân có nguy cơ bùng phát. 

Ở người cao tuổi, sức khỏe suy giảm theo độ tuổi, tuổi càng cao sức khỏe càng yếu do cơ chế thoái hóa tự nhiên và nhiều chức năng cơ thể suy giảm, sự lão hóa về tổ chức và thần kinh, sức đề kháng giảm, miễn dịch giảm, thường mắc các bệnh lý mạn tính. 

Vào mùa xuân, người cao tuổi thường gặp 5 nhóm bệnh chính là: bệnh lý đường tiêu hóa, bệnh về đường hô hấp, bệnh về cơ xương khớp, bệnh lý tim mạch và bệnh đái tháo đường.

Những bệnh thường gặp ở người cao tuổi vào mùa xuân- Ảnh 1.

1. Bệnh lý đường tiêu hóa

Ở người cao tuổi thường gặp tình trạng rối loạn hấp thu cũng như men chuyển hóa kém, sức miễn dịch giảm. Kèm theo đó, mùa xuân là dịp lễ hội nhiều do vậy vấn đề an toàn thực phẩm không được đảm bảo, thức ăn để lâu dễ có nguy cơ nấm mốc, nhiễm khuẩn. 

Các yếu tố trên làm tăng nguy cơ mắc bệnh như ngộ độc thức ăn, nhiễm khuẩn tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi. Biểu hiện của các bệnh lý này là người bệnh cảm thấy đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, trường hợp nặng có thể gây mất nước, rối loạn điện giải.

Hơn nữa vào mùa xuân, người cao tuổi thường ăn nhiều thực phẩm chứa chất đạm, mỡ, uống nhiều rượu bia… đây cũng là những yếu tố khiến người bệnh có các bệnh lý mạn tính như viêm dạ dày, viêm đại tràng có nguy cơ tái phát cao. 

Thậm chí, người bệnh có thể gặp các trường hợp nặng như viêm tụy cấp với các biểu hiện: đau bụng dữ dội vùng thượng vị, nôn nhiều, bí trung tiện, hoặc có thể xuất huyết tiêu hóa: nôn máu, đại tiện phân đen…

Những bệnh thường gặp ở người cao tuổi vào mùa xuân- Ảnh 2.

2. Nhóm bệnh cơ xương khớp

Vào mùa xuân, người cao tuổi thường gặp các bệnh lý cơ xương khớp. Đây là thời gian diễn ra các lễ hội, người cao tuổi di chuyển nhiều, hoặc đứng lâu, hoặc ngồi lâu dẫn tới đau khớp, sưng khớp nhiều hơn. 

Hơn nữa, việc ăn nhiều chất đạm, thịt mỡ, uống rượu bia cũng làm tăng axit uric gây ra tình trạng viêm khớp do gout. Người bệnh có thể có các biểu hiện: sưng đau ngón cái, hạn chế đi lại do đau.

Bên cạnh đó, vào mùa xuân vẫn sẽ có các đợt gió lạnh tràn về, đây là lúc người mắc thoái hóa khớp gặp tình trạng nặng hơn. Người bệnh có thể thấy sưng đau, cứng khớp vào buổi sáng, hạn chế vận động của các khớp.

3. Bệnh lý về đường hô hấp

Mùa xuân thời tiết thường có mưa kèm nồm ẩm kéo dài, bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều bụi phấn hoa, nấm mốc, côn trùng, bụi trong không khí… là các yếu tố thuận lợi để tăng nguy cơ dị ứng với đối tượng người bệnh có cơ địa dị ứng như viêm mũi dị ứng. 

Hơn nữa, sự phát triển của virus và vi khuẩn trong mùa xuân sẽ làm cho những người có tiền sử hút thuốc lá, tiếp xúc khói bụi, viêm phế quản, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi… có nguy cơ bị nặng lên. 

Người bệnh có thể ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt, đau ngực, ho khạc đờm nhiều hơn, màu sắc của đờm thay đổi (vàng đục hoặc xanh), khó thở tăng, khó thơ dùng thuốc giãn phế quản không đỡ… Lúc này người bệnh cần tới cơ sở y tế để được tư vấn và khám, điều trị kịp thời.

4. Các bệnh lý về tim mạch

Ở người cao tuổi thường gặp các bệnh lý nền như tăng huyết áp, suy tim, hẹp mạch vành… Mùa xuân là mùa của lễ hội, đây là lúc con người dễ nạp vào cơ thể các loại chất đạm, mỡ, uống nhiều rượu bia. 

Việc ăn uống không khoa học cũng là nguyên nhân làm cho các bệnh lý tim mạch nặng lên, gây ra các cơn tăng huyết áp khó kiểm soát. Khi huyết áp tăng cao không kiểm soát có thể dẫn đến các nguy cơ tai biến mạch máu não với các biểu hiện như: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, choáng váng, nói khó, yếu nửa người… Trường hợp nặng người bệnh có thể xuất huyết não gây tử vong.

Ngoài ra, người bệnh mắc các bệnh lý về bệnh mạch vành có thể xuất hiện các cơn đau thắt ngực, sử dụng thuốc giãn vành không đỡ, dẫn đến hội chứng vành cấp cũng như nhồi máu cơ tim nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Những bệnh thường gặp ở người cao tuổi vào mùa xuân- Ảnh 3.

5. Nhóm bệnh lý đái tháo đường

Mùa xuân là mùa của các loại thực phẩm ngọt như hoa quả, bánh kẹo ngọt nhiều. Người bệnh đái tháo đường sẽ gặp khó khăn trong việc kìm chế, điều chỉnh hoặc duy trì chế độ ăn uống hợp lý dẫn đến đường huyết có thể tăng cao dao động, dẫn tới tình trạng hôn mê tăng áp lực thẩm thấu hoặc nhiễm toan ceton. 

Do vậy người bệnh đái tháo đường cần phải chú ý chế độ ăn uống để kiểm soát được đường huyết. Khi có các triệu chứng như ăn nhiều, uống nhiều, cơ thể sút cân nhanh, đi tiểu nhiều… nên đến ngay cơ sở y tế để có phác đồ điều trị hợp lý.

Những bệnh thường gặp ở người cao tuổi vào mùa xuân- Ảnh 4.

Vấn đề chăm sóc người cao tuổi để phòng tránh được các bệnh lý thường gặp trong mùa xuân là vô cùng quan trọng. Người cao tuổi cần lưu ý chế độ ăn uống, sinh hoạt, dùng thuốc và theo dõi sức khỏe.

- Chế độ ăn uống: người cao tuổi nên ăn các loại hoa quả nhiều vitamin như bưởi, cam, chanh, kiwi, đu đủ, dứa, thanh long… nếu không có chống chỉ định. Các loại hoa quả này sẽ cung cấp vitamin C, A, B1, B2, kali... và chất xơ cho cơ thể. Bên cạnh đó nên ăn giảm muối, ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ để tránh táo bón nhằm hạn chế tối đa các cơn khó thở xuất hiện trên những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc người bệnh suy tim. Ngoài ra cần hạn chế dùng đồ ăn, đồ uống lạnh, chất kích thích, rượu bia, cà phê, đồ chua cay.

Những bệnh thường gặp ở người cao tuổi vào mùa xuân- Ảnh 5.

- Chế độ sinh hoạt:

+ Người cao tuổi nên hạn chế tập thể thao gắng sức. Trên thực tế, có rất nhiều người cao tuổi thích tập thể dục và có tâm lý tập gắng sức gây tác dụng ngược hại cho cơ thể. Người cao tuổi thường mất ngủ và có thói quen tập thể dục vào sáng sớm, tuy nhiên đây là điều không nên. Bởi việc tập thể dục vào sáng sớm khi nhiệt độ thay đổi đột ngột nhanh, với người bệnh tăng huyết áp có thể sẽ gặp cơn tăng huyết áp đột ngột dẫn đến tai biến.

+ Giữ ấm đường hô hấp. Vào mùa xuân thời tiết vẫn sẽ có những đợt không khí lạnh, do vậy người cao tuổi cần lưu ý giữ ấm cổ, họng, bàn tay, bàn chân, ngực, đầu.

+ Với những người cao tuổi không đi lại được phải nằm tại chỗ người nhà cần lưu ý không nên để người bệnh nằm quá lâu ở một tư thế. Trung bình 2 tiếng nên thay đổi tư thế cho người bệnh một lần để tránh tình trạng bị vết loét do tì đè hay tình trạng viêm phổi, viêm phế quản do ứ đọng.

- Về chế độ dùng thuốc, người bệnh cần lưu ý tuân thủ nguyên tắc: đúng thuốc, đúng liều, uống đều đặn theo giờ đã được chỉ định. Người bệnh tuyệt đối không được tự tăng liều, giảm liều hoặc bỏ thuốc.

- Người cao tuổi cần theo dõi huyết áp, đường máu thường xuyên. Nếu huyết áp dao động cao và thuốc điều trị chưa đáp ứng được cần liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa để có điều chỉnh liều thuốc hợp lý. Ngoài ra cần thử đường máu ít nhất 1 tuần/lần, nếu đường máu tăng cao, người bệnh cũng cần tư vấn bác sĩ để được điều chỉnh thuốc kịp thời.

Với những người có bệnh nền hoặc các bệnh lý mạn tính, khi có triệu chứng bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng.

Ý kiến của bạn