Hà Nội

Những bệnh nhân HIV/AIDS đầu tiên điều trị bằng thuốc ARV từ BHYT

09-03-2019 15:48 | Bệnh lây truyền
google news

SKĐS - Sáng ngày 08/03/2019 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp cùng cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Sự kiện “Những bệnh nhân HIV/AIDS đầu tiên điều trị bằng thuốc ARV từ nguồn BHYT”

Trên 40 nghìn bệnh nhân được nhận thuốc ARV qua BHYT đến cuối năm

Tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, sự kiện “Những bệnh nhân HIV/AIDS đầu tiên điều trị thuốc ARV từ nguồn BHYT”, đánh dấu một cột mốc quan trọng nhằm đảm bảo tài chính cho điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam.

Cũng tại thời điểm này, 188 cơ sở điều trị ARV trên toàn quốc bắt đầu điều trị ARV cho bệnh nhân thông qua BHYT. “Từ hôm nay, chúng ta sẽ từng bước mở rộng điều trị ARV cho người bệnh nhân HIV/AIDS thông qua BHYT; phấn đấu đến cuối năm nay sẽ có trên 40.000 bệnh nhân được nhận thuốc ARV qua BHYT và tiếp tục tăng nhanh trong năm 2020 và những năm sau”- Bộ trưởng nêu rõ.

 

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại sự kiện “Những bệnh nhân HIV/AIDS đầu tiên điều trị thuốc ARV từ nguồn BHYT”


Phát biểu Khai mạc Sự kiện, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. 2018 là năm thứ 10 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm cả ba tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Cùng với sự tiến bộ trong lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV, mở rộng điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV là một trong những giải pháp quan trọng nhất để phòng, chống HIV/AIDS. Điều trị ARV mang lại sức khỏe, giảm tử vong cho người nhiễm HIV; giảm lây truyền HIV sang người khác; và đem lại hiệu quả cao về kinh tế cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.

95% người nhiễm HIV không có khả năng lây cho người khác nhờ thuốc ARV

Với những lợi ích đó, Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường điều trị ARV cho người nhiễm HIV, điều trị ngay khi phát hiện nhiễm HIV, phân cấp điều trị ARV về tuyến y tế cơ sở, đảm bảo chất lượng điều trị HIV/AIDS. Hiện nay, Việt Nam có gần 140.000 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, đạt khoảng 70% người nhiễm HIV đã được phát hiện. Trong số đó, tỷ lệ bệnh nhân có tải lượng vius dưới ngưỡng ức chế và hầu như không có khả năng lây nhiễm cho người khác theo con đường tình dục lên đến hơn 95%.

Trong nhiều năm qua, điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV chủ yếu dựa vào các nguồn viện trợ quốc tế (đặc biệt là viện trợ của Chính phủ Mỹ thông qua PEPFAR và viện trợ của Quỹ Toàn cầu). Hiện nay, nguồn thuốc ARV viện trợ đã bị cắt giảm, đặc biệt là nguồn thuốc của PEPFAR. Để đảm bảo tính bền vững của điều trị HIV/AIDS, Chính phủ Việt Nam đã chủ trương sử dụng nguồn BHYT để thanh toán thuốc kháng vi rút ARV cho người nhiễm HIV. Để thực hiện chủ trương này, trong những năm qua, Bộ Y tế đã phối hợp với BHXH Việt Nam và các địa phương khẩn trương thực hiện việc chuyển đổi điều trị ARV từ nguồn viện trợ sang BHYT. Hàng loạt giải pháp đã được thực hiện, như: Ban hành các văn bản pháp quy; kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS; mở rộng tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT; tổ chức đấu thầu tập trung thuốc ARV sử dụng nguồn quỹ BHYT...

Cột mốc quan trọng đảm bảo tài chính điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam

Sự kiện “Những bệnh nhân HIV/AIDS đầu tiên điều trị thuốc ARV từ nguồn BHYT”, đánh dấu một cột mốc quan trọng nhằm đảm bảo tài chính cho điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam. Cũng tại thời điểm này, 188 cơ sở điều trị ARV trên toàn quốc bắt đầu điều trị ARV cho bệnh nhân thông qua BHYT. Từ hôm nay, chúng ta sẽ từng bước mở rộng điều trị ARV cho người bệnh nhân HIV/AIDS thông qua BHYT; phấn đấu đến cuối năm nay sẽ có trên 40.000 bệnh nhân được nhận thuốc ARV qua BHYT và tiếp tục tăng nhanh trong năm 2020 và những năm sau.

 

Sự kiện “Những bệnh nhân HIV/AIDS đầu tiên điều trị thuốc ARV từ nguồn BHYT

Sự kiện là cột mốc quan trọng, nhưng chặng đường phía trước đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và điều trị ARV nói riêng vẫn còn dài. Để mở rộng thành công điều trị ARV qua BHYT trong thời gian tới, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị:

-         Với những người không may bị nhiễm HIV: Hãy cố gắng tham gia BHYT và tuân thủ điều trị ARV theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc.

-         Với các địa phương: Đề nghị các đồng chí bố trí, huy động kinh phí để thực hiện mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV BHYT theo Quyết định 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

-         Với cơ quan BHXH Việt Nam: Đề nghị các đồng chí phối hợp với Bộ Y tế để đảm bảo cung ứng thuốc ARV cho bệnh nhân có thẻ BHYT liên tục, kịp thời.

-         Với các cơ sở điều trị: Đề nghị các đồng chí tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh HIV/AIDS được khám, chữa bệnh với chất lượng cao; ân cần, niềm nở, tránh kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; đảm bảo bí mật thông tin cá nhân cho người bệnh.

Bộ Y tế sẽ luôn quan tâm chỉ đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các Cục/Vụ có liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, như: Kiện toàn các văn bản pháp quy và hướng dẫn các địa phương thực hiện; giám sát, hỗ trợ địa phương tháo gỡ kịp thời các khó khăn; huy động các nguồn lực để hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện...

Việt Nam dẫn đầu toàn cầu về tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV đạt ngưỡng tải lượng ức chế HIV 93%

Phát biểu tại Sự kiện, Ngài Daniel j Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định:  trên thế giới, có rất ít các nước đang phát triển dùng nguồn bảo hiểm y tế để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV. Trong các nước trọng điểm của chương trình PEPFAR, Việt Nam là nước duy nhất huy động nguồn lực trong nước thông qua bảo hiểm y tế để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV. Điều này có được là nhờ cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về tính bền vững lâu dài cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Việt Nam là nước dẫn đầu trên toàn cầu về tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV đạt ngưỡng tải lượng virus ức chế, ở mức 93%.

 

Ngài Daniel j Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam tại sự kiện


Từ ngày 08/3/2019, Việt Nam sẽ từng bước mở rộng điều trị ARV cho người bệnh nhân HIV/AIDS thông qua BHYT; phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ có trên 40.000 bệnh nhân được nhận thuốc ARV qua BHYT và tiếp tục tăng nhanh trong năm 2020 và những năm sau.

Bộ Y tế chọn 4 địa phương: TP.Hà Nội, TP.Hải Phòng, Nghệ An và TP. Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện cấp quốc gia “Những bệnh nhân đầu tiên nhận điều trị ARV từ nguồn bảo hiểm y tế”.

Bộ Y tế giao Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hướng dẫn 63 tỉnh thành phố đồng loạt tổ chức sự kiện “Những bệnh nhân đầu tiên điều trị thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế” vào ngày 08/3/2019, nhằm truyền thông, quảng bá mốc chuyển đổi nguồn thuốc ARV từ BHYT; Nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của BHYT trong việc điều trị HIV/AIDS; Đồng thời, vận động sự ủng hộ của các ban ngành trong việc đảm bảo cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT được liên tục.



Thu Phương-Phương Tiến-Nhiên
Ý kiến của bạn