Hà Nội

Những bệnh này rất dễ tấn công bạn trong ngày Tết

11-02-2015 20:38 | Y học 360
google news

Nền nhiệt thấp và mưa phùn ẩm, chế độ ăn uống sinh hoạt ‘thả phanh’ ngày Tết chính là yếu tố khiến nhiều người dễ bị gặp phải những căn bệnh này.

Bệnh khớp

Theo Đông y, Tết là thời điểm có nền nhiệt thấp, đây là điều kiện thuận lợi cho các yếu tố gây bệnh như phong, hàn (gió, lạnh) phối hợp xâm nhập vào cơ thể và lưu đọng lại ở các khớp xương khiến khí huyết kém lưu thông, kinh lạc bị trì trệ, gây sưng, đau, tê nặng ở khớp.

Y học hiện đại cũng lý giải: Khi nhiệt độ hạ xuống kèm theo độ ẩm tăng cao do mưa phùn, không khí lạnh thâm nhập vào cơ thể qua đường da. Điều này làm giảm cung cấp máu cho các cơ quan ngoại biên khiến máu đến các khớp xương bị hạn chế hoặc rất ít nên thiếu máu nuôi dưỡng khớp.

Không khí lạnh còn làm độ nhớt của khớp tăng lên khiến gân cơ bị co rút và dịch khớp trở nên đông quánh hơn gây cứng khớp, đau mỏi khớp.

Bên cạnh đó, không khí đón Tết thường làm người bệnh “mất cảnh giác” không chú ý đến việc ăn uống, dẫn tới việc ăn quá nhiều các thực phẩm làm tăng chất mỡ trong máu và gây xúc tác phản ứng viêm tấy ở mặt trong bao khớp như thịt mỡ, bơ, xúc xích, bánh kẹo…

Ngoài ra, trời lạnh kèm với sự bận rộn trong các ngày Tết cũng khiến người bệnh sao nhãng việc luyện tập cũng góp phần làm bệnh trở nặng hơn.

Do đó, trong những ngày này, các bạn đừng quên những bài thể dục nhẹ nhàng để cơ xương khớp luôn giữ được độ dẻo dai. Dọn dẹp nhà cửa, đi bộ khi đi mua sắm hoặc du xuân cũng là giải pháp an toàn cho xương khớp được vận động.

Những bệnh này rất dễ tấn công bạn trong ngày Tết
Những bữa nhậu kéo dài là nguyên nhân gây nên một số bệnh như: viêm loét dạ dày, mỡ trong máu, gút,... (Ảnh: internet)

Bệnh viêm dạ dày

Trước Tết, nhiều cơ quan tổ chức ăn tất niên 2-3 tăng: Ăn nhậu, karaoke. Với cánh mày râu là doanh nghiệp, cuối năm là dịp mời đối tác đi ăn rồi tặng quà…

Những bữa nhậu càng kéo dài lâu, thì chất kết dính trong công việc càng bền chặt. Vì vậy, bàn nhậu như một thứ không thể thiếu vào những ngày cuối năm.

Những người từng bị bệnh viêm loét dạ dày sẽ dễ bị tái phát trong dịp Tết do nhiều nguyên nhân: căng thẳng, thức khuya, lo toan chuẩn bị Tết, ăn uống không điều độ, không đúng giờ, ăn uống nhiều chất gây hại cho dạ dày (chua cay, rượu bia).

Hãy quan niệm mừng năm mới là những ngày chúng ta được nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Đừng bắt cơ thể chúng ta ‘phải, phải, phải’ quá nhiều, không chỉ làm tái phát bệnh viêm loét dạ dày mà còn làm căng thẳng thần kinh, không có lợi cho cả hệ tim mạch và hệ thần kinh trung ương.

Quan trong nhất, cần nhớ rằng, bệnh viêm loét dạ dày là bệnh có thể bị tái phát và cơ chế gây bệnh liên quan đến chế độ ăn uống. Do đó, dù vui xuân, chúng ta vẫn nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học để tránh bị những cơn đau do bệnh viêm loét dạ dày tái phát hành hạ.

Sinh hoạt và ăn uống điều độ, đúng giờ và thành bữa để dạ dày có lúc nghỉ ngơi. Nên ăn ít các thức ăn xào, rán khó tiêu, nhiều gia vị, dưa, cà, hành muối, các quả chua, chuối tiêu.

Tránh các chất kích thích, hạn chế rượu, bia, thuốc lá, trà đặc, cà phê. Tránh ăn những thức ăn có mảnh sắc, dai cứng như xương băm, sụn, tôm, cua, cá rán...Tránh ăn quá nóng, quá lạnh, hay quá no vì ăn nóng quá làm niêm mạc dạ dày sung huyết, lạnh quá làm dạ dày co bóp mạnh hơn dễ gây đau, có khi chảy máu, quá no lại làm dạ dày căng to, co bóp yếu, ảnh hưởng đến quá trình nhào trộn tiêu hoá thức ăn.

Bệnh tiểu đường

Chế độ dinh dưỡng của người bệnh tiểu đường mà bác sĩ buộc tuân thủ là: tuyệt đối không ăn bánh kẹo, đồ hộp, ăn hạn chế các loại cơm, bánh mì; khuyến khích ăn nhiều rau củ, các loại đạm như cá, thịt nạc, ngũ cốc...

Do đó, đương sự chịu khá nhiều thử thách trước các loại bánh ngọt, mứt, nước ngọt có gas… Khổ hơn nữa là bị cấm ăn ngọt trong khi về tâm lý, những cái gì bị cấm là lại… thèm. Kiêng khem quá cũng ức chế, cũng stress càng làm cho đương sự dễ ‘phạm tội’. Đã không ít người nhập viện ngay trong ngày Tết vì suy nghĩ ‘kệ, ăn xong uống thuốc’.

Theo bác sĩ Đào Thị Yến Phi - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, người bệnh tiểu đường có thể thay một chén cơm bằng 2/3 chén bánh chưng hoặc bánh tét, bún, miến…

Số lượng và số bữa ăn nên như ngày thường. Để không bị các món ăn ngày Tết quyến rũ, cần ăn nhiều bữa trong ngày, không để đói (khi đói sẽ ăn nhiều hơn nhu cầu). Khi ăn, cần giảm tốc độ, chịu khó nhâm nhi nhai kỹ.

Hiện nay, các loại bánh ngọt làm từ ngũ cốc, dầu ăn dành cho người tiểu đường rất nhiều, nên chọn mua những loại bánh này để sẵn, ‘làm ngơ' với các loại bánh làm từ bột mì trắng đầy ắp bơ thơm ngon.

Những bệnh này rất dễ tấn công bạn trong ngày Tết
Bạn nên hạn chế những món ăn nhiều dầu mỡ. (Ảnh: internet)

Huyết áp cao

Huyết áp cao là kẻ dẫn đường cho các sát thủ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim xuất hiện. Với bệnh nhân bị cao huyết áp, bác sĩ sẽ yêu cầu ăn lạt. Ngày Tết thức ăn ê hề, chuyện kiêng cữ càng làm cho người bệnh cảm thấy ủ ê, tạo cơ hội cho huyết áp nhảy vọt do cảm xúc tiêu cực. Lợi bất cập hại! Vậy nên ăn như thế nào?

Ngồi cùng bàn với người thân, các món ăn đều ‘nhúng đũa’ nhưng khẩu phần phải ‘tụt’ xuống từ 1/4 cho đến một nửa hoặc 3/4 tùy tình hình bệnh. Phần còn lại thay thế bằng đĩa rau luộc, đĩa trái cây.

Người cao huyết áp hạn chế húp nước lèo trong các món lẩu, canh măng, canh khổ qua… vì có nhiều đường, muối… Nếu muốn ‘xì xụp’ cùng người thân thì cách tốt nhất là nêm nhạt, ai ăn mặn thì chấm thêm gia vị bên ngoài.

Các bác sĩ tim mạch thường khuyên bệnh nhân ăn chuối vì chuối chứa nhiều kali, 'giữ chân' muối ăn không cho 'làm mưa làm gió' và cũng làm giảm cảm giác thèm mặn. Kali không chỉ có trong chuối mà còn trong đậu nành, đậu phộng, đậu xanh, rau dền, ngò…

Người cao huyết áp còn phải tránh ăn no vì khi dạ dày đầy căng, tim sẽ phải làm việc cật lực để huy động máu từ các nơi tới dạ dày hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Sau khi ăn, nên tráng miệng với bưởi, chuối, ổi… vừa no bụng vừa nhiều sinh tố, khoáng chất giúp cho hệ tuần hoàn làm việc nhẹ nhàng và giúp tim ‘trẻ khỏe’.

Mỡ trong máu

Mỡ trong máu tăng quá cao sẽ đóng vào thành mạch gây xơ vữa mạch máu, vỡ mạch máu, dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… Người ‘giàu có’ mỡ thường được khuyên không dùng các món chiên, xào, nội tạng… Rất may ngày Tết các món phá lấu ít hiện diện, nhưng chả giò, bánh chưng chiên… lại được ‘trình diễn’ thường xuyên.

Cách tốt nhất là ăn lấy vị, nghĩa là thay vì hai-ba cuốn chả giò thì chỉ cần một cuốn cắt ba, cuốn với nhiều rau sống. Bánh chưng chiên cũng thế, không ăn đơn thuần với dưa hành củ kiệu mà cuốn rau sống, chấm nước mắm chua ngọt vừa ngon miệng, vừa có thêm chất xơ ngăn cản cholesterol xâm nhập vào cơ thể.

Giá đỗ là kẻ thù của mỡ trong máu, vì vậy nếu cả nhà cùng ăn bánh xèo, bánh khọt thì người bệnh nên ‘giành’ ngay phần giá chín ngon ngọt trong nhân thay vì phần vỏ giòn rụm.

Gia đình có người bị mỡ trong máu nên làm các món gỏi, trộn dầu giấm: bưởi, xà lách trộn với cà chua bi, gỏi cuốn, bì cuốn với nhiều rau diếp cá, rau thơm. Tết có nhiều món ngâm trong giấm như hành, tỏi…

Hành và tỏi có công dụng thông huyết, nên chọn ăn vài tép tỏi chua, vài củ hành để ăn phát huy công dụng. Người có mỡ trong máu khi ăn nên dùng một ly rượu chát đỏ. Sau bữa ăn nên tráng miệng với các loại trái cây giàu sinh tố C giúp mạch máu trở nên mềm dẻo như: cam, quít, chuối…

Những bệnh này rất dễ tấn công bạn trong ngày Tết
Ngày Tết càng nên ưu tiên thực đơn có nhiều rau xanh và trái cây. (Ảnh: internet)

Bệnh gút

Bệnh này rất thích các chàng to con, khỏe mạnh, mập mạp trong độ tuổi trung niên, thuộc diện luôn có mặt trong các cuộc vui ‘dzô dzô 100%’. Ở phụ nữ, bệnh thường gặp ở những người không còn chu kỳ ‘đèn đỏ’ hàng tháng.

Bác sĩ Đào Thị Yến Phi cho biết: ‘Trong tất cả bệnh có liên quan đến ăn uống thì bệnh gút thiệt thòi nhất vì phải kiêng ăn triệt để. Trong khi người tiểu đường, cao huyết áp còn được uống 60ml rượu mỗi tám tiếng nhưng bệnh gút thì tuyệt đối không uống rượu, tránh tối đa thịt đỏ và các món có chứa nguyên liệu thuộc diện mầm non như: măng, nấm, giá…’.

Nhắc đến rượu mà không nói đến bia thì nhiều anh lại nghĩ rằng bác sĩ cho phép. Thật ra là cả bia cũng không được uống vì được làm từ mầm lúa mạch, cung cấp purin giúp bệnh gút hoành hành. Người bệnh gút cũng cần tránh các món nhiều mỡ, thức ăn nên chọn những con có cánh như: gà, chim cút, đà điểu… nhưng chỉ nên ăn phần ức, không ăn da.

Các món này cần được chế biến với một trong các loại dầu đậu nành, hoa hướng dương… Người bệnh cần tuyệt giao với các loại mỡ động vật bởi thành phần chất béo quá cao sẽ cản trở quy trình bài tiết ure qua nước tiểu.

Thực đơn cần giàu các loại rau trái có lợi cho cơ thể như: bưởi, cải xanh, chuối, kiwi, sơ ri, cam, cà chua, nấm mèo, nấm đông cô, dưa leo, khoai tây luộc…

Bên cạnh ăn uống đúng cách, bệnh nhân cần uống nhiều nước. Đây là biện pháp căn bản để hạn chế chất sinh sạn khớp. Tuy nhiên, người bệnh không được dùng nước ngọt có gas và các loại nước có đường. Nên chọn các loại nước đun sôi để nguội, nước trà xanh… thi thoảng có thể uống các loại nước có hương vị thơm ngon như ca cao, cà phê.

Như vậy, để đón một cái Tết lành mạnh, không bị những căn bệnh nói trên ‘thăm hỏi’ các bạn cần một chế độ sinh hoạt điều độ, thực đơn lành mạnh ưu tiên rau xanh trái cây, uống nhiều nước và cần vận động thường xuyên.

Theo VTC

 


Ý kiến của bạn