Những bệnh lý về mắt ở người bệnh đái tháo đường

13-11-2022 09:42 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Theo thời gian con người càng lớn tuổi thì các bộ phận cơ thể càng lão hóa trong đó có các vấn đề về mắt. Với người mắc bệnh đái tháo đường thì những nguy cơ bệnh lý về mắt còn cao hơn gấp nhiều lần.

Theo các nhà nghiên cứu, người bệnh đái tháo đường sẽ gặp nguy cơ các bệnh lý về mắt. Đây là những bệnh lý có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh đái tháo đường. Dưới đây là những bệnh lý về mắt mà người bệnh đái tháo đường phải đối mặt.

1. Nguy cơ mắc đục thủy tinh thể ở người bệnh đái tháo đường

Đục thủy tinh thể là một bệnh mắt thường gặp nhất ở người đái tháo đường. Đây là hiện tượng đục mờ thủy tinh thể, điều này ngăn không cho tia sáng tới vùng võng mạc thần kinh mắt, gây nên võng mạc không thu được hình ảnh khiến thị lực bệnh nhân suy giảm dẫn đến mù lòa.

Ở người đái tháo đường do khi đường huyết tăng cao, một phần glucose chuyển thành đường sorbitol. Đây là loại đường này tích tụ ở mắt khiến protein bị lắng cặn ở phần trung tâm thủy tinh thể (đục nhân) khiến người bệnh có cảm giác như có làn sương mờ trước mặt và thị lực giảm nhanh chóng.

Vì vậy, nếu người bệnh đái tháo đường thấy xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ như: mờ mắt, nhìn song ảnh, mỏi mắt, khô mắt, thị lực giảm… cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa khám, chẩn đoán và điều trị.

2. Nguy cơ mắc glôcôm ở người bệnh đái tháo đường

Glôcôm hay còn gọi là cườm nước, thiên đầu thống là bệnh lý được đặc trưng bởi tình trạng thủy dịch trong mắt dẫn lưu kém làm tăng áp lực lên mắt. Theo nghiên cứu, người đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh này ở cao hơn người bình thường khoảng 40%. Nếu mắc bệnh đái tháo đường càng lâu năm thì khả năng biến chứng xảy ra càng cao, khi đó làm tổn thương các tế bào võng mạc và thần kinh thị giác khiến tầm nhìn của người bệnh sẽ giảm dần.

Ở người bệnh đái tháo đường nếu mắc glôcôm thì sẽ có các biểu hiện như: đau mắt, chảy nước mắt, mờ mắt, nhức đầu, buồn nôn, nhìn thấy quầng sáng trước mắt… Ở một số trường hợp nhãn áp tăng chậm nên không xuất hiện các triệu chứng nhưng đến giai đoạn muộn khi tế bào võng mạc và thần kinh thị giác tổn thương nhiều thì thị lực sẽ bị mất hoàn toàn.

Những bệnh lý về mắt ở người bệnh đái tháo đường - Ảnh 2.

Người bệnh đái tháo đường thường có nguy cơ biến chứng về mắt .

3. Bệnh võng mạc không tăng sinh ở người bệnh đái tháo đường

Ở người đái tháo đường các mao mạch ở đáy mắt bị giãn tạo thành những túi nhỏ gây tắc mạch và làm tổn thương chức năng của từng vùng mà mạch máu đó chi phối. Bệnh võng mạc không tăng sinh có thể có 3 giai đoạn nhẹ, trung bình và nặng nhưng điều đặc biệt càng ngày có nhiều mạch máu mới bị tắc nghẽn.

Tuy bệnh võng mạc không tăng sinh thường không gây mất thị lực ở giai đoạn này, nhưng mạch máu bị giãn sẽ dẫn đến tuần hoàn tại mắt bị rối loạn. Khi đó có thể sẽ gây ra tình trạng phù hoàng điểm khiến cho người bệnh đái tháo đường giảm thị lực rất nhanh, nhìn hình méo mó hoặc có thể mất hoàn toàn thị lực.

‎4. Bệnh võng mạc tăng sinh ở người bệnh đái tháo đường

Bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh là loại nặng nhất của bệnh võng mạc tháo đường. Khi bị bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh, các mạch máu bất thường phát triển trong võng mạc. Các mạch máu bị tắc nghẽn rất nhiều, khi đó cơ thể sẽ tạo ra những mạch máu mới trên võng mạc, các mạch này thường không có chức năng, khá mỏng manh. Nên có thể vỡ và máu sẽ tràn ra che lấp đường nhìn dẫn đến giảm thị lực. Các mạch máu mới này cũng có thể tạo thành xơ sẹo ở võng mạc và sự co kéo của mô sẹo có thể làm biến dạng võng mạc hoặc gây ra bong võng mạc.

‎Tóm lại: Người bệnh đái tháo đường thường có nguy cơ biến chứng về mắt nhưng nếu phát hiện và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ mất thị lực đến 95%. Và thực tế, nhiều người mắc bệnh võng mạc không tăng sinh lại không có nhiều triệu chứng và ngay cả võng mạc tăng sinh, đôi khi cũng chỉ có biểu hiện ở giai đoạn muộn. Do đó, việc kiểm tra mắt thường xuyên ở người bệnh đái tháo đường là rất cần thiết.

Thông thường các bác sĩ sẽ khuyến cáo người bệnh khám định kỳ khoảng 6-12 tháng cần kiểm tra một lần. Trường hợp đặc biệt như phụ nữ bị đái tháo đường khi mang thai nên khám mắt sớm và kiểm tra mắt trong suốt thai kỳ.

Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường cũng cần chủ động ăn kiêng theo hướng của bác sĩ để kiểm soát glucose huyết ở mức an toàn. Cần uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, thường xuyên tập thể dục thể thao, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh (ít ngọt, nhiều rau..) cũng giúp ngăn ngừa tình trạng giảm thị lực đối với các bệnh mắt do đái tháo đường.

Mời độc giả xem thêm video:

Người bệnh sốt xuất huyết nên ăn kiêng thế nào?



BS. Lê Hoàng Anh
Ý kiến của bạn