Một công cụ phòng ngừa quan trọng chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục là tiêm chủng. Hiện nay, đã có vaccine để bảo vệ chống nhiễm trùng HPV, viêm gan A và viêm gan B. Các loại vaccine khác đang được nghiên cứu, phát triển.
1. Viêm gan B
Virus viêm gan B có thể lây truyền qua chất dịch (tinh dịch, dịch tiết âm đạo và máu) và thường lây truyền qua quan hệ tình dục. Nó cũng có thể lây nhiễm khi người tiêm chích ma túy dùng chung kim tiêm và các dụng cụ tiêm chích khác.
Mặc dù viêm gan B có thể gây bệnh nhẹ nhưng nó cũng có nguy cơ là một bệnh nhiễm trùng mạn tính nghiêm trọng hơn, với các biến chứng bao gồm xơ gan (sẹo gan) và thậm chí là ung thư gan.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo tiêm phòng viêm gan B cho nhiều nhóm, trong đó có:
- Bạn tình của người bị viêm gan B.
- Bất cứ ai có hoạt động tình dục nhưng không có mối quan hệ một vợ một chồng lâu dài.
- Những người được điều trị STD/STIs.
- Đàn ông quan hệ tình dục đồng giới.
Vaccine viêm gan B an toàn và tác dụng phụ được báo cáo phổ biến nhất là đau nhức tại chỗ tiêm. Những người tiêm phòng đủ vaccine viêm gan B có khả năng bảo vệ khỏi bệnh viêm gan B cao hơn 90%.
2. Viêm gan A
Viêm gan A lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc bằng miệng với phân (tiếp xúc qua đường miệng-phân). Điều này bao gồm nguồn thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm và quan hệ tình dục, đặc biệt là quan hệ tình dục bằng miệng-hậu môn.
CDC Hoa Kỳ khuyến nghị tiêm vaccine viêm gan A cho tất cả trẻ em và thanh thiếu niên, cũng như những người có nguy cơ mắc bệnh viêm gan cao hơn, trong đó có:
- Đàn ông quan hệ tình dục đồng giới.
- Những người sử dụng hoặc tiêm chích ma túy.
- Người bị viêm gan B hoặc C.
Vaccine viêm gan A có hiệu quả và bảo vệ lâu dài sau liều thứ hai. Đau nhức tại chỗ tiêm là tác dụng phụ phổ biến nhất được báo cáo.
3. Tiêm phòng vaccine HPV giảm tỷ lệ ung thư cổ tử cung
Papillomavirus ở người (HPV) là tên của một nhóm virus gây nhiễm trùng da. Có hơn 100 loại HPV khác nhau. Một số loại HPV gây ra mụn cóc ở tay hoặc chân và các loại khác có thể gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục.
Tỷ lệ nhiễm HPV và tiền ung thư cổ tử cung đã giảm đáng kể kể từ khi vaccine được sử dụng. Trong số các cô gái tuổi teen, tỷ lệ nhiễm các loại virus HPV gây ra một số bệnh ung thư và mụn cóc sinh dục đã giảm 86%. Ở phụ nữ trưởng thành trẻ tuổi, tỷ lệ nhiễm các loại HPV gây ra hầu hết các bệnh ung thư và mụn cóc sinh dục đã giảm 71%.
Một số loại HPV sinh dục có thể gây ra mụn cóc sinh dục, trong khi các loại HPV sinh dục khác có liên quan đến những thay đổi tế bào bất thường trên cổ tử cung (được phát hiện qua xét nghiệm Pap) có nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung. Vaccine HPV tăng bảo vệ chống lại các loại virus gây ra hầu hết các trường hợp mụn cóc và những loại gây ra hầu hết bệnh ung thư cổ tử cung.
CDC Hoa Kỳ khuyến nghị tất cả bé trai và bé gái nên tiêm vaccine ngừa HPV ở tuổi 11 hoặc 12. Vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn khi được tiêm trong độ tuổi 12.
Bộ Y tế mở rộng chỉ định độ tuổi tiêm vaccine HPV cho người từ 27-45 tuổi dựa theo cập nhật khuyến cáo y khoa tiến bộ trên thế giới. Các chuyên gia cho biết, vaccine HPV vẫn có hiệu quả bảo vệ cao khỏi các chủng HPV nguy cơ và ngăn chặn nguy cơ tái nhiễm hoặc nhiễm chủng HPV mới cho người từ 27-45 tuổi.
Vaccine HPV an toàn. Các tác dụng phụ được báo cáo phổ biến nhất bao gồm đau, sưng và đỏ ở chỗ tiêm.
Xem thêm video được quan tâm:
Điểm mặt các bệnh tình dục nguy hiểm nhất hiện nay.