Những bệnh dễ mắc khi hè sang và cách chăm sóc trẻ đúng chuẩn

02-05-2023 06:35 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Mùa hè đến, thời tiết thường nóng bức, khó chịu khiến trẻ khó thích ứng với nhiệt độ của môi trường xung quanh nên dễ bị nhiễm bệnh. Chính vì vậy cha mẹ cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Một số bệnh lý trẻ dễ mắc vào mùa hè

Theo ThS.BS Phan Hữu Kiệm - Khoa Nội IV, BV Phổi Hà Nội, thời tiết mùa hè là điều kiện thuận lợi cho vi trùng, vi khuẩn phát triển nên tất cả các đối tượng đều dễ mặc bệnh. Trẻ em có sức đề kháng kém hơn nên có thể nhiễm một số bệnh lý như sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, mất nước điện giải, sốt virus, rôm sẩy…

Tiêu chảy cấp là bệnh lý hay xảy ra nhất vào dịp hè. Thời tiết nắng nóng khiến thức ăn dễ bị ôi thiu, đặc biệt là học sinh đang độ tuổi đến trường sử dụng những thực phẩm mất vệ sinh an toàn thực phẩm thì tình trạng mắc bệnh tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm sẽ xảy ra.

Nhiệt độ cao khiến nhiều phụ huynh sử dụng điều hòa làm mát cho bé. Tuy nhiên khi sử dụng điều hòa quá nhiều thời gian và quá lạnh, da của trẻ sẽ dẫn đến tình trạng mất nước, khô da tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, vi khuẩn tấn công vào đường hô hấp dẫn đến khó thở. Do đó cha mẹ cần chú ý không để quạt hướng thẳng mặt trẻ, nhất là trẻ sơ sinh và dùng điều hòa đúng cách.

BS. Kiệm cũng cho biết, đây là thời điểm nhiều muỗi, trẻ rất dễ bị sốt xuất huyết. Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị sốt xuất huyết như trẻ bị sốt, không ho, không sổ mũi, không tiêu chảy, trên người nổi những nốt xuất huyết, thường là ở cánh tay, cẳng chân. Các nốt tròn, nhỏ như vết muỗi cắn nhưng khác ở chỗ khi căng ra những điểm này không biến mất. Khi có các biểu hiện như trên thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.

Thời tiết nóng, nhiệt độ cơ thể tăng cao là nguyên nhân gây hiện tượng nổi mụn nhọt, rôm sảy và các mẩn ngứa đỏ ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Khi trẻ không được vệ sinh da đúng cách, mồ hôi của trẻ sẽ làm cho các mụn rôm sảy phát triển thành mụn mủ có khi còn thành nhọt, từ đó có nguy cơ bị viêm da…

Say nắng cũng là một trong những bệnh lý nguy hiểm. Nhiệt độ cơ thể trẻ tăng cao làm giãn mạch não gây ra tăng áp lực sọ và làm nhức đầu, có thể kèm theo nôn mửa hay hôn mê, co giật do ức chế vỏ não ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Chăm sóc sức khỏe trẻ đúng cách

Mùa hè, thời điểm nắng nóng đỉnh điểm sẽ rơi vào khoảng từ 11 giờ đến 16 giờ, đây là thời gian cha mẹ không nên cho trẻ ra ngoài vui chơi. Nhiệt độ tăng cao khiến trẻ dễ bị sốc nhiệt, say nắng.

Cha mẹ cần xây dựng một chế độ ăn lành mạnh là điều hết sức cần thiết. Theo ThS. BS Phan Hữu Kiệm, thời tiết nắng nóng cần bổ sung nhiều dưỡng chất cho trẻ, giúp trẻ tăng sức đề kháng, bổ sung thêm nhiều rau xanh và hoa quả có tác dụng giúp cơ thể thanh nhiệt, chống táo bón.

Những bệnh dễ mắc khi hè sang và cách chăm sóc trẻ đúng chuẩn - Ảnh 2.

Bổ sung nước thường xuyên cho trẻ. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, việc bổ sung nước thường xuyên giúp trẻ tránh nguy cơ bị mất nước. Khi trẻ vận động nhiều, cơ thể tiết mồ hôi, đi tiểu nhiều và không bù nước kịp thời dẫn đến trẻ bị nôn mửa, tiêu chảy… Khi trẻ bị mất nước sẽ có biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt… Do vậy cha mẹ cần chú ý nhắc con uống nước sau khi nô đùa.

Khi cho trẻ ra ngoài trời, cha mẹ cần mặc áo chống nắng, đội mũ rộng vành và đeo khẩu trang giúp trẻ tránh mất quá nhiều mồ hôi và say nắng. Luôn mặc quần áo thoáng mát, khi vui chơi trẻ ra nhiều mồ hôi, cha mẹ nên lau khô người, thay quần áo mới cho trẻ.

Nhằm giúp trẻ tránh các bệnh liên quan đến tiêu hóa, cha mẹ cần chú ý cho trẻ ăn chín uống sôi, không nên ăn những thực phẩm để qua đêm, những hàng quán ngoài vỉa hè đặc biệt là tránh sử dụng nhiều đồ lạnh gây ra viêm họng. Cha mẹ cần cho trẻ rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh tránh vi khuẩn xâm nhập đường ruột.

Vệ sinh không gian sống sạch sẽ, tăng cường biện pháp phòng chống muỗi, diệt bọ gậy, mắc màn trước khi ngủ tránh trẻ bị muỗi cắn gây nên sốt xuất huyết.

CẢNH BÁO: Gia Tăng Trẻ Mắc Virus Hợp Bào Hô Hấp (RSV) Thời Điểm Giao Mùa | SKĐS


Hồng Ngọc
Ý kiến của bạn