Những bệnh cảnh tiết niệu cần cấp cứu dù ngại... COVID – 19

26-03-2020 15:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp. Việc hạn chế đến nơi đông người để tránh sự lây lan của dịch bệnh là biện pháp chủ động, đúng đắn, hiệu quả. Tuy vậy, có những bệnh lý không thể trì hoãn, cần được khám, chẩn đoán và can thiệp kịp thời nếu không, chắc chắn sẽ dẫn đến biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Trong chuyên khoa Tiết niệu, tôi xin nêu qua một số bệnh cảnh cấp cứu bắt buộc phải đến bệnh viện khám ngay để được xử lý kịp thời, nếu người bệnh vì lý do “sợ dịch bệnh” mà không đến bệnh viện sẽ khó tránh khỏi biến chứng nguy hiểm.

Sốt

Sốt trong các bệnh lý tiết niệu thường biểu hiện với sốt cao 39 – 40 độ C, kèm rét run. Khi có sốt do viêm nhiễm của hệ tiết niệu, thường do viêm nhiễm các tạng đặc: Thận, tuyến tiền liệt, tinh hoàn…Ngoài ra, biểu hiện sốt luôn kèm theo đau tại các bộ phận tương ứng. Sốt có thể là dấu hiệu chỉ điểm những bệnh cảnh sau:

Ứ mủ thận: Đau lưng tương ứng với bên bị bệnh, khám thấy có phản ứng vùng hố thận. Xét nghiệm máu thấy hội chứng nhiễm khuẩn nặng.Chẩn đoán hình ảnh cho phép xác định bệnh. Cần điều trị cấp cứu với dẫn lưu thận và kháng sinh phù hợp theo kháng sinh đồ. Nếu chậm trễ đến bệnh viện, việc xử lý muộn, nhiều nguy cơ nhiễm trùng máu, cắt thận, nguy hiểm đến tính mạng.

Ứ mủ thận cần được cấp cứu dẫn lưu mủ kịp thời

Viêm tinh hoàn: Đau, sưng vùng bìu. Siêu âm và xét nghiệm máu cho phép chẩn đoán xác định.Viêm tinh hoàn cần điều trị kháng sinh liều cao, giảm viêm để tránh nguy cơ áp xe tinh hoàn hoặc xấu hơn là nhiễm trùng máu.

Viêm tuyến tiền liệt: Đau tức vùng tầng sinh môn kèm theo rối loạn tiểu tiện. Khi thăm trực tràng sờ vào tuyến tiền liệt sẽ rất đau. Xét nghiệm máu có nhiễm trùng, xét nghiệm nước tiểu có thể thấy vi trùng. Viêm tuyến tiền liệt cần điều trị kháng sinh liều cao, giảm viêm để tránh nguy cơ nhiễm trùng máu.

Đau

Đau là một dấu hiệu không được bỏ qua, mức độ từ nhẹ đến nặng. Đau có thể thấy trong các trường hợp cần cấp cứu sau đây:

Xoắn tinh hoàn: Là một biến chứng thường xảy ra vào lứa tuổi dậy thì, ở những trẻ bị ẩn tinh hoàn chưa được mổ. Bệnh biểu hiện với đau dữ dội, đột ngột ở bìu. Vùng bìu bẹn sưng to, sờ rất đau, có thể chuyển màu tím đen. Đây là một trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp, nếu mổ muộn sau 06 giờ tính từ cơn đau đầu tiên thì khả năng phải cắt tinh hoàn bị hoại tử do xoắn là rất cao.

Cơn đau quặn thận cấp: Triệu chứng điển hình của một cơn đau quặn thận do sỏi niệu quản là đau đột ngột, dữ dội, bắt đầu từ vùng thắt lưng sau đó lan ra phía trước theo đường dưới sườn và xuống cơ quan sinh dục ngoài. Bệnh nhân phải gập người cho đỡ đau, vã mồ hôi, mặt tái đi... Có thể kèm theo nôn, buồn nôn hoặc đái máu. Các loại thuốc giảm đau thông thường không có tác dụng. Cơn đau tăng lên dữ dội nếu uống nước. Cơn đau quặn thận cấp do sỏi niệu quản có thể gây những biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong nếu không được điều trị đúng và kịp thời.

Trường hợp không điển hình: Cơn đau lưng nhẹ, thoáng qua dù không dùng thuốc. Nếu sỏi ở thấp gần bàng quang, bệnh nhân có thể có biểu hiện buồn đái nhiều lần nhưng chỉ đi được với số lượng ít hoặc không đái được; đái buốt hoặc chỉ đau tức nhẹ vùng bìu hay gốc dương vật hoặc vùng môi lớn nếu ở phụ nữ. Các trường hợp cơn đau quặn thận này dễ bị bỏ sót dẫn đến biến chứng, giãn thận niệu quản.
Cần lưu ý rằng ngay cả khi cơn đau quặn thận hết đau hoàn toàn cũng không có nghĩa là “bệnh” đã khỏi, cần được khẳng định có còn sỏi niệu quản hay không bằng chẩn đoán hình ảnh hoặc khi đã đái ra sỏi.

Cơn đau quặn thận cấp  có thể gây những biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong nếu không được điều trị đúng và kịp thời.

Rối loạn tiểu tiện

Rối loạn tiểu tiện mang tính cấp cứu bao gồm bí tiểu và triệu chứng tiểu buốt.

Bí tiểu: Do cấu trúc giải phẫu, bí tiểu thường hay gặp ở đàn ông. Trong số các yếu tố dẫn tới  nguy cơ bí tiểu, hay gặp nhất là phì đại tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt, rối loạn vận hành bàng quang - cơ thắt niệu đạo do yếu tố thần kinh.
Bí tiểu cấp tính gây đau dữ dội vùng tiểu khung đồng thời không thể tiểu tiện được.
Chẩn đoán bí tiểu cấp tính dễ dàng nhờ sờ thấy bàng quang căng to, đau. Bí tiểu nếu không được xử trí ngay có thể dẫn tới giãn đài bể thận, suy thận, biến chứng vỡ bàng quang.

Tiểu buốt: Đây là biểu hiện rất hay gặp trong viêm bàng quang, thể hiện bằng tiểu buốt với cảm giác bỏng rát dọc niệu đạo trong hoặc sau khi đi tiểu; phải liên tục đi tiểu nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ ra được một chút nước tiểu; cảm giác tiểu gấp với nhu cầu phải tiểu tiện khẩn cấp đôi khi nếu không đi kịp sẽ són tiểu ra quần; nước tiểu đục và có mùi hôi; có thể tiểu ra máu ở cuối bãi; đau vùng bụng dưới... thông thường trong viêm bàng quang bệnh nhân thường không sốt. Viêm bàng quang cần được điều trị sớm với kháng sinh, uống nhiều nước (trên 2lít /24h) để tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ngược dòng lên thận hoặc trở thành viêm bàng quang mãn.

Lời khuyên của bác sĩ

Trên đây đều là những bệnh cảnh cần xử trí ngay ở cơ sở y tế chuyên khoa, nếu để lâu sẽ dẫn tới những biến chứng, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng. Nếu bạn hoặc người thân của bạn có những triệu chứng được nêu ở trên, phải đến bệnh viện ngay


BS. CKII. Lê Sĩ Trung
Ý kiến của bạn