Những báu vật gắn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (P3): Xe tăng 843 và con dao găm trên nóc Dinh Độc lập

30-04-2025 15:09 | Thời sự

SKĐS - Giữa hàng ngàn hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, có 2 kỷ vật đặc biệt luôn khiến bước chân khách tham quan như chậm lại...

Đó là chiếc xe tăng T54B số hiệu 843, một trong những chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng phụ Dinh Độc lập và con dao găm mà đồng chí Trần Đức Tình dùng để cắt đứt cờ ngụy quyền vào trưa ngày 30/4/1975. 

Hai báu vật thiêng liêng đã lưu giữ dấu chấm hết của chế độ ngụy quyền và mở ra một trang sử mới cho dân tộc - một trang sử của độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

Những báu vật gắn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (P3): Xe tăng 843 và con dao găm trên nóc Dinh Độc lập- Ảnh 1.

Xe tăng T54B số hiệu 843 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Bảo vật quốc gia, biểu tượng của lịch sử

Cho tới nay, hình ảnh chiếc xe tăng 843 lao qua cánh cổng của Dinh Độc lập vào trưa 30/4/1975 đã trở thành một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Được biết, xe thuộc biên chế Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 203, Quân đoàn 2 do Trung úy Bùi Quang Thận làm trưởng xe và đại đội trưởng Vũ Đăng Toàn chỉ huy. 

Những báu vật gắn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (P3): Xe tăng 843 và con dao găm trên nóc Dinh Độc lập- Ảnh 2.

Kíp xe tăng 843 (tư liệu).

Những chiến công của xe tăng 843 sau đó được ghi chép tỉ mỉ trong hồ sơ Bảo vật Quốc gia hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân Sự Việt Nam. Chiếc xe cũng được đưa về trưng bày tại bảo tàng nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/1979). Tới năm 2012, xe tăng 843 được công nhận Bảo vật quốc gia đợt một. Có thể nói, đây là hiện vật gốc rất có giá trị, ghi dấu một chiến công vĩ đại của dân tộc ta.

Nhớ lại mùa Xuân năm 1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, kíp lái xe tăng T54B số hiệu 843 được lệnh tiên phong đánh vào Huế từ ngày mùng 5 đến ngày 29/3. Giải phóng Huế xong, xe tiếp tục tiến công quân địch tại Đà Nẵng.

Thời điểm 9 giờ 30 phút ngày 30/4, lực lượng thọc sâu tiến đến cầu Sài Gòn. Cho tới 11 giờ trưa, xe tăng 843 đã dẫn đầu đội hình thọc sâu đánh chiếm phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn khi đó. Xe húc thẳng vào cổng phụ của Dinh Độc Lập, sau đó bị chết máy. Không chần chừ, đại đội trưởng Bùi Quang Thận lập tức nhảy ra khỏi xe và chạy lên nóc Dinh Độc Lập cắm lá cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đánh dấu giờ phút thiêng liêng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Những báu vật gắn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (P3): Xe tăng 843 và con dao găm trên nóc Dinh Độc lập- Ảnh 3.

Cờ "Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam" treo tại Bộ Tổng Tham mưu ngụy 30/4/1975.

Trong diễn biến dưới cổng Dinh, sau khi xe 843 bị kẹt lại thì chiếc xe thứ 2 số hiệu 390 đã húc đổ hoàn toàn cổng chính, đưa quân giải phóng vào, bắt sống toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn.

Sau ngày thống nhất, xe tăng 843 được lệnh ra tiếp quản cảng Nhà Bè (nay là cảng Nhà Rồng) rồi hành quân về tổng kho Long Bình. Tháng 5/1975, xe được đưa ra Hà Nội dự triển lãm mừng ngày thống nhất đất nước. Kết thúc triển lãm, xe tăng 843 trở về làm nhiệm vụ huấn luyện tại Lữ đoàn 203. Tới năm 1979, chiếc xe trở thành hiện vật trưng bày tại bảo tàng. Đây không chỉ là hành động mang tính chất bảo tồn một hiện vật vô giá, mà còn là lời giới thiệu về ký ức sống động của một thời kỳ lịch sử đầy gian khổ và anh dũng của dân tộc ta.

Con dao găm chấm dứt một chế độ

Quay trở về diễn biến lịch sử trưa 30/4/1975, khi chiếc xe tăng 843 bị kẹt lại ở cổng Dinh Độc Lập, không thể tiếp tục tiến vào, Trung úy Bùi Quang Thận đã chạy thẳng qua sân, tiến vào trong Dinh dưới sự yểm trợ từ hai đồng chí Đại đội 6, Trung đoàn 9: đồng chí Trần Đức Tình và đồng chí Bùi Huy Linh. 

Khi Trung úy Bùi Quang Thận lên tới sân thượng Dinh Độc Lập, đồng chí Trần Đức Tình đã nhanh chóng rút ra con dao găm, thực hiện một hành động dứt khoát: chặt đứt dây ghì cột, hạ cờ của chính quyền ngụy Sài Gòn xuống để đồng chí Bùi Quang Thận thay và kéo cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Cờ tung bay trên nóc Dinh Độc lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, báo hiệu thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng.

Những báu vật gắn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (P3): Xe tăng 843 và con dao găm trên nóc Dinh Độc lập- Ảnh 4.

Con dao găm của đồng chí Trần Đức Tình.

Với giá trị lịch sử to lớn, trải qua nửa thế kỷ, báu vật dao găm vẫn còn đó, nằm yên trang trọng trong tủ kính tại bảo tàng. Lớp gỉ sét nhuốm màu thời gian mang theo ký ức nguyên vẹn về thời khắc cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui độc lập.

Cảm xúc lắng đọng

Nhiều vị khách đến thăm bảo tàng, khi đứng trước hai kỷ vật đều vô cùng xúc động. Người cựu chiến binh là người lính năm xưa trở về trong im lặng, ánh mắt rưng rưng như vừa gặp lại một phần tuổi trẻ đã gửi vào bom đạn. Cũng có những cháu thiếu niên, nhi đồng lần đầu nhìn thấy xe tăng thật ngoài đời, bỡ ngỡ chiêm ngưỡng mảnh lịch sử sống động.

Vậy là, chỉ một cánh cửa bị húc đổ, chỉ một lưỡi dao chạm vào dây cờ, nhưng chính những hiện vật đó đã mở ra cánh cửa cho hòa bình, cắt dứt những chuỗi ngày non sông chia cắt.

Những báu vật gắn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (P3): Xe tăng 843 và con dao găm trên nóc Dinh Độc lập- Ảnh 5.

Cựu chiến binh Trần Văn Hùng (90 tuổi, Lạng Sơn).

Các hướng tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định gồm: hướng Bắc, hướng Đông Nam, hướng Tây Bắc, hướng Đông, và hướng Tây Nam. Trong đó, với hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 có nhiệm vụ đánh chiếm Đồng Dù, tiêu diệt sư đoàn 25 ngụy; đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và cùng Quân đoàn 1 đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hôm nay có hàng ngàn cựu chiến binh đã từng trải qua bom đạn, trường kỳ kháng chiến cùng dân tộc. Sau khi ngắm nhìn xe tăng 843 sừng sững, trang nghiêm, cựu binh Trần Văn Hùng (90 tuổi, Lạng Sơn) trở về với nhiều cảm xúc, ông kể:"Tôi là cựu chiến binh từng chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh, nhưng quân đoàn tôi có nhiệm vụ đánh chiếm ở hướng sân bay Tân Sơn Nhất. Hôm nay trở lại nhìn thấy chiếc xe lịch sử, tôi nhớ lại tháng ngày chiến đấu cùng đồng đội năm xưa. Nhớ lại thời điểm đó, khi nghe tin quân ta chiếm được Dinh Độc lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam, tất cả anh em ôm nhau mừng không nói thành lời".

Trong đôi mắt đã mờ theo năm tháng là cả một thời tuổi trẻ gắn liền với bom đạn, máu lửa, gian khổ và hy sinh. Ông Bình và đồng đội của mình đã sống, chiến đấu, đã ngã xuống hoặc may mắn trở về, bằng tất cả niềm tin vào một ngày đất nước sạch bóng quân thù. 

Và giờ đây, khi nhìn lại những hiện vật vô giá của lịch sử, họ như được nhìn thấy chính mình của tuổi đôi mươi hay gặp lại những người đồng đội nằm lại nơi chiến tuyến. Với thế hệ mà chiến tranh chỉ hiện ra qua trang sách hay những thước phim, thì những kỷ vật như thế này sẽ là lời nhắc nhở lặng lẽ nhưng đầy tha thiết về giá trị của tự do, độc lập và hòa bình.

Bài và ảnh: Phan Ngân
Ý kiến của bạn