Hà Nội

Những bất thường trong giai đoạn dậy thì ở trẻ, cha mẹ cần biết

11-10-2022 14:09 | Giới tính
google news

SKĐS - Dậy thì là sự phát triển sinh lý bình thường ở trẻ. Tuy nhiên, hiện nay ngày càng có có nhiều trẻ dậy thì sớm và một số lại dậy thì muộn. Cả hai hiện tượng này đều ảnh hưởng sự phát triển thể chất, đặc biệt là tâm sinh lý của trẻ.

Giai đoạn dậy thì thường bắt đầu ở độ tuổi từ 8-13 đối với trẻ em gái và 9-14 tuổi đối với trẻ em trai. Đối với trẻ em gái, độ tuổi bắt đầu dậy thì trung bình là 10 tuổi rưỡi. Đối với trẻ em trai, tuổi bắt đầu dậy thì trung bình từ 11 tuổi rưỡi đến 12 tuổi.

Dậy thì được coi là sớm nếu nó xảy ra trước thời điểm dự kiến. Nó được coi là muộn hoặc bị trì hoãn nếu chưa bắt đầu trước độ tuổi trung bình.

1. Dậy thì sớm

1.1. Dấu hiệu dậy thì sớm

Dậy thì sớm là khi bắt đầu có các biểu hiện trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai như: tăng chiều cao nhanh chóng, có các dấu hiệu bắt đầu có kinh nguyệt, mọc lông mu… ở trẻ gái.

Ở trẻ trai: Tăng kích thước dương vật hay tinh hoàn, mọc lông nách, lông mu hay lông mặt, giọng trầm, nổi mụn...

Dậy thì sớm phổ biến ở trẻ gái hơn so với bé trai. Những trẻ gái trưởng thành sớm có thể mặc cảm và tỷ lệ trầm cảm, rối loạn tâm lý và rối loạn ăn uống cao hơn.

Những bất thường trong giai đoạn dậy thì ở trẻ cha mẹ cần quan tâm - Ảnh 2.

Dậy thì sớm có thể khiến trẻ mặc cảm, rối loạn tâm lý.

1.2. Nguyên nhân gây dậy thì sớm

Một số trường hợp dậy thì sớm chỉ đơn thuần là sự trưởng thành trước thời hạn. Tuy nhiên, một số có thể tiềm ẩn gây ra biến đổi này.

Hiện tượng dậy thì sớm ở bé gái có thể do có những rối loạn về mặt sinh dục, có thể gây tăng tiết estrogen sớm hay các trường hợp có u nang buồng trứng, u não, các bệnh tuyến giáp...

Ở những trẻ bị tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, hormone sinh dục nam quá nhiều khiến trẻ trai bị dậy thì sớm. 

1.3. Ảnh hưởng của dậy thì sớm

Dậy thì sớm có thể gây khó khăn cho trẻ về tâm lý, tinh thần. Các trẻ gái dậy thì sớm có thể xấu hổ hoặc ngượng về những thay đổi thể chất của mình so với bạn bè cùng trang lứa dẫn đến cách cư xử của trẻ cũng có thể thay đổi. Trẻ gái có thể buồn rầu và dễ cáu.

Trẻ trai có thể hay gây gổ nhiều hơn. Mặt khác, những trẻ này mặc dù dậy thì sớm về sinh lý nhưng tâm lý lại không phát triển nên rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng quấy rối tình dục

Trẻ dậy thì sớm thường có chiều cao thấp hơn tiêu chuẩn do hormone sinh dục kích thích sự phát triển của xương, khi giai đoạn dậy thì kết thúc, sự tăng trưởng chiều cao cũng dừng lại. Vì vậy trẻ dậy thì sớm thường không đạt được chiều cao đầy đủ khi trưởng thành.

2. Dậy thì muộn

2.1. Biểu hiện dậy thì muộn

Dậy thì muộn cũng là một dạng rối loạn phát triển dậy thì. Bình thường bạn gái bắt đầu dậy thì trong độ tuổi từ 9 đến 13. Sự dậy thì ở trẻ gái được đánh dấu bằng sự xuất hiện của lần có kinh đầu tiên cũng như sự phát triển của một số dấu hiệu sinh dục phụ như: chiều cao tăng lên, vú phát triển và xuất hiện lông ở cơ quan sinh dục.

Nếu trẻ gái không có bất kỳ dấu hiệu sinh dục phụ nào ở tuổi 14 hoặc không có kinh nguyệt cho đến khi 16 tuổi thì được coi là dậy thì muộn. Quá trình này được coi là muộn nếu chưa bắt đầu sau tuổi 16 ở trẻ trai.

Những bất thường trong giai đoạn dậy thì ở trẻ cha mẹ cần quan tâm - Ảnh 4.

Biểu hiện dậy thì ở trẻ trai.

2.2. Nguyên nhân gây dậy thì muộn

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng dậy thì muộn như: di truyền, rối loạn hoạt động vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến giáp hoặc buồng trứng, dị tật bẩm sinh ở buồng trứng, chế độ dinh dưỡng kém, mắc bệnh mạn tính, căng thẳng nghiêm trọng...

Tập thể dục quá mức hoặc thực hiện các chế độ luyện tập nghiêm ngặt, căng thẳng cũng có thể làm chậm quá trình dậy thì, đặc biệt ở trẻ gái.

2.3. Dậy thì muộn có ảnh hưởng gì?

Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ra dậy thì muộn mà ảnh hưởng của nó đến tâm, sinh lý của bạn gái khác nhau. Một điều dễ nhận thấy ở các bạn gái khi dậy thì muộn là sự xấu hổ với bạn bè đồng lứa và sự lo lắng về khả năng sinh sản sau này.

Tuy nhiên, nhìn chung, dậy thì muộn không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn gái sau này. Sau khi dậy thì, có thể bạn gái vẫn có khả năng sinh sản bình thường.

3. Làm gì khi trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm hay muộn?

Dậy thì sớm và muộn đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, đặc biệt là tâm sinh lý của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến sự phát triển giai đoạn này của trẻ. Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường so với lứa tuổi, cần đưa trẻ đi khám và thiệp sớm.

Những bất thường trong giai đoạn dậy thì ở trẻ cha mẹ cần quan tâm - Ảnh 5.

Cha mẹ nên đưa con đi khám nếu có dấu hiệu bất thường về phát triển trong giai đoạn dậy thì.

Nếu trẻ được chẩn đoán là dậy thì sớm thì việc điều trị kết hợp giáo dục tâm lý lứa tuổi là điều cần thiết. Nếu nguyên nhân gây dậy thì sớm là bệnh lý thì cần phải điều trị.

Để phòng ngừa dậy thì sớm, cha mẹ cần lưu ý chế độ dinh dưỡng của trẻ cần đủ chất, cân đối các nhóm thực phẩm. Hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh có chứa phụ gia, chất béo xấu, chất tạo màu như: đồ hộp, đồ ngọt, béo, thức ăn nhiều dầu mỡ..

Đối với trường hợp trẻ có biểu hiện dậy thì muộn, đặc biệt đến 14 tuổi mà trẻ gái vẫn chưa xuất hiện một dấu hiệu sinh dục phụ nào hoặc trên 16 tuổi mà chưa xuất hiện kinh nguyệt thì cần đi khám để các bác sĩ đánh giá tình trạng sức khoẻ, tìm nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.

Tất cả những rối loạn hoạt động ở vùng dưới đồi, tuyến yên hoặc buồng trứng, những dị tật bẩm sinh ở buồng trứng đều cần được điều trị sẽ không ảnh hưởng đến quá trình dậy thì của trẻ gái.

Trong trường hợp trẻ gái có những yếu tố có thể gây ra tình trạng dậy thì muộn như: di truyền (mẹ hoặc chị gái dậy thì muộn), suy dinh dưỡng, thiếu máu ..., cần sớm đi khám để được điều trị những bệnh này để không ảnh hưởng đến quá trình dậy thì.

Còn đối với trẻ có cường độ vận động, tập luyện quá mức,  cần giảm bớt khối lượng vận động một cách thích hợp, hoặc điều chỉnh phương án tập luyện thì vẫn có thể có được sự dậy thì tự nhiên.

Làm sao để tránh dậy thì sớm cho con?Làm sao để tránh dậy thì sớm cho con?

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO): trẻ dậy thì sớm hiện nay đã tăng 35 lần so với 10 năm trước. Nguyên nhân chính là do trẻ béo phì có xu hướng ngày càng gia tăng.

Xem thêm video đang được quan tâm

Đậu mùa khỉ lây truyền qua những con đường nào?


BSCKI Hoàng Hường
Ý kiến của bạn