1. Nguyên nhân nào dẫn đến táo bón?
Ở nhiều người, táo bón chỉ đơn thuần là ít đi đại tiện. Tuy nhiên, đối với một số người khác táo bón có nghĩa là phân cứng, phân khô đi đại tiện phải gắng sức rặn, hay là cảm giác còn phân trong ruột sau khi đi đại tiện.
Nhìn chung, có thể hình dung táo bón là một triệu chứng có sự khó khăn, chậm trễ trong việc thải phân, phân ít và khô rắn hơn bình thường, số lần thải phân không vượt quá 3 lần trong tuần.
Nguyên nhân táo bón thì có rất nhiều, nhưng có thể chia làm hai nhóm nguyên nhân chính:
- Nhóm nguyên nhân cơ năng (rối loạn chức năng vận động đại tràng): Do sai lầm trong ăn uống (ăn thiếu chất xơ sợi, uống quá ít nước), ít vận động (làm nghề ngồi nhiều như thợ may, thư ký đánh máy), thường xuyên nín nhịn đi tiêu làm mất phản xạ đại tiện...
- Nhóm nguyên nhân thực tổn: Tổn thương ống tiêu hóa, dị dạng đại tràng, viêm đại tràng mạn co thắt, hội chứng ruột kích thích thể táo, tổn thương ngoài ống tiêu hoá…
2. Điều trị táo bón thế nào?
Trước khi dùng thuốc nên thay đổi lối sống và áp dụng các biện pháp:
- Ăn nhiều chất xơ sợi hơn, uống 1.5-2 lít nước/ngày, nên uống thêm nước cam, nước chanh; ăn trái cây nguyên miếng để giữ được chất xơ hơn là dùng nước trái cây ép.
- Nên vận động, tập thể dục thể thao nhiều hơn, nếu phải làm công việc ngồi nhiều thì dành thời gian đi lại hoặc vận động tại chỗ; tập luyện phản xạ đại tiện đúng giờ cố định.
Nếu các biện pháp này đã kiên trì áp dụng nhưng không cải thiện được tình trạng táo bón thì mới dùng thuốc.
Có nhiều loại thuốc dùng trong điều trị táo bón như:
- Nhóm thuốc nhuận tràng tạo khối ( methylcellulose): Làm tăng "số lượng lớn" hoặc trọng lượng của phân, do đó kích thích ruột, giúp người bệnh đi đại tiện dễ dàng hơn.
- Thuốc nhuận tràng thẩm thấu (lactulose, macrogol, sorbitol…): Hút nước từ phần còn lại của cơ thể vào ruột của bạn để làm mềm phân và giúp đi ngoài dễ dàng hơn.
- Nhóm thuốc nhuận tràng kích thích như bisacodyl: Kích thích các cơ nằm trong ruột, giúp phân di chuyển dể dàng qua đường ruột.
- Thuốc nhuận tràng làm mềm phân như docusat, tác động lên bề mặt chất thải, làm giảm sức căng trên bề mặt, giúp phân hấp thu nhiều nước và mềm hơn.
3. Tác dụng phụ của thuốc trị táo bón
Giống như hầu hết các loại thuốc, thuốc nhuận tràng có thể gây ra tác dụng phụ. Chúng thường nhẹ và sẽ hết sau khi bạn ngừng dùng thuốc nhuận tràng.
Các tác dụng phụ sẽ phụ thuộc vào loại thuốc nhuận tràng, tác dụng phụ phổ biến của hầu hết các loại thuốc nhuận tràng bao gồm:
- Đầy hơi
- Mệt mỏi, mất nước...
- Cảm thấy lâng lâng
- Đau đầu
Hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào đặc biệt gây phiền toái hoặc dai dẳng khi dùng thuốc nhuận tràng.
Sử dụng thuốc nhuận tràng quá thường xuyên hoặc quá lâu cũng có thể gây:
- Phân lỏng, tiêu chảy
- Rối loạn nhu động ruột.
- Gây mất nước, điện giải và khoáng chất (đặc biệt là kali)...
- Gây ra tác dụng ngược do ruột không chủ động hoạt động, dấn đến tình trạng táo bón trầm trọng hơn, thậm chí là táo bón mạn tính.
4. Sử dụng thuốc trị táo bón thế nào là đúng?
- Thời gian sử dụng thuốc không quá 7-10 ngày.
- Không lạm dụng thuốc mà cần chú ý kết hợp thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống và nghỉ ngơi để xây dựng một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
- Khi uống thuốc cần uống nguyên cả viên, không bẻ hoặc nhai thuốc dẫn đến giảm tác dụng của thuốc và có thể ảnh hưởng đến dạ dày.
- Uống nhiều nước trong quá trình sử dụng thuốc để hạn chế tình trạng mất điện giải.
- Khi tình trạng táo bón kéo dài cần đến các cơ sở y tế để được khám và có hướng điều trị phù hợp
- Một số thuốc điều trị bệnh tim mạch hoặc kháng sinh có tương tác bất lợi với thuốc nhuận tràng, do đó bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thuốc.
Mời độc giả xem thêm video:
Bệnh tay chân miệng bùng phát trở lại