Hỏi: Uống rượu không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với người bệnh mạn tính những ngày Tết. Vậy bác sĩ có thể làm rõ hơn về những bất lợi này?
Lê Đức Thịnh (Nam Định)
Trả lời: Ngày Tết gặp nhau mời uống một chút rượu để chúc sức khỏe là một nét văn hóa của người Việt. Uống rượu, bia đúng liều lượng, đúng cách sẽ có lợi cho sức khoẻ, ăn ngon miệng và tạo sự thăng hoa cho người uống.
Tuy nhiên, uống nhiều rượu bia, ép nhau uống rượu bia thì không phải là nét "văn hóa" và hoàn toàn không tốt cho sức khỏe. Đặc biệt đối với người mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, tăng huyết áp, bệnh lý gan mật, gout… thì càng cần phải lưu ý.
Theo khuyến nghị, mức rượu tiêu thụ trung bình được coi là điều độ:
- Nam giới dưới 65 tuổi 2 đơn vị một ngày; nam giới từ 65 tuổi trở lên 1 đơn vị mỗi ngày;
- Phụ nữ ở mọi lứa tuổi 1 đơn vị mỗi ngày.
1 đơn vị rượu uống được quy định là 300 ml với bia (khoảng 1 lon hoặc 1 cốc bia), hoặc 130 ml rượu vang hoặc 30 ml rượu mạnh (rượu từ 40% alcohol).
Tuy nhiên, với các bệnh nhân có vấn đề về tim mạch, huyết áp chỉ nên sử dụng dưới 1 đơn vị/ngày (tương đương với 30ml rượu mạnh, 130ml rượu vang, 300ml bia) với cả nam và nữ.
Đối với những người mắc bệnh gan hay bệnh gout, lượng rượu bia được khuyết cáo thấp hơn 1 đơn vị/ ngày.
Người mắc bệnh gan uống rượu sẽ trực tiếp làm tổn hại đến tế bào gan, thậm chí có thể làm các tế bào gan bị biến tính hoặc hoại tử. Từ đó sẽ khiến bệnh tình càng nặng thêm. Bia làm tăng tổng hợp purin với các bệnh nhân gout, từ đó làm tăng khả năng cơn gout cấp của bệnh.
Ngoài ra, rượu có thể giảm hiệu quả và làm tăng tác dụng phụ không mong muốn của một số loại thuốc mà người bệnh đang dùng.
Do vậy, với các bệnh nhân mắc bệnh lý gan hay gout cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống và việc sử dụng rượu bia trong những ngày lễ Tết.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cần lưu ý điều gì?