Thời gian gần đây, các loại bệnh dịch trên gia súc, gia cầm đang có dấu hiệu bùng phát, đặc biệt là các chủng virut cúm gia cầm mới rất nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người dân cũng như gây thiệt hại rất lớn đối với nền kinh tế, du lịch và ngành chăn nuôi. Nguy cơ lây lan phức tạp các chủng virut cúm gia cầm đã bộc lộ rõ khi vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có liên tiếp 2 công điện số 133/CĐ-TTg và 200/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương, quyết liệt tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng virut cúm gia cầm có khả năng lây lan sang người. Đến lúc này, người ta lại có thêm những lý do để nhìn nhận lại công tác tiêm phòng vaccin cho gia súc, gia cầm thời gian qua.
Lại vẫn là... “lực lượng mỏng”
Mặc dù, công tác chống dịch có nhiều cố gắng nhưng dịch vẫn ngày càng lây lan phức tạp. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như do đội ngũ cán bộ làm công tác thú y địa bàn còn mỏng, tập quán chăn nuôi thả rông của người dân, việc tiêm phòng ngừa dịch và công tác ngăn chặn, dập dịch có nhiều bất cập, yếu kém. Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác tiêm phòng; khoán việc này cho đội ngũ thú y cơ sở. Tuy nhiên, do phụ cấp cho đội ngũ thú y cơ sở quá thấp, nhiều thú y viên đã bỏ nghề, chuyển sang làm nghề khác. Có những địa phương vài năm nay không có cán bộ thú y nên việc tiêm phòng phải nhờ sự giúp đỡ của địa phương khác dẫn đến không hoàn thành kế hoạch được giao.
Tiêm vaccin phòng bệnh cho gia cầm.
Hệ quả là như công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm ở tỉnh Quảng Ninh năm 2013. Thời vụ tiêm phòng không đồng bộ, chậm và kéo dài. Theo quy định, thời gian tiêm phòng đợt 1 cho đàn gia súc, gia cầm vào tháng 3, tháng 4 và tiêm đợt 2 sẽ vào tháng 9, tháng 10 hằng năm. Thực tế cho thấy, ngay trong việc tiêm phòng đợt 1, nhiều địa phương đến cuối tháng 6 mới thực hiện công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Và đến cuối tháng 9 năm nay mới chỉ có 3/14 địa phương trong tỉnh thông qua Chi cục Thú y để cung ứng vaccin cho công tác tiêm phòng đợt 2.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y (Sở NN&PTNT), qua kết quả giám sát lưu hành bệnh dại và đánh giá bảo hộ sau tiêm phòng vaccin trên đàn gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2013 của ngành chức năng thì tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm trong toàn tỉnh đối với một số loại dịch bệnh thấp. Điều này cho thấy, công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm nói chung, vaccin cúm gia cầm nói riêng còn rất nhiều “lỗ hổng”.
Tại tỉnh Thanh Hóa, năm 2013, tỷ lệ tiêm phòng vaccin cúm gia cầm năm đạt rất thấp (14,2%), cùng với tình trạng tái đàn, phát triển chăn nuôi trở lại sau dịp Tết tăng cao là những nguy cơ làm phát sinh dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, theo kết quả giám sát virut cúm gia cầm năm 2013 thì tỷ lệ lưu hành virut cúm gia cầm A/H5N1 trên đàn gia cầm của tỉnh Thanh Hóa là khá cao (7,14%) cũng là nguy cơ làm phát sinh dịch bệnh.
Hậu quả từ đầu tháng 12/2013 đến nay, tại Thanh Hóa đã xảy ra dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 2 xã của TP. Thanh Hóa và huyện Tĩnh Gia làm 844 con gia cầm của 3 hộ chăn nuôi mắc bệnh, phải tiêu hủy. Đến nay, tình hình dịch bệnh bước đầu được khống chế, nhưng còn diễn biến phức tạp.
Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, muốn phòng cũng khó
Một số hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại hoặc quy mô từ vài trăm con gia cầm, vài chục con lợn trở lên đã chủ động tiêm phòng. Ngược lại, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ hoàn toàn của Nhà nước, trong khi công tác tiêm phòng hiện nay chỉ được hỗ trợ một phần tiền vaccin. Số khác muốn chủ động tiêm phòng vaccin nhưng không biết tiêm ở đâu.
Điểm bất cập đáng lưu ý nữa trong việc tổ chức tiêm phòng vaccin phòng ngừa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm hiện nay đó là người chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay phải tự tổ chức tiêm phòng vaccin cho gia súc, gia cầm của mình, chỉ khi nào dịch bùng phát hoặc có nguy cơ bùng phát dịch bệnh liên quan thì cơ quan thú y mới vào cuộc tiêm phòng giúp cho dân.
Đơn cử như gia đình tôi thường xuyên nuôi khoảng 5 con gà mái để lấy trứng cũng rất muốn tiêm vaccin cho chúng nhưng từ trước đến nay chưa thấy tổ dân phố thông báo tiêm vaccin cho gia cầm bao giờ. Tôi từng hỏi người dân trong tổ dân phố nhiều người cũng có ý kiến tương tự, nhiều nhà nuôi nhỏ lẻ đều muốn tiêm phòng cho gia cầm nhưng do cơ quan chức năng không tổ chức hoặc không biết tiêm ở đâu nên đành chịu.
Tổ chức tiêm vaccin cho gia súc, gia cầm đang nuôi ở các hộ gia đình, cá nhân nhỏ lẻ là rất cần thiết. Bởi vì, do số lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm ít, nhất là đối với người dân ở nông thôn thì nhận thức về phòng chống dịch bệnh còn hạn chế nên thường chủ quan, không tiêm vaccin cho gia súc, gia cầm hoặc muốn tiêm cũng chẳng biết tiêm thế nào, tiêm ở đâu...
Việc tiêm vaccin phòng chống các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm là rất quan trọng, nhất là đối với các loại dịch cúm gia cầm có thể lây lan, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tính mạng con người. Do đó, ngoài các biện pháp phòng ngừa đang triển khai hiện nay, các cơ quan chức năng cần tìm đến người dân để tổ chức tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, cần tổ chức các điểm tiêm phòng vaccin thường trực hoặc định kỳ để tạo điều kiện cho người dân có thể mang gia súc, gia cầm đến tiêm phòng.