Những bất cập của hệ thống phân phối dược phẩm ở Việt Nam

14-11-2008 15:46 | Thời sự
google news

Thị trường dược phẩm tại Việt Nam tăng trưởng khá cao trong những năm qua. Tổng giá trị tiền thuốc sử dụng từ 816 triệu USD năm 2005 tăng lên 1.114 triệu USD năm 2007 (Báo cáo tại Hội nghị ngành dược ngày 25/04/2008).

Thị trường dược phẩm tại Việt Nam tăng trưởng khá cao trong những năm qua. Tổng giá trị tiền thuốc sử dụng từ 816 triệu USD năm 2005 tăng lên 1.114 triệu USD năm 2007 (Báo cáo tại Hội nghị ngành dược ngày 25/04/2008). Việc ngày càng có nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực phân phối, bên cạnh nhiều tác động tích cực còn làm cho hệ thống này ngày càng phức tạp.

Hệ thống phức tạp

Tính đến hết năm 2007, có khoảng 800 doanh nghiệp đăng ký chức năng kinh doanh dược phẩm tại thị trường Việt Nam, trong đó có khoảng 370 doanh nghiệp nước ngoài cung cấp thuốc, chủ yếu hoạt động dưới hình thức văn phòng đại diện. Một chuyên gia về phân phối dược phẩm, hiện đang làm giám đốc phân phối toàn cầu của một công ty dược cho biết ông không ngờ số nhà phân phối ở Việt Nam lại nhiều như vậy. Hệ thống phân phối thuốc ở Việt Nam có quá nhiều công ty với nhiều tầng nấc (cấp) tham gia, việc phân phối cũng rất rối khi ai cũng có thể phân phối cho nhau. Nhiều nhà sản xuất tự đi phân phối thuốc cho bệnh viện, các công ty phân phối thuốc cho nhau, các trung tâm phân phối có thể đưa trực tiếp đến đại lý thuốc hoặc bệnh viện; các đại lý cũng làm công việc phân phối thuốc cho đại lý khác và các nhà thuốc. Đường đi của thuốc từ nhà sản xuất tới người sử dụng phải đi qua không ít công ty trung gian, nhiều khâu lòng vòng, do vậy giá thành tới tay người sử dụng tăng cao, và việc kiểm soát chất lượng thuốc trong khâu bảo quản và phân phối còn rất khó.

“Chợ thuốc” Ngọc Khánh - Hà Nội.
 
Doanh nghiệp phân phối dược phẩm tại thị trường Việt Nam được phân chia ra làm 2 loại. Một là các doanh nghiệp tiền thân của Nhà nước chuyên làm chức năng nhập khẩu và làm thêm các chức năng dịch vụ kho bãi, giao nhận: như Codupha, Phytopharma, Vimedimex, Sapharco... Các doanh nghiệp này làm dịch vụ nhập khẩu ủy thác nên doanh số báo cáo thường rất lớn, tuy nhiên lợi nhuận thường ở mức khiêm tốn. Hai là các doanh nghiệp tập trung vào hoạt động tiếp thị và xây dựng các hệ thống phân phối. Đây cũng chính là lực lượng gây ảnh hưởng nhiều nhất đến giá thuốc tại Việt Nam. Đặc biệt có sự tham gia của 3 nhà phân phối nước ngoài: Zuellig Pharma, Mega Product, Diethelm. Đây là những nhà phân phối chi phối mạnh mẽ tới thị trường phân phối cả nước do họ phân phối độc quyền các thuốc đặc trị và có hệ thống đại lý, khách hàng và trình dược viên.

“Chợ thuốc” – Kênh phân phối độc đáo ở Việt Nam

Thực ra “chợ thuốc” chỉ là tên gọi của đa số người kinh doanh dược phẩm và các bác sĩ phòng mạch ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tên gọi trên bảng thông tin thường là “Trung tâm thương mại dược phẩm và mỹ phẩm”.

Tại Hà Nội, có 2 “chợ thuốc” khá nổi tiếng là “chợ thuốc” Ngọc Khánh và 31 Láng Hạ. Ở TP. HCM, theo thông tin chúng tôi được biết có tới 3 “chợ thuốc” tại quận 10 và 11. Mỗi “chợ thuốc” có vài trăm gian hàng, buôn bán hầu hết các loại thuốc được phép lưu hành tại Việt Nam. Khách hàng có thể đi “chợ thuốc” mua các loại thuốc kể cả các biệt dược mà không cần toa, cũng như bán hàng không cần hóa đơn.

 Sơ đồ hệ thống phân phối dược ở Việt Nam
Hệ thống phân phối thuốc – Những bất cập

Ngoài tính chất phức tạp, lòng vòng hiện nay, hệ thống phân phối thuốc ở Việt Nam còn có nhiều bất cập. Đặc biệt, đại đa số các công ty phân phối dược trong nước còn thiếu tính chuyên nghiệp để có thể cạnh tranh với các công ty phân phối đa quốc gia.

Việc thiếu chuyên nghiệp đặc biệt thể hiện qua cách thức phục vụ khách hàng: tiếp nhận và xử lý đơn hàng, giao tiếp với khách hàng, tính khẩn trương trong phục vụ, việc đảm bảo lịch giao hàng và độ chính xác trong giao hàng... Điều này dễ dàng nhận ra khi gọi điện thoại đến các trung tâm tiếp nhận và xử lý đơn hàng (call center) của các doanh nghiệp phân phối.

Về mặt vĩ mô, hiện tại chưa có chiến lược tổng thể và quy hoạch phát triển hệ thống phân phối trên phạm vi toàn quốc đáp ứng các mục tiêu giải quyết các bất cập nêu trên theo các cột mốc thời gian. Việc này đòi hỏi sự thống nhất và phối hợp hành động của nhiều bộ ngành và cơ quan khác nhau, với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp.

BS. Phạm Văn Tiến


Ý kiến của bạn