Biển số xe là loại tài sản gì?
Theo TS Trần Trung Trực, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, "tài sản" theo Bộ luật Dân sự 2015 được định nghĩa là "tiền, vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản" hoặc phải là "bất động sản hoặc động sản". Đối chiếu với quy định này thì "biển số xe" không phù hợp với bất cứ loại hình tài sản nào.
Vì nếu thuộc vào nhóm "vật" thì vật đó phải có giá trị độc lập, có thể được sử dụng một cách chuyên biệt và phải mang lại lợi ích cụ thể cho chủ thể sử dụng. Biển số xe là một vật đặc thù vì nó không thể sử dụng thay thế cho bất cứ sản phẩm nào cũng được. Không thể khai thác được loại vật này nếu không có thân xe gắn liền.
Còn nếu biển số được thể hiện dưới dạng "quyền tài sản" thì lại không hợp lý bởi quyền tài sản phải có sự đóng góp, đầu tư chi phí, công sức tạo lập dưới bất cứ hình thức nào do chính chủ thể đó thực hiện; Có sự giao kết ràng buộc lẫn nhau khi khai thác tài sản đó giữa các chủ thể. Biển số xe không bắt nguồn từ việc tạo lập, đầu tư hay có bất kỳ sự giao kết nào đối với biến số đó nên không thể được coi là quyền tài sản.
Riêng đối với loại "giấy tờ có giá" thì biển số dường như không phù hợp với loại tài sản này vì giấy tờ có giá ở quy định này được hiểu là "cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch". Càng không thể xem biển số xe là tiền vì nó không phải là vật ngang giá chung làm thước đo giá trị của các loại tài sản khác (nghĩa là không phải vật trung gian có giá trị quy đổi ra tiền) để lưu thông với nhau trong đời sống xã hội.
Theo TS Trần Trung Trực, luật Đấu giá tài sản 2016 thì vật đưa ra đấu giá phải là "tài sản". Nhưng theo định nghĩa ở Bộ Luật Dân sự thì biển số xe chưa thuộc loại tài sản nào để có thể xem là "tài sản" được phép lưu thông thông dụng. Do vậy cần ban hành quy định hướng dẫn chi tiết cũng như các chỉ đạo cần thiết, cụ thể khi cho phép đưa biển số giao dịch ra ngoài thị trường như hiện nay cũng như giúp quy phạm pháp luật được đồng bộ.
Nếu thừa nhận "biển số" là tài sản bảo đảm được phép giao dịch thì vô hình trung khiến cho "biển số xe" bị biến chất vì làm giảm sút giá trị giao dịch tài sản là động sản đó. Như vậy, việc thừa nhận đã ngầm mặc định biển số xe được tự do lưu thông trong giao lưu dân sự mà không chịu sự ràng buộc bởi các cơ cấu thành phần gắn liền khác. Bất cứ ai sở hữu được biển số thì không bị hạn chế giao dịch với chủ thể khác mà không cần thân xe. Việc này dẫn đến trái với mục đích cuối cùng trong quan hệ mua bán phương tiện giao thông và đi ngược lại những quy định liên quan về công nhận quyền sở hữu đối với loại tài sản là động sản này.
Ngược lại, nếu pháp luật cho rằng biển số xe là tài sản mà không đồng ý để các chủ thể vận dụng tuyệt đối các biện pháp bảo đảm thì đã vô tình tước bỏ quyền tự do xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của cá nhân theo nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật Dân sự hiện nay.
Quản lý "biển đẹp" thế nào?
Thực tế đấu giá biển số xe vừa qua cho thấy, mức giá trả cho các biển số đẹp rất cao, có thể gây lo ngại về tình trạng đấu giá rồi mua bán lại, coi như là một hình thức kiếm lời. Bởi trúng đấu giá xong trao đổi mua bán lại, có thể thu được lợi khá lớn, trong khi số tiền cọc đấu giá không quá cao so với mức giá được trả.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính) cho rằng, việc đấu giá các tài sản công, trong đó có đấu giá biển số xe theo hình thức trực tuyến vừa qua, rất nên làm, cần ủng hộ vì có tác động lớn tạo ra sự công khai, minh bạch. Đồng thời tạo ra sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng, văn minh hơn cho mọi người khi ai có nhu cầu, thích hơn sẽ trả giá cao hơn như biển số xe.
Hoạt động này cũng ngăn chặn tư túi, móc ngoặc, tham nhũng vặt và nâng lòng tin của người dân vào các cơ quan chức năng, quản lý. Nhất là đối với biển số xe, dù thực hiện bấm biển ngẫu nhiên nhưng vẫn có những hành vi tiêu cực để chọn biển đẹp mà báo chí, dư luận đã phản ánh, thậm chí có vụ bị phanh phui. Hoạt động này cũng giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Cần có quy định chế tài mạnh xử lý đối với cá nhân, doanh nghiệp khi bùng cọc. Chẳng hạn ngoài việc phạt tiền cọc, có thể thêm cơ chế xử phạt số tiền 3 - 5% của tổng số tiền trúng đấu giá, cấm tham gia các cuộc đấu giá khác...
"Riêng về việc quy định cá nhân hay doanh nghiệp cần chứng minh tài chính để tham gia đấu giá, tôi cho rằng chỉ phù hợp với đấu giá đất đai, còn với biển số xe là không phù hợp bởi sẽ không thể biết được cụ thể giá của biển số đó bao nhiêu để có yêu cầu", ông Thịnh chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng, biển số xe theo quan điểm phong thủy là dãy số đẹp thường không quá nhiều, nói cách khác là một lượng giới hạn. Vì vậy thời gian tới không chỉ biển số xe mà cần nghiên cứu sửa đổi các quy định hoặc có cơ chế thí điểm để có thể đấu giá các tài sản khác như nhà cửa, đất đai, trang thiết bị, xe cộ công sản... trực tuyến.
Chuyên gia cho rằng, nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhìn nhận biển số xe như là một loại tài sản thì cần sớm có những quyết định hướng dẫn chi tiết cho việc áp dụng. Nếu biển số xe được xem như là cơ sở để nhận diện một cách khách quan, chính xác nhất về chủ sử hữu có quyền sử dụng và định đoạt tài sải đó cũng cần quy định rõ. Hơn nữa, giá trị của một hợp đồng mua bán xe dựa trên kết cấu, các bộ phận vật chất cấu thành thân xe, chi phí đầu tư, sản xuất… Sau quá trình sử dụng lâu dài, nếu chủ sở hữu tiếp tục bán chiếc xe đó đi thì giá trị tài sản dựa trên tình trạng hao mòn hay nguyên vẹn của xe chứ không phải đội giá do có sự gắn ghép thêm biển số.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Lý giải nguyên nhân bà Nguyễn Phương Hằng công khai xúc phạm 10 cá nhân, nghệ sĩ | SKĐS