Mâm ngũ quả cần đủ 5 màu của ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ (trắng, xanh, đỏ, đen, vàng), nhưng cũng có khi là những loại quả với nhiều mầu sắc khác.
Các quả thường có là: Chuối xanh, bưởi vàng, đu đủ chín đỏ cam, quất vàng tươi, cam, táo, nho....
Có gia đình thêm quả ớt đỏ như ngọt bút vươn lên; xoài vàng ươm như nắng mới đầy sức sống; nho căng mọng tím sẫm thủy chung…
1. Quả chuối xanh
Chuối xanh có tác dụng trị tiết tả (tiêu chảy). Chuối vừa chín, cùng lòng đỏ trứng gà, sấy tán bột (có thể làm viên) là thuốc bổ chữa trẻ em gầy còm, chán ăn, chậm tiêu.
Người cao tuổi có thể bồi dưỡng theo phương thuốc sau: Mỗi ngày đánh 1-2 quả trứng gà tươi với lượng đường thích hợp (tùy khẩu vị) sau khi đánh trứng + đường, thái 1 quả chuối chín vào cốc, đánh đều lên vừa thơm vừa bổ. Mỗi ngày 1 cốc ăn liền 1 tháng có tác dụng tăng cường sức khỏe.
Mâm ngũ quả ngày tết
2. Quả bưởi
Vỏ bưởi lạng phần mỏng ngoài để sắc uống chữa đầy bụng. Vỏ bưởi đốt lên, tán bột hòa nước súc miệng hoặc lấy than mịn đó sát vào lợi để điều trị một số bệnh như viêm lợi, sâu răng. Thuốc có tác dụng bền chắc chân răng. Vỏ bưởi đun với bồ kết và cỏ mần trầu làm thuốc chống rụng tóc.
Cùi bưởi có công dụng hóa đàm, tiêu thực, hạ khí, làm khoan khoái lồng ngực, chữa chứng ho hen người già bằng cách: Cùi của 1 quả bưởi, thái vụn, cho vào bát cùng với một lượng mật ong, hấp cách thủy cho nhừ, mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 1 thìa; hoặc cùi của 1 quả bưởi rửa sạch thái chỉ, hãm với nước sôi uống thay trà trong ngày.
Múi bưởi ta vẫn ăn có nhiều vitamin đặc biệt là vitamin C, có công dụng tăng sức đề kháng, giảm đau đầu, chống phù nề, nâng cao sức bền thành mạch và sức chống đỡ của cơ thể với các tác nhân gây bệnh. Có tác giả cho rằng, dịch ép quả bưởi chứa một chất giống như insulin có khả năng làm hạ đường máu.
3. Quả quýt
- Giảm đau đầu: Đun sôi vỏ quýt rồi xông mặt. Chỉ 10 phút sau, hơi nóng mang theo hương tinh dầu sẽ thấy cơn đau dịu hẳn và tỉnh táo hơn.
- Vỏ quýt để lâu năm gọi là trần bì chữa ho, tức ngực, nhiều đờm, trúng thực đầy bụng, đau bụng, ợ hơi, nôn mửa, tiêu lỏng. Ngoài ra còn dùng trừ thấp, lợi tiểu, giải độc cá tanh. Ngày dùng 4 – 16g dưới dạng thuốc sắc.
- Trần bì phối hợp với một số thuốc chữa bệnh đường tiêu hóa, thừa cân béo phì, tứ mùa cảm mạo, ho nóng, sốt rét, trúng thực, tiêu chảy...
Sách có ghi: "Nam bất ngoại trần bì, nữ bất ly hương phụ" (chữa một số bệnh ở nam giới không thể thiếu trần bì…).
- Hạt quýt có tác dụng hành khí. Múi quýt có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp tân dịch và vitamin cho cơ thể, đặc biệt là vitamin C. Vỏ quýt xanh dùng làm thuốc để tan các khối u, hòn (tích tụ) chống đầy chướng.
4. Quả đu đủ
Quả đu đủ xanh chứa nhiều papain, có tác dụng dễ tiêu hóa, làm nộm đu đủ, ăn ngon miệng, vừa dễ tiêu vừa chống ngấy khi thịt thà ê hề.
Đu đủ chín giàu vitamin, đặc biệt là vitamin A giúp trẻ mau lớn, phòng chống bệnh khô mắt và chống suy dinh dưỡng. Với người cao tuổi, đu đủ vừa là thuốc bổ, vừa nhuận tràng, giúp ăn ngon, lợi tiêu hóa.
5. Quả quất
Dùng vỏ hay dùng cả quả, vắt bớt nước, hấp với đường để làm thuốc chữa ho viêm họng cho trẻ em và người cao tuổi vừa an toàn, vừa hiệu quả. Quất ép lấy nước pha thêm ít đường làm nước giải khát thanh nhiệt.
Quất cũng dùng trong nước mắm chấm rau hoặc pha trong nước rau có tác dụng kích thích dạ dày tăng tiết dịch vị, giảm mệt mỏi.
Mời bạn xem thêm video:
Hoa cười đón xuân